| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở nông thôn

Những hộ 'kinh tế trung bình' bỗng dưng muốn khóc

Thứ Hai 03/10/2022 , 06:35 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Giắng tại thôn Cam Đông xã Tuấn Việt (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) sống trong căn nhà nát, tường nứt, mái ngói vỡ nhưng vẫn là hộ kinh tế trung bình.

Ối thầy u ơi, bao giờ con lại biết đi?

Trong nhà mọi thứ đều lờ mờ vì chỉ thắp một bóng đèn to như quả trứng, mà thường có khách bà mới dám bật, bởi thế tiền điện mỗi tháng chỉ 30.000 - 40.000 đồng. Khi mắt đã dần quen, tôi quan sát xung quanh, không có một đồ đạc gì quá 1 triệu. Cái tủ “bích phê” bị tụt cả kính xuống, tay chân đau yếu bà cũng không thể nào lắp lại được. Rổ đậu đen chó ỉa cả vào, nếu không có tôi nhắc, mắt mũi kèm nhèm rồi có khi bà cũng không biết đường nhặt mà ra, cứ thế mà đổ vào xoong để nấu chè. Ngoài sân lỏng chỏng mấy cái chậu, mấy cái xoong cũ mèm hàng xóm thương tình mang cho để bà dùng hay bán đồng nát cũng không biết nữa. 

Trước đây bà trong diện hộ nghèo, giờ đã kịp “thoát” dù không có một khoản thu nhập nào. Thấy sự vô lý đó, tôi hỏi thì bà quệt nước mắt kể: “Khi chồng tôi bị ung thư người ta xét được 1 năm hộ nghèo, đến khi ông ấy chết là thôi. Tôi giờ đây cột sống đĩa đệm bị xẹp, vênh, lệch phải vừa đi vừa bò, không có tiền mua thuốc chữa mà ngày nào cũng phải 3 bữa uống thuốc giảm đau. Có lúc nằm trên giường, dù nóng tôi vẫn phải gấp cái chăn làm bốn kê dưới lưng nhưng đau nhức chỉ khóc: “Ối thầy u ơi, bao giờ con lại biết đi?”.

Empty

Bà Nguyễn Thị Giắng òa khóc kể về những uất ức khi nghèo mà vẫn nằm trong hộ kinh tế trung bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Làm ruộng không nổi, 2 sào đất phải cho người ta cấy lấy 2 tạ thóc ăn, tôi không nợ nần nhưng cũng chẳng có nguồn thu nhập gì, chỉ nuôi 5 con vịt, 30 con gà để chúng ăn cơm thừa, khi lớn bán đi lấy tiền mua thuốc giảm đau. Tôi làm đơn vào hộ nghèo. Nếu được thì làng xóm chắc sẽ nói ra nói vào nào là đảng viên mà vẫn hộ nghèo, cũng chẳng sung sướng gì nhưng còn có cái thẻ bảo hiểm y tế mà chữa bệnh. Đi lại được thì tôi chẳng xin vào hộ nghèo làm gì bởi xưa cũng cùng chồng tự tay cắt đất đóng gạch, xây cái nhà này, cấy lúa, chăm lợn để nuôi con.

Chủ tịch xã khi biết chuyện bảo trước bà không trong hộ nghèo nữa, nay sao lại xin vào? Thế rồi người ta cũng kéo đến chấm điểm. Nhà có 2 ti vi, 1 cái cỡ 50.000 đồng của Trưởng thôn Cam Thượng là em họ tôi cho, 1 cái của người xóm dưới cho, chúng đều hỏng người ta cũng tính. Cái tủ lạnh mua cả hơn chục năm, từ hồi nhà tôi còn sống, hỏng đã 5 - 7 năm nay tôi đau chân không bỏ đi được họ cũng chấm điểm.

Tôi bảo nó hỏng rồi, họ vẫn không tin nên mới nói: “Không tin nó hỏng thì mang ra sân, tôi đập ra cho mà xem”. Họ vẫn chấm tiếp. Đến công trình phụ, có bếp ga, có bình nóng lạnh tuy nằm trên đất của tôi nhưng là của con dâu. Nó mở một cánh cửa từ trên nhà xuống để dùng, nó kéo dây điện từ trên nhà nó qua để tính riêng nhưng giải thích thế nào họ cũng vẫn bảo cháu không biết, cứ ghi vào đây chấm điểm đã. Đoàn có cả Trưởng thôn là cháu họ, Phó thôn là cháu chồng tôi thế mà chúng cũng không nghe, tính tôi vào hộ có mức sống trung bình.

