Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới, cũng là trị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Nước ta cũng là nơi cung cấp sắn lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 182,9 nghìn tấn tinh bột sắn từ Việt Nam, trị giá 93,95 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 33,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam còn chiếm 25,7% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 29,6% của 2 tháng đầu năm 2021.
Điều tương tự xảy ra với sắn lát khô. 2 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập 36,77 triệu USD sắn lát từ Việt Nam, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 18,7% của 2 tháng đầu năm ngoái.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc từ Thái Lan tăng, với 472,11 nghìn tấn, trị giá 249,67 triệu USD, tăng 47% về lượng và tăng 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Thái Lan đạt 282,31 triệu USD, tăng 63,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần sắn lát của Thái Lan hiện chiếm tới 86,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 77,8% của 2 tháng đầu năm 2021.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào trong 2 tháng đầu năm 2022 với 36,02 nghìn tấn, trị giá 17,94 triệu USD, tăng tới 193,1% về lượng và 232,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Lào đang chiếm 5,1% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 2,3% cùng kỳ 2021.
Ngoài sản xuất ethanol, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi. Nguyên nhân bởi ngành chăn nuôi lợn nước này trên đà phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi; nguồn cung ngô ở Nam Mỹ gặp khó khăn do thời tiết bất lợi; và xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang...