| Hotline: 0983.970.780

Trường Đại học Thủy lợi, 60 năm xây dựng và phát triển

Thứ Năm 14/11/2019 , 09:29 (GMT+7)

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và đặc biệt là sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng tháng 7/1954, công tác thủy lợi đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Chính phủ với chủ trương đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật thuỷ lợi để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

I.

Tháng 1/1959, Bộ Thủy lợi trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ “Quy hoạch xây dựng Học viện Thủy lợi”. Tháng 7/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua quy hoạch. Trên cơ sở đó, Bộ Thủy lợi ra quyết định thành lập Học viện Thủy lợi; đến năm 1964 là Học viện Thủy lợi- Điện lực. Lịch sử phát triển của Trường Đại học Thủy lợi được bắt đầu từ đây…

 

Ngay sau khi Học viện Thủy lợi được thành lập, công tác đào tạo bậc đại học được bắt đầu. Trong quá trình xây dựng, Học viện lấy Trường Trung cấp Thủy lợi làm cơ sở và bắt đầu chuyển về khu vực Đống Đa, vừa học vừa tham gia xây dựng. Năm 1959, lớp chuyên tu đại học khóa 1 của nhà trường được chiêu sinh và khai giảng với 40 sinh viên. Lúc này, do chưa xây dựng được cơ sở nên khóa 1 chính quy được chiêu sinh và đào tạo tại Đại học Bách khoa.

Trong hoàn cảnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đề ra chủ trương nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên. Đến năm học 1961-1962, lớp Trung cấp Điện được tuyển sinh và cũng từ thời gian này trường có tên gọi Học viện Thủy lợi và Điện lực. Cho đến năm 1964, trường chính thức mang tên là Trường Đại học Thủy lợi.

Ngược dòng thời gian về mùa hè những năm 1959-1964, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt, Trường Đại học Thủy lợi sơ tán lên vùng núi xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang), bắt đầu giai đoạn 10 năm nhiều khó khăn nhưng cũng đầy thành tựu. Thời gian này, trường đã chiêu sinh và làm lễ tốt nghiệp đại học cho gần 1.000 sinh viên. Những kỹ sư thủy lợi tốt nghiệp ở nơi trường sơ tán đã có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng ngành thủy lợi.

Những năm 1970 - 1971 theo tiếng gọi của Tổ quốc “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, hàng trăm cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường đã lên đường nhập ngũ; tỏa đi mọi chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường đã được Nhà nước tặng 200 Huân chương Kháng chiến; 181 Huy chương kháng chiến; 18 Huân chương chiến công, 5 Huân chương Quân kỳ quyết thắng, 35 Huân chương Giải phóng và hàng trăm Huân chương Chiến sĩ vẻ vang các hạng.
 

II.

Từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh và kiến thiết nước nhà được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu. Xác định vai trò quan trọng của công tác thủy lợi, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thủy lợi, trường đã thành lập các đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi, tỏa đi khắp các vùng Tây Nguyên, Trung Bộ, Nam Bộ. Đây là thời kỳ trường phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Bên cạnh việc mở rộng địa bàn trên phạm vi cả nước, trường bắt đầu thực hiện những cải cách đào tạo bậc đại học.

Thời kỳ đổi mới 1986-2005, thầy và trò nhà trường đã nhanh chóng vượt qua những lúng túng ban đầu để thích nghi với nền kinh tế thị trường. Quy mô tuyển sinh đại học liên tục tăng từ 248 sinh viên năm 1986, đến 1.394 sinh viên vào năm 2005. Số lượng chương trình sau đại học cũng tăng lên 13 chuyên ngành Tiến sĩ và 7 ngành Thạc sĩ.

Nhà trường mở rộng quan hệ hợp tác KH-CN đa phương và song phương với một số cơ quan, tổ chức quốc tế thuộc Liên Hiệp quốc, khối các nước Châu Á, Tây Âu và Bắc Mỹ, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của trường về mặt đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng ...