Người tôi đau, mọi khi cứ nằm xem tivi đến 1 - 2h sáng cho quên đau đi nhưng giờ ti vi hỏng hết đành mua cái đài 100.000 đồng mà 3 tháng nay không có tiền để trả. Trời mưa, mái dột xuống nửa trong của giường, tôi phải nằm ra nửa ngoài để mà tránh ướt...”.

Empty

Chị Phạm Thị Hiền - Phó thôn Cam Đông đứng trước ngôi nhà của bà Giắng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc vắng mặt bà Giắng, chị Phạm Thị Hiền - Phó thôn Cam Đông đồng thời cũng là cháu bảo, chấm điểm nghèo đa chiều thì những vật dụng như ti vi, bình nóng lạnh, xe máy, tủ lạnh… ở quê hầu như nhà nào cũng có, chỉ có điều, người ta không chấm theo giá trị của chúng mà quy tất vào một loại, thấp cũng như cao. Sau khi làm đơn xin vào hộ nghèo 2 năm mà không được, bà thậm chí không thèm nhìn mặt chị vì giận.  

Nếu không có anh Phạm Văn Đăng - Cán bộ văn hóa - xã hội xã Tuấn Việt rỉ tai, chắc tôi cũng không ngờ nhà Phó thôn lại hoàn cảnh đến thế bởi trong suốt cuộc chuyện trò chị không hề nói một câu về mình. Nhà chị sát vách nhà bà Giắng. Kiêm cả hai vai, Phó thôn và Phó đài xã, tổng thu nhập của chị được 2,2 triệu/tháng nhưng phải cáng đáng cả bố lẫn mẹ đều đang mang bệnh nặng.

Empty

Bà Giắng phải dùng thùng hứng nước mưa trong nhà bởi mái đã dột nhiều chỗ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Bùi Thị Mai - mẹ chị Hiền bị basedow tái phát, không mổ được nữa mà chỉ uống thuốc cầm cự, không đi lại được, suốt ngày chỉ ngồi tựa vào đầu giường nhìn ra bên ngoài. Mấy trăm ngàn tiền hỗ trợ tàn tật của bà chưa đủ mua thuốc. Còn ông Phạm Xuân Hòa - bố chị mắt mờ nhưng không có tiền mà mổ. Sức khỏe yếu, chị Hiền không lấy chồng mà nhận một đứa cháu về làm con. Chị cấy vài sào ruộng để lấy thóc ăn, còn thu nhập 2,2 triệu chia cho 4 nhân khẩu trong nhà được mỗi người hơn 500.000 đồng.

Trong ngôi nhà cấp bốn xây bằng vôi đã lâu năm của bà Mai, tường cứ bở ra như bột, không có xe máy mà chỉ có mấy cái quạt trị giá vài trăm ngàn đồng. Cái ti vi, cái bếp ga, cái tủ lạnh của người con rể cho lại là những thứ mà người ta tính điểm trong đánh giá nghèo đa chiều để rồi vượt khung. Bà dấm dứt khóc: “Ông trời không cho hẳn hoi thì thôi chứ tôi giờ hơn 70 tuổi, không làm gì được chỉ muốn chết đi cho con mình đỡ khổ chứ cứ sống mà bấu vào vài đồng bạc của nó sao đành?”…

Empty

Bà Bùi Thị Mai: "Sao trời không cho tôi chết đi để đừng bấu vào mấy đồng bạc của con Hiền nữa". Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Minh - Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành chia sẻ rằng thang chấm điểm hộ nghèo đa chiều còn đang nhiều bất cập. Trong khi đó, cấp xã cũng phải chịu rất áp lực. Đã đăng ký nông thôn mới là phải về đích, không thoát nghèo là không thể hoàn thành. Để tự nhiên thì không đạt chỉ tiêu, còn ép xuống thì dễ làm sai. Theo anh ước khoảng 60 - 70% là chấm đúng bởi phần lớn các hộ nghèo đều là người già, đơn thân, bệnh tật hay yếu thế, số còn lại là khá chênh vênh.

Chúng tôi muốn chấm đúng nhưng thang điểm nó thế

Một trường hợp khác, chị Phạm Thị Oanh người làng Cam Đông bị dang dở tình duyên nên một mình ôm đàn con 3 đứa lít nhít về quê thuê nhà ở làng Cam Thượng, cùng xã. Trước có đứa cháu trông hộ con cho thì chị còn đi làm công nhân dán đế giày, được 180.000 đồng/ngày nhưng giờ nó bận nên đứa lớn lớp 2 trông 2 đứa nhỏ hơn cho mẹ làm thuê thời vụ. Khi không có việc gì thì chị đi mò cua, bắt ốc, mỗi buổi được cỡ 70.000 - 80.000 đồng, hay đi bán hoa quả, bán lợn con ở ngoài chợ. Bữa cơm thường xuyên trong nhà là rau muống chấm mắm cáy và con cua, con ốc bắt được, thịt thì tháng đôi ba lần.

