| Hotline: 0983.970.780

Trung tâm dạy nghề xây dựng 10 năm chưa xong

Thứ Ba 07/06/2022 , 13:53 (GMT+7)

Sau 10 năm, Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu vẫn không thể hoàn thành, nhiều hạng mục công trình có giá trị hàng chục tỷ đồng vẫn nằm phơi nắng, phơi sương, gây lãng phí.

Khuôn viên Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh bây giờ như 1 bãi đất hoang. Ảnh: L.K.

Khuôn viên Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh bây giờ như 1 bãi đất hoang. Ảnh: L.K.

Năm 2012, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống nhất chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu (thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt dự án đầu tư tại quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 28/11/2012 với tổng mức đầu tư gần 37,9 tỷ đồng.

Trong tổng số kinh phí này, ngân sách tỉnh hơn 3,9 tỷ đồng chủ yếu để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ gần 33,9 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm và dạy nghề. Công trình do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 30.000m2. Thời gian thực hiện từ 2012 – 2014.

Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu huyện Sơn Tịnh sẽ thực hiện chức năng đào tạo nghề, liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Sơn Tịnh và các huyện lân cận để cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp Tịnh Phong và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi…

Nhiều hạng mục vẫn đang dang dở nằm phơi nắng, phơi sương. Ảnh: L.K.

Nhiều hạng mục vẫn đang dang dở nằm phơi nắng, phơi sương. Ảnh: L.K.

Từ đầu năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí 3 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thành trong tháng 8/2013.

Từ tháng 8/2013 đến tháng 3/2014 công trình được thi công xây lắp với khối lượng thực hiện gần 70%. Trong đó, nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia Việc làm và dạy nghề được sử dụng là 10,3 tỷ đồng. Từ thời điểm này, công trình bị tạm dừng.

Tháng 6/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản số 3101/UBND-VX gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc không được bố trí kinh phí đầu tư theo cơ cấu vốn của dự án được phê duyệt. Trong khi đó, ngân sách tỉnh gặp nhiều khó khăn nên không thể cân đối, bố trí tiếp tục thực hiện dự án khiến công trình bị dang dở, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và nợ kinh phí với các nhà thầu xây lắp.

Lo sợ để tình trạng này kéo dài sẽ càng làm công trình xuống cấp, giảm nhanh chất lượng công trình, tạo dư luận không tốt, gây lãng phí vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi được sự chấp thuận của Trường Cao đẳng Công Thương TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Bộ Công Thương). Trường này cam kết khi tiếp nhận sẽ hoàn trả cho tỉnh toàn bộ kinh phí Nhà nước đã đầu tư và tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án trong năm 2015, đưa vào hoạt động trong năm 2016 theo mục tiêu được duyệt.

Phía bên trong các dãy nhà chưa hoàn thiện rất ngổn ngang. Ảnh: L.K.

Phía bên trong các dãy nhà chưa hoàn thiện rất ngổn ngang. Ảnh: L.K.

Đến tháng 2/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-UBND về việc chuyển giao dự án này cho Trường Cao đẳng Công Thương TP Hồ Chí Minh để tiếp tục thực hiện đầu tư, đảm bảo hoàn thành và đưa công trình vào hoạt động phục vụ năm học 2016-2017, với giá trị dự án tạm tính gần 30 tỷ đồng.

Sau khi dự án được chuyển giao cho chủ đầu tư khác, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có quyết định phê duyệt quyết toán kinh phí đầu tư đến thời điểm tạm dừng thực hiện dự án là gần 20,5 tỷ đồng. Trong đó vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia gần 10,3 tỷ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Sau khi tiếp nhận, Trường Cao đẳng Công Thương TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm chuyển trả vào ngân sách Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi toàn bộ số kinh phí đã đầu tư nói trên. Dự kiến, số tiền thu được tỉnh sẽ trả nợ các nhà thầu thi công là 7,2 tỷ đồng, phần còn lại (khoảng 13,2 tỷ đồng) sẽ sử dụng thực hiện nhiệm vụ chương trình mục tiêu việc làm và dạy nghề của tỉnh.

Đến cuối năm 2016, Trường Cao đẳng Công thương TP Hồ Chí Minh đã chuyển cho ngân sách tỉnh Quảng Ngãi 7,2 tỷ đồng nhưng nợ số tiền còn lại đồng thời đầu tư thêm các hạng mục khác như tường rào, nhà bảo vệ, hệ thống cây xanh; hoàn thiện phần bên ngoài của 4 tòa nhà và sơn nước đạt 75%; 1 tòa nhà đang hoàn thiện phần mái đạt 60%.  Tuy nhiên, sau mốc thời gian quy định, dự án lại tiếp tục dừng.

Cỏ dại mọc bên trong công trình. Ảnh: L.K.

Cỏ dại mọc bên trong công trình. Ảnh: L.K.

Đến nay, đã 6 năm, công trình này không thi công thêm bất kỳ một hạng mục nào. Hiện nay, ngôi trường này luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Phía bên trong, khuôn viên trường như bãi đất hoang, các loại cây cỏ dại mọc um tùm. Tất cả có 5 dãy nhà chính nhưng chưa có dãy nhà nào hoàn thiện.

Qua một thời gian dài không bỏ không, các dãy nhà này đã có dấu hiệu xuống cấp, nhiều khoảng tường bám đầy rêu mốc, trần nhà bong tróc từng mảng, gạch đá, vật liệu xây dựng vương vãi khắp nơi. Nhiều hạng mục có sắt thép, mái tôn đã gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ hư hỏng gây lãng phí lớn.

Theo ông Huỳnh Thanh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong, việc Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh trải qua 1 thời gian dài nhưng vẫn chưa hoàn thành đã được người dân phản ánh qua các lần tiếp xúc cử tri. Trong khi xã Tịnh Phong đã đạt chuẩn nông thôn mới thì việc công trình không đầu tư, hoang hóa sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan nông thôn. “Do đó, địa phương và người dân mong muốn Nhà nước cần giao cho 1 đơn vị nào đó để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các hạng mục”.

Trả lời PV về việc dự án này không tiếp tục triển khai, ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trong năm 2020 và 2021 do dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội nên không thể triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi về việc khoảng thời gian trước đó, khi chưa có dịch bệnh nhưng các đơn vị thi công vẫn không thực hiện thì ông Hùng cho rằng, trụ sở chính của chủ đầu tư không ở Quảng Ngãi mà ở TP Hồ Chí Minh. Do vậy, muốn biết nguyên nhân vì sao thì phải làm văn bản gửi để trường này có báo cáo về vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp đối với dự án.

“Vừa rồi, Giám đốc sở đã giao cho phòng chuyên môn trong tháng 6 này sẽ tiến hành đi kiểm tra tiến độ dự án. Hiện, chúng tôi đang lên kế hoạch để trình lãnh đạo ký. Sau khi kiểm tra, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể gửi cho các cấp ngành chức năng cũng như cơ quan báo chí”, ông Hùng nói.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.