4/4 thôn nhà văn hóa đều không đảm bảo
Trước đây xã Gia Xuyên thuộc huyện Gia Lộc, nay mới sáp nhập vào thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương). Khi xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã đã định hướng phải có đường ô tô đến tận từng nhà, kể cả là trong ngõ sâu. Tỉnh hỗ trợ xi măng nhưng ban đầu người dân kiên quyết giữ đất, không chịu hiến để mở rộng đường, đặc biệt khó khăn là xóm Cầu của thôn Tằng Hạ.
Chính quyền tuyên truyền cho dân rằng mở rộng đường tuy mất đi ít đất nhưng giá trị của mảnh đất lại tăng lên. Thay vì phải còng lưng đẩy từng xe bò cát, gánh từng chồng gạch xây nhà bởi ngõ nhỏ thì mở đường to ô tô chở vào tận nơi, chẳng sướng hơn à? Vậy nên cả xóm Cầu đồng loạt nghe theo.
Hay trường hợp thứ hai là một ngõ nhỏ của thôn Đồng Bào có mảnh đất chắn phía trước gây ra tình trạng thắt cổ chai. Anh Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên hồi ấy phải đến tận nơi vận động, thuyết phục mãi thì gia chủ mới đồng ý hiến đất làm đường. Thế nhưng khi địa chính đến đo, những hộ khác trong xóm liền nói: “Đất đó là lấn chiếm chứ xóm chúng tôi không cần nó hiến mà phải đòi lại”. Vậy là mâu thuẫn bùng nổ, nhà kia tự ái rút lại lời hứa.
Anh Hùng xuống lần thứ hai, hỏi hàng xóm: “Các ông bà có bằng chứng về gia đình đó lấn chiếm đất không? Kể cả là người ta có lấn chiếm lâu rồi giờ hiến đất cũng là có lòng tốt. Bây giờ nếu các ông bà không nghe thì tôi về, sẽ không bao giờ xuống đây và đường cũng không bao giờ được mở rộng nữa. Còn nếu nghe thì phải cảm ơn hộ đã hiến đất và cùng xây lại tường rào cho ông ấy”. Về phía gia chủ đang cơn nộ khí, anh xoa dịu: “Nhân danh Chủ tịch xã, tôi xin ông hiến đất cho UBND xã chứ không phải cho xóm này”. Mất một hồi lâu ông mới nguôi giận, chấp nhận.
Gia Xuyên xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến năm 2018 mới xong. Thành tựu nổi bật là khoảng 90% đường trong làng ô tô vào tận nơi, rác được vận chuyển ra khỏi các xóm, nước sạch được kéo về làng, cụm tiểu thủ công nghiệp được xây dựng tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập nông nghiệp đạt 300 - 500 triệu/ha…
Tuy nhiên, xã vẫn còn nợ tiêu chí nhà văn hóa của cả 4/4 thôn là Nghiên Phấn, Tranh Đấu, Tằng Hạ và Đồng Bào và 1 nhà mẫu giáo thôn Đồng Bào vì chúng đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. "Tiền không có, nếu làm phải đi vay. Bởi vậy hồi đó chúng tôi thà nợ tiêu chí còn hơn nợ tiền, cả chục tỉ", anh Hùng bảo. Địa điểm đầu tiên tôi đến thực tế là nhà mẫu giáo thôn Đồng Bào. Trần, tường của nó đều thấm dột, bong tróc từng mảng. Hai phòng nát đến mức không dám ở, người ta đành dồn các cháu xuống phòng còn lại cũng xập xệ. Nói dại chẳng may đang học mà mái sập, vữa tường rơi thẳng vào đầu cô, đầu trẻ thì chẳng biết hậu quả nặng đến mức nào?
Nhà văn hóa sát đó, vốn cũng là một dãy lớp mẫu giáo thôn đang xuống cấp. Cả nhà lẫn sân chỉ khoảng 150m2 nên các cụ già không có chỗ tập thể dục, trẻ con không có chỗ vui chơi, chỉ phục vụ cho mỗi năm các ban ngành đoàn thể họp hành chừng 10 lần rồi lại đóng cửa im ỉm.