Không nợ nần ai nhưng cũng chẳng có tiền dự trữ vì cả bốn mẹ con dựa vào thu nhập chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng một tháng. Ấy vậy mà 3 lần làm đơn xin vào hộ nghèo, 3 lần chấm điểm chị đều trượt: “Tài sản của mấy mẹ con tôi chỉ có 2 tủ quần áo, 1 xe đạp điện, còn ti vi, tủ lạnh, điều hòa, bình nóng lạnh, nhà ở, công trình phụ khép kín này đều là đi thuê nhưng khi chấm người ta tính vào hết, bảo quy định không ghi rõ đồ đạc thuê, nhà thuê hay là nhà mình, vậy là vượt điểm. Tôi làm đơn xin vào hộ nghèo bởi mong có sổ bảo hiểm, miễn giảm học phí để cho con được đến trường. Không được vào hộ nghèo nhưng nếu nhà ai có hoàn cảnh khó khăn hơn, tôi cũng vui lòng”…

Empty

Bốn mẹ con chị Phạm Thị Oanh ở nhà thuê, tài sản mượn nhưng vẫn được chấm điểm như ở nhà mình, tài sản của mình. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chứng kiến tất cả những cảnh ngộ ấy, anh Phạm Văn Đăng - Cán bộ văn hóa - xã hội xã Tuấn Việt bùi ngùi: “Rõ ràng chúng tôi cũng muốn đánh giá đúng bản chất nghèo nhưng thang điểm của nghèo đa chiều ấy nó thế, cứ hơn 140 điểm thì không thể nghèo được. Theo quy định dưới 1,5 triệu/tháng/người là nghèo nhưng kiểm tra các vật dụng trong nhà như xe máy, ti vi, tủ lạnh, nhà cửa… thì lại không nghèo nữa. Ti vi đồng nát giá 50.000 đồng cũng như ti vi 50 triệu, xe máy đồng nát 1 triệu cũng như SH cả trăm triệu, tủ lạnh hỏng hay nhà nát vẫn tính điểm như bình thường. Nói chung là rất bất cập với những người nhiều tuổi không lương, bởi càng già họ càng yếu, càng nghèo đi mà thôi”…

Anh Nguyễn Đức Thao ở thôn Thanh Liên, xã Cộng Hòa giơ cho tôi xem túi thuốc to để ngay đầu giường. Mỗi buổi anh uống cả vốc những viên con nhộng xanh đỏ tím vàng như vậy. Thận hỏng, suy độ 5, mắt đau lồi cả ra ngoài, người phù thũng vì tích nước nhưng anh không có tiền để thay thận vì nghe đâu phải tiền tỉ.

Empty

Anh Nguyễn Đức Thao ở thôn Thanh Liên, xã Cộng Hòa cầm đống thuốc suy thận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ đi làm công nhân lương tháng 6 - 7 triệu thì 5,6 triệu đã dùng để thuốc thang cho chồng rồi lại nuôi 2 đứa con. Trong khi đó bố của anh cũng bị suy thận độ 3, mẹ thì chân thấp chân cao vì lắm bệnh, phải cắm sổ đỏ vay ngân hàng 200 triệu rồi vay ngoài vài chục triệu nữa. Bà trầm ngâm: Con tôi được trong hộ nghèo 5 năm rồi, giờ phải thoát để “nhường” con người ta cũng bị bệnh.

Nông thôn mới rồi nông thôn mới nâng cao, sắp tới nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi năm các làng xã đều phải giảm số lượng hộ nghèo đi như thế nên cứ cuối năm, vào cuộc bình xét làng xóm ì xèo không ngớt.

Nếu là hộ nghèo sẽ được hỗ trợ mấy chục ngàn đồng tiền điện/tháng, được miễn học phí cho con, được xem xét cho vay vốn, được tặng chút quà ngày Tết.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Ngựa núi, gà đồi... đậm hương vị Tây Bắc được ưa chuộng dịp Tết

Các sản phẩm mang hương vị Tây Bắc giờ đây có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM nhờ được chứng nhận OCOP.

Bình luận mới nhất