| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở nông thôn

Một làn khói nhà máy rác, hai huyện hứng đủ

Thứ Bảy 01/10/2022 , 07:43 (GMT+7)

Đã hàng chục năm nay người dân hai huyện Kim Thành, Thanh Hà (Hải Dương) phải sống chung với thứ mùi khăm khắm, thôi thối, khen khét như đốt ván quan tài.

Không thể trốn đi đâu thì phải cố mà chịu

Tôi gặp ông Nguyễn Văn Khương người làng Tường Vu (xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) lúc đang vác cuốc từ ngoài đồng về. Hỏi chuyện khói của nhà máy rác, ông lắc đầu, nhăn mặt: “Thường tầm 7 - 8 giờ tối có gió đông là khói rác về, đôi khi ban ngày cũng bị, có đợt 3 - 4 hôm liên tục, khổ nhất là có hơi sương nén xuống. Vợ tôi thường bị ho từng cơn, cầm bát cơm lên ăn mà chỉ muốn sặc. Lúc có khói rác về, dù đang làm gì cũng phải đóng kín cửa, ai gọi cũng không biết. Còn những người đang đi làm ngoài đồng, không thể trốn vào đâu được, vẫn phải cố mà chịu”.

Empty

Ông Nguyễn Văn Khương: "Khói rác về là nhà nào nhà nấy đều phải đóng cửa". Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Chị Nguyễn Thị Phú - Trưởng thôn Tường Vu bảo với tôi rằng, chuyện khói nhà máy rác, họp xã, họp huyện thôn ý kiến suốt nhưng chẳng mấy thay đổi, dân nhiều người chưa thấy phát bệnh ngay nên cũng không sợ. Nếu muốn trải nghiệm, nhà báo hãy ngủ lại làng một tối. Vậy là tối đó, tôi ngủ ở nhà em trai chị Phú và hậu quả là sáng ra, thức dậy mà miệng đắng nghét, đầu váng vất, chân đi như không phải của mình.

Sau khi nghe tôi mô tả về tình trạng đó, chị Trịnh Thị Thúy - vợ chủ nhà thủng thẳng: “Anh ngủ ở đây đúng vào hôm không có gió đông còn đỡ đấy chứ hôm nào có, mùi rác bốc lên như mùi ván quan tài đốt, cứ thum thủm, khen khét. Tôi năm nay 34 tuổi, người có nhiều bệnh, đã cắt mật, ngửi khói rác bị thêm bệnh đã đành, chỉ lo cho hai đứa con, chúng còn nhỏ, nếu chẳng may về sau có bề gì…”. 

Một người dân trong làng xin được giấu tên thì than thở: “Rất nhiều nơi ở nông thôn chưa có chỗ xử lý rác thải cũng khổ. Như tôi đọc báo thấy ở tỉnh Bắc Ninh mỗi thôn rác thải đều chất cao như núi vì không có nhà máy rác, đầy quá phải tự đốt. Nhưng ở xung quanh nhà máy rác thì chúng tôi như bị bức hại ấy, chẳng có quyền lợi gì mà phải chấp nhận cảnh sống chung với bệnh tật, không ai cứu. Tại sao người dân chúng tôi chịu được? Mà không chịu cũng chẳng làm gì được? Anh phải đặt hoàn cảnh của mình, bố mẹ mình, vợ con mình sống ở đó mà xem, nhìn thấy bệnh mà không làm thế nào được thì sao không khỏi bức xúc?”.

Theo số liệu của Trạm y tế xã Cộng Hòa, năm 2018 có 12 người chết vì ung thư, năm 2019 có 12 người, năm 2020 có 8 người, năm 2021 có 7 người, từ đầu năm đến nay có 7 người...

Empty

Bà Nguyễn Thị Chí 107 tuổi kể, mỗi lần khói rác về, có khi cả nhà không ngủ được. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nguyễn Thị Chí 107 tuổi ở làng Tường Vu thều thào kể với tôi rằng: Những đêm khói nhà máy rác về, cả nhà khổ lắm cháu ạ, có khi không thể ngủ được dù cửa đã đóng kín.

