Tin tốt là lạm phát lương thực của Trung Quốc đã giảm 2,2% tính tới tháng 11, do giá thịt lợn giảm 12,5% sau khi ngăn chặn thành công dịch tả lợn châu Phi. Tin xấu là giá lương thực của Trung Quốc giảm sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Lạm phát lương thực dường như sẽ tăng trên toàn thế giới, do các vấn đề về cung cấp lương thực và phản ứng phụ với sự nới lỏng chính sách tiền tệ liên quan đến đại dịch Covid-19 tạo ra tình trạng giá hàng hóa mềm ("soft commodity" là các sản phẩm nông nghiệp hoặc gia súc gia cầm (lúa, đậu tương, thịt lợn, đường…- PV) tăng vọt.
Dữ liệu hồi đầu tháng từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy trong tháng 11/2020, chỉ số giá lương thực không những tăng tháng thứ sáu liên tiếp, mà còn là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 7/2012.
Đáng lưu ý, chỉ số giá lương thực của FAO hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2014. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách về lương thực ở Bắc Kinh phải suy nghĩ, đặc biệt khi Trung Quốc dựa vào nhập khẩu để nuôi sống 1,4 tỷ người.
Theo báo cáo của FAO, chỉ số giá dầu thực vật đang có mức tăng tới 14,5% hàng tháng. Điều này sẽ có ý nghĩa đối với Trung Quốc, nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới về dầu cọ sau Ấn Độ.
Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu gạo lớn. Trong khi đó, giá gạo Đông Nam Á cũng đang tăng lên, một phần do vấn đề vận tải khiến giá cước tăng cao. Tuần trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2011 trong khi giá gạo Thái Lan tăng lên mức cao nhất gần 4 tháng.
Giá ngũ cốc khác cũng đang tăng. FAO đã liên hệ việc tăng giá xuất khẩu lúa mì với “dự báo thu hoạch giảm” ở Argentina. Tuần trước, nhà sản xuất chính Nga đã chuyển sang hạn chế xuất khẩu để ổn định giá nội địa. Động thái của Moscow có thể củng cố giá khi các nước tìm cách đảm bảo nguồn cung thay thế.
Nhìn chung, điều kiện canh tác bất lợi ở Nam Mỹ liên quan đến hiện tượng thời tiết La Nina cũng đã củng cố giá ngô và đậu tương. Hôm 18/12, giá đậu tương đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Là một nhà nhập khẩu ngô chính và người mua đậu tương lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ phải chịu mức giá cao hơn này.
Giá lương thực toàn cầu cao hơn cũng có thể là một tác dụng phụ của nỗ lực từ các ngân hàng trung ương nhằm giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của Covid-19. Cụ thể là việc mở rộng các biện pháp hỗ trợ thích ứng đã khiến nguồn cung tiền toàn cầu được mở rộng theo.
Hàng hóa mềm ( - soft commodity là các sản phẩm nông nghiệp hoặc gia súc gia cầm (lúa, đậu tương, thịt lợn, đường…) được giao dịch quốc tế thường được định giá bằng USD. Khi các thị trường tiền tệ cho rằng thiết lập chính sách tiền tệ ở Hoa Kỳ là phù hợp với sự suy yếu của USD, điều này có thể dẫn đến giá USD cho hàng hóa cao hơn.
Trước đó, hồi năm 2011, gói nới lỏng định lượng lần thứ hai của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vào cuối năm 2010, được thông qua nhằm giảm áp lực đối với đồng USD, làm trầm trọng thêm các vấn đề trong chuỗi cung ứng thực phẩm và gây ra sự gia tăng đột biến giá lương thực toàn cầu.
Không thể biết được liệu phản ứng của FED đối với virus Corona có tác động tương tự đến giá lương thực toàn cầu hay không - nhưng chắc chắn đồng USD đang chịu áp lực.
Albert Edwards, chiến lược gia toàn cầu tại Ngân hàng Pháp Societe Generale, cho biết vào tuần trước: “Trong khi hầu hết các nhà kinh tế tập trung vào tác động của QE [nới lỏng định lượng] của FED đối với vốn chủ sở hữu và giá hàng hóa công nghiệp tăng cao, chúng ta cũng nên theo dõi diễn biến thực sự làn sóng tăng giá thực phẩm tiến tới rất gần - và với ảnh hưởng rung chuyển".
Phải thừa nhận rằng, sức mạnh của đồng nhân dân tệ cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại giá nhập khẩu thực phẩm bằng USD tăng giá cao hơn, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó.
Dù có những nỗ lực nhằm tăng sản lượng nông nghiệp, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu và sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng từ giá lương thực toàn cầu tăng cao. Giới chuyên gia tin rằng giá lương thực ở Trung Quốc đợt tới sẽ tăng chứ không phải giảm.