| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam: Chuyên gia Biển Đông Carl Thayer nói gì?

Thứ Tư 24/07/2019 , 10:50 (GMT+7)

Chuyên gia Biển Đông của Australia bày tỏ quan điểm sau hoạt động trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

Hành động phi pháp này của Bắc Kinh khiến nhiều quốc gia quan ngại và lên tiếng. Ngoài ra, nhiều chuyên gia về lĩnh vực Biển Đông cũng bày tỏ quan điểm của mình. Trong bài trả lời phỏng vấn NNVN, GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.

16-09-40_nh
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia.

Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng trong hành động của Trung Quốc ở khu vực Nam Biển Đông khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?

Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi tổ chức thăm dò địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không được sự cho phép của nước sở tại.

Trung Quốc không hề có căn cứ luật pháp cho hành động của họ. Ba năm trước, Tòa Trọng tài quốc tế PCA đã phán quyết trong vụ kiện của Philippines rằng tuyên bố về quyền lịch sử và đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Thậm chí, Trung Quốc còn lớn tiếng nói Việt Nam cần tôn trọng chủ quyền của mình. Nói cách khác, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố chủ quyền một cách vô cớ đối với các đảo và vùng nước trên Biển Đông, phớt lờ các phán quyết của tòa án quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển 1982.

Các hành động của Bắc Kinh cũng đi ngược lại với "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc" được ký vào tháng 10/2011.

Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến qua các nghiên cứu và ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.

Điều này sẽ đặt ra câu hỏi cho Việt Nam và các nước khác rằng, liệu có còn tin tưởng được Trung Quốc về việc tuân thủ các thỏa thuận về vấn đề Biển Đông nữa hay không.

Có ý kiến cho rằng, động thái này cho thấy Bắc Kinh đang muốn chuyển chiến lược từ tranh chấp sang cùng khai thác, điều này có đúng hay không, thưa ông?

Hiện nay, chưa thể khẳng định nguyên nhân gì khiến Trung Quốc đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, rõ ràng Bắc Kinh muốn tất cả việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông chỉ được thực hiện bởi Trung Quốc và các nước ASEAN chứ không phải các quốc gia khác.

Điều này cho thấy, Bắc Kinh âm mưu bá chủ Biển Đông và ràng buộc các nước trong khu vực khai thác cùng với họ. Hay nói cách khác, Trung Quốc đang tìm cách chấm dứt hoạt động của các đối tác nước ngoài của Việt Nam ở Biển Đông như VietSovPetro, Rosneft Vietnam và ExxonMobile.

Tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc.

Vậy theo ông, Việt Nam cần có biện pháp gì để ngăn chặn dứt điểm các động thái phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, thay vì giải pháp mang tính sự vụ như hiện nay?

Cách tốt nhất với Việt Nam hiện nay là sử dụng các biện pháp hòa bình và phản ứng tương xứng với các hành động phi pháp của Trung Quốc.

Phương án tiếp cận này có thể không ngăn chặn hoàn toàn các sự cố trong tương lai nhưng nó là nền tảng cần thiết để Việt Nam có thể thực hiện các hành động pháp lý như Philippines trong tương lai.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên đưa vấn đề này ra rộng rãi để nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những công ty Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông cũng là một phương án.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thiên tai về, tài sản ra đi

Hà Giang Mới đầu mùa mưa, nhưng người dân ở vùng cao Hà Giang đã phải hứng chịu 2 đợt thiệt hại do thiên tai gây ra, đau lòng nhất là đã có người tử vong.

Bình luận mới nhất