Khói đốt rác cuồn cuộn như mây và những dòng sông chết

Rời Cộng Hòa, tôi sang xã Cổ Dũng, cùng huyện Kim Thành. Khi biết tôi hỏi về chủ đề khói nhà máy rác, ông Nguyễn Văn Tính - người thôn Giữa bảo: “Anh phải soi xét thế nào cho dân tôi đỡ khổ chứ hễ gió đông về, toàn xã phải ngửi mùi thối, ra đến ngã ba Tiền Trung mà khói nhà máy rác còn thổi cứ cuồn cuộn như là mây bay. Chúng tôi làm đơn kêu cứu đã nhiều lần, nhiều năm nhưng tình hình chẳng cải thiện là mấy”.

Lần theo vệt khói ấy, tôi tìm đến địa điểm đặt hai nhà máy đốt rác, nơi có những ống khói khổng lồ đêm ngày xả những luồng mù mịt như hiện trường của một vụ phóng tàu vũ trụ. Không chỉ khói bốc ra từ ống khói, mà khói còn tỏa ra nghi ngút dưới những khe hở của mái nhà máy.

Empty

Khói cuồn cuộn ở một nhà máy rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo tìm hiểu, hai nhà máy xử lý rác này do Công ty CP Quản lý Công trình Đô thị Hải Dương và Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương quản lý, có tổng công suất thiết kế khoảng 450 tấn rác/ngày, hiện tiếp nhận, xử lý khoảng 195 tấn rác/ngày của thành phố Hải Dương và 7 xã, thị trấn trong huyện Kim Thành. Chúng nằm trên một doi đất liền với huyện Kim Thành nhưng lại trực thuộc xã Việt Hồng của huyện Thanh Hà, dù cách một con sông khá lớn. Có lẽ vì thế mà huyện Thanh Hà trước đây đã nhanh chóng đồng ý cho đặt nhà máy rác ở đó vì nghĩ nó chẳng thể ảnh hưởng đến mình, còn huyện Kim Thành dù có phản đối cũng bất thành bởi đó không phải thuộc đất của mình.

Nhưng lẽ đời vốn... công bằng, khói của các nhà máy này quanh năm bay về các xã trong vùng, chia đều cho cả hai huyện. Gió bắc khổ dân huyện Thanh Hà, gió đông khổ dân huyện Kim Thành. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, chúng còn khiến môi trường nước ngầm, nước mặt đều bị đe dọa bởi một lượng lớn rác chưa được xử lý nằm phơi trên đất, gặp mưa sẽ thẩm thấu xuống hay tràn ra bề mặt.

Empty

Khói bốc ra không chỉ trong ống khói mà còn dưới toàn bộ mái nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người dân trong vùng phản ánh quy luật hoạt động của các nhà máy là ngày đốt ít, chủ yếu là rác sinh hoạt nên có mùi thum thủm, còn đêm đốt nhiều, chủ yếu là rác công nghiệp nên có mùi rất khó chịu, ở trong nhà đóng kín cửa cũng vẫn phải đeo khẩu trang. Vào mùa khô, khói, bụi bắt vào mái ngói của các gia đình, khi mưa xuống đen xì trong máng xối. Làng họp bàn nhau, kéo xuống chặn xe chở rác, ngăn công nhân vào vận hành nhưng rồi lại sợ như thế chẳng biết có vi phạm pháp luật hay không nên cứ chần chừ, nấn ná mãi.

Hết khổ vì mùi hôi thối của khói nhà rác, người dân hai xã Cổ Dũng và Tuấn Việt còn phải hứng chịu ô nhiễm từ một nhà máy sản xuất nến thơm ở trong vùng. Mùi thum thủm, khen khét của rác quyện với mùi thơm hắc đến nồng cay của nến trong những ngày nóng bức khiến cho ai nấy đều cảm thấy xây xẩm cả mặt mày.

Empty

Dù luôn đeo khẩu trang nhưng người dân này vẫn thường xuyên đau họng khi hít phải khói rác. Ảnh: Dương Đình Tường.  

Theo số liệu báo cáo của Trạm Y tế xã Cổ Dũng, từ năm 2008 trở về trước, trung bình mỗi năm chỉ có 3 - 5 người bị chết vì ung thư nhưng từ năm 2009 đến nay, số lượng người chết vì ung thư tăng nhanh, trung bình 7, 8, 9 trường hợp/năm, đặc biệt năm 2019 có tới 17 trường hợp. Anh Nguyễn Tiến Hùng - Trạm trưởng bảo 5 - 7 năm gần đây lúc nào địa phương cũng trên dưới 30 trường hợp mắc bệnh ung thư, nhưng đó chưa phải là con số chính xác bởi không có bất kỳ nghiên cứu, tầm soát nào.