Ông Tăng Văn Kiểm - một người dân trong thôn bảo: “Đi nhà trẻ ở trung tâm xã thì xa, công gửi, công đón về, vòng vèo đã mất cả buổi nên thôn vẫn giữ nhà mẫu giáo nhưng nó xuống cấp quá, không an toàn nữa. Còn nhà văn hóa, chúng tôi không muốn sửa đi sửa lại tạm bợ, vá víu nữa mà phải xây mới.
Xã đã quy hoạch một khu đất dành để làm sân vận động, chợ, nhà mẫu giáo hoặc nhà văn hóa rồi nhưng sau bao năm vẫn không giải phóng được mặt bằng nên chợ giờ vẫn họp ở ngoài đường, rất nguy hiểm. Về môi trường, con mương trong làng dài 2km, mỗi nhà một cái cống đổ ra, có nhà còn nuôi cả lợn nên tiêu không kịp, hễ mưa to là ngập, nắng thì bốc mùi”.
Nhà văn hóa thứ hai tôi đến là của thôn Nghiên Phấn, chuyển đổi công năng từ nhà mẫu giáo cũ thôn. Nó giống như ngôi nhà hoang, rộng khoảng 20 - 30m2, thấm dột tứ bề, tường bong tróc cả mảng to như cái bàn, cái chiếu, mái tôn ngoài hiên thủng những lỗ to như cái mũ, cái nón. Cũng tương tự, nhà văn hóa thôn Tằng Hạ vốn nhà là mẫu giáo thôn thải ra, rất lụp xụp và nhỏ bé. Còn nhà văn hóa thôn Tranh Đấu vốn là nhà kho hợp tác xã xây dựng từ năm 1984, chuyển sang nhà mẫu giáo rồi cuối cùng thành nhà văn hóa. Cái này trông khá hơn tất cả nhưng vẫn chưa đảm bảo so với các chức năng của nhà văn hóa.
Hết nhà văn hóa thôn, mẫu giáo thôn tôi lại đến Trạm Y tế xã. Anh Nguyễn Duy Hợp - Trạm trưởng cho biết nó được xây dựng từ năm 2005 theo mẫu của Bộ Y tế, lúc đầu chỉ 1 tầng, sau 3 năm chồng thêm 1 tầng nữa. Giờ số phòng thì thừa nhưng diện tích sử dụng hữu hiệu không được bao nhiêu, tường, mái thấm dột, bong tróc cả.
Khi tôi phản ánh lại những hiện trạng ấy, anh Hồ Văn Tân - Chủ tịch xã Gia Xuyên thở dài rồi bảo, nói đâu xa, anh cứ đến phòng tôi, tường cũng bong tróc, thấm dột hết cả. Xã đang làm tờ trình, xin phần tiền của mình khi bán đất giãn dân, đã nộp về thành phố để dùng vào mục đích xây dựng các công trình công cộng...
Trăn trở chuyện ăn uống, vỡ nợ của nông dân
Trên cánh đồng thôn Tằng Hạ, những bờ vùng, bờ thửa cỏ cháy rạp như có người vừa đổ nước sôi lên. Sợ cỏ ăn hết phân của rau, màu bên dưới nên nông dân đua nhau phun thuốc cỏ cháy nhanh. Một người đưa cho tôi đống vỏ bao thuốc sâu đã bị bóc trắng nhãn mác, bảo đây là hàng Tàu, giá 180.000 đồng/lọ, pha được cho 8 bình loại 20 lít: “Vỏ nhiều thế này nếu không cẩn thận cuốc vào, lưỡi còn bật ngược lại, bập cả vào chân. Thuốc sâu Tàu mua ở các đại lý trong vùng, hỏi là họ mang ra ngay. Dù khi phun chúng có mùi rất khó chịu, nhưng quan trọng là nó trị được sâu ngay từ đầu, mẫu mã rau đẹp thì mới bán được...”.