Với những thành tích đã đạt, Trường Đại học Thuỷ lợi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (1989); hạng Nhì (1994); hạng Nhất (1999), Huân chương Lao động hạng Ba cho hoạt động Công đoàn 1999; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới 2000, Huân chương Hồ Chí Minh 2004, cùng Huân chương Lao động hạng Nhất do Chính phủ Lào trao tặng năm 2000. Những thành tựu đó đã tạo thế và lực cho nhà trường bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ hơn.
 

III.

Từ năm 2005, Trường Đại học Thủy lợi đã bắt đầu đầu tư xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn mới. Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Đan Mạch, sự hỗ trợ về chuyên môn của nhiều chuyên gia, năm 2006 trường đã thành công xây dựng bản “Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủy lợi giai đoạn 2006-2020” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.

Từ năm 2006 đến nay, thực hiện chiến lược, trường đã mở thêm 19 ngành trình độ đại học thuộc các nhóm ngành kỹ thuật xây dựng, kinh tế, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật hóa học, công nghệ sinh học…. 13 ngành trình độ thạc sĩ và 6 ngành trình độ tiến sĩ cũng đã được mở thêm trong giai đoạn này.

Hiện nay, trường đang đào tạo đa ngành với 11 ngành trình độ tiến sĩ, 21 ngành trình độ thạc sĩ (trong đó có 04 ngành đào tạo bằng tiếng Anh) và 28 ngành trình độ đại học (trong đó có 02 ngành chương trình tiên tiến đào tạo bằng tiếng Anh). Quy mô tuyển sinh và đào tạo các trình độ đều có bước tăng lớn so với các giai đoạn trước đây, và hiện nay đang giữ ở mức ổn định 3.500 sinh viên đại học, 700 học viên cao học và 20 nghiên cứu sinh trên năm.

Ngoài những sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong nước, đã có nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh nước ngoài đến từ các nước Lào, Sri Lanka, Bangladesh, Thái Lan, Hà Lan,… đến tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng và trao đổi sinh viên các trình độ tại trường.

Về KH-CN, từ năm 2006 đến nay trường tham gia 32 đề tài cấp Nhà nước và Nghị định thư; 21 đề tài thuộc quỹ Nafosted; 78 đề tài cấp Bộ, tỉnh, thành phố và nhiều đề tài, dự án phục vụ sản xuất cấp tỉnh, thành phố đã và đang được thực hiện. So với những nội dung chiến lược phát triển KH- CN của giai đoạn đề ra, trường đã thực hiện đạt hoặc vượt nhiều chỉ tiêu.

Các đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đã tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết về thủy lợi, môi trường và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai ở các vùng miền trong cả nước như: Quy hoạch phòng lũ; Đổi mới công nghệ thiết kế, thẩm định, chuyển hóa các chỉ tiêu thiết kế để hòa nhập với công nghệ thế giới và khu vực; Thiết kế và thi công công trình, quản lý khai thác các hệ thống thủy lợi; Môi trường trong kỹ thuật tài nguyên nước; Công tác phòng lũ, giảm nhẹ thiên tai; Công nghệ phần mềm ứng dụng trong thi công, sản xuất; Nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng nước biển dâng…

Nhìn lại chặng đường đã qua, Trường Đại học Thủy lợi đã có những bước trưởng thành vượt bậc và đáng tự hào. Trước yêu cầu đổi mới đồng bộ, toàn diện, triệt để của ngành giáo dục và đào tạo, trường đã trở thành trường đại học đa ngành, khẳng định được vị thế của mình trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế và quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực thuỷ lợi, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Sự nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường đã được ghi nhận khi được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 2 lần được trao tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 2 lần Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1959-2019), nhà trường vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2).

Nhìn lại 60 năm để hướng tới tương lai. 60 năm thành lập là một mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và vươn lên của Trường Đại học Thủy lợi. Tập thể lãnh đạo, giáo viên, cán bộ công nhân viên và sinh viên nhà trường tiếp tục sẵn sàng mang hết trí và lực cống hiến cho giai đoạn phát triển mới, đưa trường lên một tầm cao mới, để tạo ra những giá trị bền vững trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

(Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi)

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.