Cũng theo anh, không hẳn Cổ Dũng có tỷ lệ ung thư cao nhất mà nhiều xã khác tỷ lệ cũng không hơn kém nhau là bao. Có nhiều lý do để người nông dân mắc ung thư như không khí, nước, thực phẩm ô nhiễm, thói quen sinh hoạt không khoa học: “Giờ ăn cái gì cũng sợ, uống cái gì cũng kinh, sử dụng cái gì cũng khiếp nhưng khó mà tránh được”…

Empty

Thống kê số lượng người chết vì ung thư ở xã Cổ Dũng. 

Con sông chảy qua xã Cổ Dũng mang tên Nguyễn Văn Bé nay cũng bị lấp gần hết, chỉ nhỏ như một con mương, chảy lờ đờ một dòng đặc quánh đen như mực tàu, bốc mùi rất nặng. Mật độ dân cư đông, tất cả các loại chất thải đều dồn ra sông khiến cho nó phải gánh hết. Tôi lại nhớ đến những lời chua xót của anh Đỗ Văn Sinh - người ở làng Tường Vu xã Cộng Hòa bảo giờ cả thôn chỉ còn 1 cái ao tương đối sạch là của nhà mình, thả cá còn sống được, còn ao nhà ông Khanh, ông Khoa trong thôn đã phải bỏ hoang vì hễ thả cá xuống là chết.

Dưới nước đã thế, trên bờ chuồng trại cũng bỏ trống vì dịch bệnh, vì giá cả bấp bênh. Đợt lợn dịch, dân mang ra dốc đê những con to như con bò vứt ở đó, rồi gà dịch chết tống vào bao tải cũng vứt ra đê. Ai ngửi được bao lâu thì ngửi, còn lại thì phân hủy. Mương máng mỗi nhà lấn ra một ít, ao hồ bé lại, đường to ra nhưng hễ mưa là ngập đến cổ chân, bắp chân. Dòng nước đen sì trong làng theo mương chảy ra sông Rạng. Trăm con mương như thế từ các xã trong vùng đem theo dòng nước đen đều chảy xuống sông Rạng. Cũng dòng sông ấy lại cung cấp “nước sạch” tới nhà máy để bơm tới các hộ dân cùng sử dụng...

Empty

Con mương nước thải đen xì của làng Tường Vu xã Cộng Hòa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giữa xã Cộng Hòa và xã Cổ Dũng mấy năm trước mọc ra một khu đô thị mới. Nhiều người cầm cố sổ đỏ, vay mượn họ hàng để tranh nhau mua một suất nhưng chờ đợi mỏi mòn mà giờ vẫn không có sổ đỏ. Không điện, không được xây nhà, khu đô thị mới bị bỏ hoang, chỗ nào đất tốt người ta tận dụng trồng lạc, trồng đỗ, còn thì cỏ mọc tơi bời. Dân làng thường đưa con cháu vào chơi, gọi vui đó là công viên nhưng những lúc có gió đông đẩy đưa khói lò đốt rác thì lại phải thất thểu dắt về...

Hết chuyện khói rác, bà con Cổ Dũng vẫn còn xôn xao về việc chợ Giống bị phá mới đây. "Chợ Giống là chợ dân sinh rộng rãi nằm ở đầu thôn Bắc do xã Cổ Dũng lập đã mấy chục năm nay, về sau bà con chúng tôi còn góp công, góp của đổ đường bê tông, lợp mái tôn lạnh nhưng chẳng hiểu sao vừa rồi bị dỡ bỏ khiến cho hàng trăm tiểu thương khóc như ri. Giờ người ta dồn mọi người vào ngôi chợ mới, cũng mang tên là chợ Giống nhưng của tư nhân, phải mua ki ốt với giá rất cao, khiến cho chúng tôi phải lao đao, thế làm sao dân giàu, nước mới mạnh? Rồi lại chuyện làm mấy đoạn đường nhựa chạy qua thôn mà chẳng thấy công khai như đấu thầu thế nào, giá cả, quy cách, chất lượng ra sao để cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát”, một người dân thôn Bắc chia sẻ.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.