Rất dễ dàng ở trên ruộng đào hay dưới ruộng rau tôi đều thấy những lọ thuốc sâu Tàu vứt lăn lóc, cái thì đã bóc hết nhãn, cái vẫn còn nguyên. Còn trong những cái bể chứa vỏ bao bị đốt cháy nham nhở vẫn lấp ló những nét chữ tượng hình ngang, dọc. Tôi tra tên hoạt chất trên đó là Cypermethrin, thuộc vào nhóm độc độ II, thời gian cách ly rất lâu nên không khuyến cáo sử dụng trên rau. Thuốc giết cả côn trùng có lợi cũng như có hại, đặc biệt độc với ong và cá do vừa tác động thần kinh, vừa gây xung huyết, xuất huyết, hoại tử, teo nhân trên một số cơ quan như não, gan, thận và mang.
Nông dân trước đây “đói khoa học” đã đành, nay vẫn phun thuốc sâu lậu vô tội vạ và thường đấu nhiều loại vào để cho chắc ăn như lời đại lý khuyên bảo. Thuốc sâu lậu bán được nhiều vì nông dân thấy sâu chết ngay, kể cả con giun nằm dưới đất vẫn phải ngoi lên giãy đành đạch, còn thuốc sinh học gây ốm sâu, vài ngày sau mới chết lại cho là hàng rởm.
Trong khi trên đài, báo tuyên truyền về áp dụng sản phẩm mới vào nông nghiệp thì những cảnh tượng dùng thuốc sâu lậu, buồn thay, vẫn còn thấy ở khá nhiều vùng quê. Đảm bảo an toàn cho môi trường, cho thực phẩm, cho chính sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng là điều cơ bản cần phải thực hiện lúc này thì hầu như không mấy địa phương quan tâm…
Tôi hỏi số liệu người chết vì bệnh ung thư, Trạm Y tế xã báo cáo năm 2018 có 8/39 trường hợp, năm 2019 có 11/53 trường hợp, năm 2020 có 11/49 trường hợp, năm 2021 có 12/45 trường hợp, mấy tháng đầu năm 2022 có 6/19 trường hợp. Chủ yếu là ung thư gan, ung thư dạ dày, tập trung ở thôn Đồng Bào, nghi do trước đây làng này dùng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo. Còn lý do ung thư ở các thôn khác, cán bộ Trạm nghi một phần do thực phẩm không an toàn: “Thuốc sâu dân phun đào, phun rau bừa bãi nhưng không thấy ai quản lý. Không dùng thì không có rau ăn, vả lại không chết ngay nên bà con không sợ”...
Chẳng hiểu sao dăm bảy năm nay xã Gia Xuyên lại lắm vỡ nợ, không ít trường hợp bị xã hội đen ném chất bẩn vào nhà, bị những người cụt chân, cụt tay chống nạng đến ở ngay trong nhà để gây áp lực.
Hai anh em nhà nọ đều đi xuất khẩu lao động, kinh tế thuộc vào loại dư dả, về nhà lại mở cửa hàng kinh doanh nên chẳng mấy chốc thuộc vào dạng giàu ở làng. Chiều chiều họ đi đánh cầu lông, gặp ai cũng chào hỏi rất vui vẻ, ấy vậy mà đột ngột vỡ nợ, phải bỏ trốn, một người sau đó mất vì Covid-19. Chỉ tội cho ông bố ở quê phải bán nhà mà trả nợ thay con, ưu tiên trả trước cho ngân hàng, còn lại được chỗ nào hay chỗ đấy. Một công chức xã đang làm việc, đùng cái cũng bỏ đi vì vỡ nợ, từ đó mấy năm chẳng thấy ló mặt về quê nữa. Người thì đồn là anh đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, kẻ thì đồn là vào Nam làm thuê ở một chốn xa lắc xa lơ nào đó.