Hà Bắc, Cát Lâm, Tứ Xuyên, Vân Nam và khu tự trị Nội Mông là các tỉnh sẽ được mở rộng thử nghiệm trồng đậu nành biến đổi gen của Trung Quốc. Kế hoạch thử nghiệm đậu nành biến đổi gen được khởi xướng từ năm 2021, sau đó được mở rộng trồng thử nghiệm ở Nội Mông và Vân Nam vào năm 2022.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hôm 24/8 cho biết cũng sẽ thu xếp sản xuất hạt giống biến đổi gen ở tây bắc tỉnh Cam Túc trong năm nay.
"Công nghệ biến đổi gen trong nông nghiệp đóng một vai trò không thể thay thế trong việc tăng năng suất cây trồng, giảm thiệt hại do sâu bệnh, dịch bệnh và cỏ dại, và giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học cũng như tiết kiệm chi phí lao động", trích thông báo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc hôm 24/8 .
Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng như căng thẳng gần đây trên trường quốc tế, đã làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực ở Trung Quốc, quốc gia có lượng tiêu thụ thực phẩm lớn nhất thế giới.
Ngô và đậu nành biến đổi gen cho thấy khả năng chống lại sâu bệnh và cỏ dại cao, tăng năng suất từ 5,6% lên 11,6%, bộ này cho biết thêm.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cũng bác bỏ những tin đồn lâu nay rằng thực phẩm biến đổi gen có thể gây ung thư và vô sinh. "An toàn là nền tảng và điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện công nghiệp hóa các giống cây trồng biến đổi gen. Các loại thực phẩm biến đổi gen đã được cấp phép bán ra thị trường đều an toàn", bộ này cho biết.
Bộ cũng cam kết tăng cường giám sát pháp lý đối với ngành chăn nuôi biến đổi gen để đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời thúc đẩy các chương trình thí điểm.
"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc quá chậm chạp trong việc xử lý những thông tin sai lệch về thực phẩm biến đổi gen, và sự phản đối của người dân chính là động lực khiến Trung Quốc đẩy mạnh phát triển cây trồng biến đổi gen", Zhu Zhen, nhà nghiên cứu tại Viện Di truyền và Phát triển Sinh học, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết.
Zhu nói thêm rằng khả năng tự cung tự cấp ngô và đậu nành thấp của Trung Quốc đã thúc đẩy nước này chuyển hướng sang phát triển công nghệ biến đổi gen.
"Trong tương lai, Trung Quốc sẽ áp dụng công nghệ biến đổi gen cho các loại rau, trái cây và nhiều giống cây mới", ông Zhu nói thêm.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã nỗ lực để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu đậu nành và ngô nhằm tránh nguy cơ xảy ra những "điểm nghẽn" lương thực, kể cả do chiến tranh thương mại.
Trung Quốc, tham gia hơn 60% hoạt động thương mại đậu nành toàn cầu, đã tăng khả năng sản xuất trong nước từ 15% vào năm 2021 lên 18,5% trong năm 2022 và tuyên bố sẽ tăng lên 30,7% trong 10 năm tới, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.
Năm 2022, lượng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ và Brazil, hai nhà cung cấp lớn của Trung Quốc, lần lượt giảm 10% và 6%, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
"Công nghệ biến đổi gen sẽ trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc dựa trên sự thiếu hụt ngô và đậu nành của nước này", theo một báo cáo nghiên cứu của công ty tài chính Tianfeng Securities hồi tháng 11/2022.
Theo báo cáo này, công nghệ biến đổi gen có thể giúp Trung Quốc tăng năng suất ngô từ 7% lên 17% và giảm 60% thuốc trừ sâu được sử dụng.
Việc áp dụng rộng rãi công nghệ biến đổi gen cũng sẽ đem lại lợi ích cho Trung Quốc, quốc gia vốn có khoảng cách lớn giữa cung và cầu, đồng nghĩa với việc giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế.