| Hotline: 0983.970.780

Truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho yến sào

Thứ Sáu 13/10/2023 , 07:14 (GMT+7)

ĐBSCL Nuôi yến là nghề không phải đầu tư con giống, không tốn thức ăn hàng ngày nhưng lợi nhuận lại rất cao, cần được khuyến khích phát triển theo hướng an toàn sạch bệnh.

Nghề nuôi chim yến chủ yếu phát triển mạnh tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghề nuôi chim yến chủ yếu phát triển mạnh tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 100 tấn yến sào, thu về ngoại tệ khoảng 200 - 300 triệu USD. Hiện một số địa phương đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến, đặc biệt tại ĐBSCL đang phát triển mạnh. Cùng với đó, một số công ty đã xây dựng phần mềm để quản lý chủ nhà yến, liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.

Kiên Giang và An Giang là 2 địa phương phát triển mạnh nghề nuôi yến sào phục vụ xuất khẩu. Kiên Giang có gần 3.000 nhà nuôi chim yến, Kiên Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về nghề này. Năm 2022, sản lượng yến sào của Kiên Giang đạt gần 18 tấn, doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2023 sản lượng yến sào của Kiên Giang đạt gần 15 tấn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, với giá bán tổ yến thô từ 16 - 17 triệu đồng/kg, tổ yến sơ chế từ 24 - 25 triệu đồng/kg, tổ yến cao cấp từ 30 - 35 triệu đồng/kg, bình quân mỗi nhà yến cho thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá cao ở khu vực nông thôn.

Việc nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ yến chưa hình thành chuỗi khép kín để nâng cao giá trị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ yến chưa hình thành chuỗi khép kín để nâng cao giá trị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến thời gian qua chủ yếu là tự phát. Việc nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ yến chưa hình thành chuỗi khép kín để nâng cao giá trị. Nhiều cơ sở nuôi chưa thực hiện đăng ký để được cấp mã số, không đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà nuôi yến ồ ạt cũng làm mất cân đối so với tổng đàn, dẫn đến nhiều nhà yến có số lượng yến về làm tổ giảm, kém hiệu quả.

An Giang với hơn 1.000 nhà nuôi chim yến hiện có, sản lượng yến sào hàng năm của địa phương khoảng 10 tấn, doanh thu trên 180 tỷ đồng/năm. An Giang có nhiều ngọn núi, cánh rừng, vườn cây ăn trái nên rất thuận lợi về mặt khí hậu nên đã thu hút yến đến làm tổ, nhờ vậy An Giang là địa phương có sản lượng yến sào lớn thứ hai sau Kiên Giang ở khu vực ĐBSCL.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, có thể nói nghề nuôi chim yến tại An Giang còn nhiều dư địa phát triển. Để ngành này phát triển bền vững theo hướng an toàn sạch bệnh, tỉnh An Giang đã ban hành quyết định về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch vùng nuôi, địa phương sẽ xúc tiến mời gọi nhà đầu tư có năng lực xây dựng cơ sở chế biến, tổ chức thu mua và đẩy mạnh xuất khẩu yến sào trong thời gian tới.

Theo ông Hồng Đình Khoa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến, hiện Việt Nam đã ký Nghị định thư với Trung Quốc về việc xuất khẩu tổ yến chính ngạch, đã mở ra thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới.

"Để tận dụng cơ hội này, Công ty chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng địa phương, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu. Trước mắt, Công ty đang thực hiện các thủ tục xin phép đầu tư nhà máy đầu tiên trên địa bàn tỉnh An Giang để liên kết và tiêu thụ yến sào cho người dân." Ông Khoa chia sẻ.

Với giá bán tổ yến thô từ 16 - 17 triệu đồng/kg, tổ yến sơ chế từ 24 - 25 triệu đồng/kg, tổ yến cao cấp từ 30 - 35 triệu đồng/kg, bình quân mỗi nhà yến cho thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với giá bán tổ yến thô từ 16 - 17 triệu đồng/kg, tổ yến sơ chế từ 24 - 25 triệu đồng/kg, tổ yến cao cấp từ 30 - 35 triệu đồng/kg, bình quân mỗi nhà yến cho thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y vùng VII (Cục Thú y) cho biết, vùng ĐBSCL có lợi thế về thổ nhưỡng, thời tiết ấm áp quanh năm, ít mưa bão nên rất thích hợp để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nghề nuôi chim yến.

Qua theo dõi dịch tễ vật nuôi này trong nhiều năm nay không phát hiện bất thường, các chủ cơ sở nuôi cũng tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, khử trùng định kỳ. Đây là một nghề không phải đầu tư mua con giống, không tốn thức ăn hằng ngày… nhưng lợi nhuận mang lại khá cao cần được khuyến khích phát triển.

Theo ông Tiên, để phát triển nghề nuôi yến bền vững, có 3 điều kiện cần, đó là: Tổ chức sản xuất và quản lý yến theo chuỗi giá trị, phải gắn mã định danh và thực hiện truy xuất nguồn gốc và phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi yến, sản phẩm tổ yến. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị yến sào, cần thiết phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm tổ yến, cam kết về đảm bảo chất lượng của người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.