| Hotline: 0983.970.780

Chim yến 'hụt hơi' khiến nhiều nhà dẫn dụ không còn hiệu quả

Thứ Năm 10/08/2023 , 14:03 (GMT+7)

KIÊN GIANG Nhà dẫn dụ nuôi chim yến được người dân xây tự phát và phát triển quá nhanh, dẫn đến mất cân đối so với số lượng đàn chim yến hiện có.

Tại Khu dân cư An Hòa, TP Rạch Giá, nhiều nhà ở của các hộ dân đã được cải tạo, nâng tầng để nuôi chim yến, dẫn đến nhiều hệ lụy như gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Trung Chánh.

Tại Khu dân cư An Hòa, TP Rạch Giá, nhiều nhà ở của các hộ dân đã được cải tạo, nâng tầng để nuôi chim yến, dẫn đến nhiều hệ lụy như gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Trung Chánh.

Nhà dẫn dụ chim yến tự phát tăng nóng

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có gần 3.000 nhà dẫn dụ nuôi yến đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Tổng diện tích sàn nhà nuôi chim yến của Kiên Giang hiện đạt khoảng 730.630m2.

Số nhà trên thuộc sở hữu của 2.450 hộ dân và các đơn vị đầu tư xây dựng. Thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất là hai địa phương dẫn đầu về số nhà nuôi chim yến, đồng thời cũng là nơi tăng nóng, nhiều nhà tự phát, không theo quy hoạch.

Nếu so với cách đây 10 năm, số nhà dẫn dụ nuôi chim yến của tỉnh Kiên Giang đa tăng gấp nhiều lần. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2007 - 2013, toàn tỉnh chỉ có 270 hộ nuôi chim yến, với tổng diện tích sàn khoảng 48.000m2. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây, phong trào xây nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bắt đầu tăng mạnh do những nhà yến đầu tư trước đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ đầu tư xây mới kiên cố, nhiều nhà dân trong khu dân cư, khu đô thị tập trung cũng được cải tạo, nâng tầng để nuôi chim yến, dẫn đến nhiều hệ lụy như gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh lây sang người.

Sở dĩ nhà dẫn dụ nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phát triển nhanh là do lợi thế về tự nhiên như môi trường phù hợp, thức ăn đa dạng và phong phú. Phân tích trong ống tiêu hóa của chim yến cho thấy, phần lớn thức ăn là những loài côn trùng ở hệ sinh thái nông nghiệp.

Mặc dù số nhà nuôi chim yến tại tỉnh Kiên Giang tăng mạnh nhưng sản lượng thu hoạch tổ yến lại giảm, do nhiều nhà đầu tư không hiệu quả, thường những nhà yến đã xây dựng từ 5 - 7 năm trở lên mới có tổ thu hoạch. Ảnh: Trung Chánh.

Mặc dù số nhà nuôi chim yến tại tỉnh Kiên Giang tăng mạnh nhưng sản lượng thu hoạch tổ yến lại giảm, do nhiều nhà đầu tư không hiệu quả, thường những nhà yến đã xây dựng từ 5 - 7 năm trở lên mới có tổ thu hoạch. Ảnh: Trung Chánh.

Cảnh báo mất cân đối bầy đàn

Qua khảo sát của ngành chức năng những năm gần đây cho thấy, số lượng bầy đàn chim yến trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có dấu hiệu suy giảm, đi ngược lại với xu hướng số lượng nhà dẫn dụ nuôi yến liên tục tăng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một là trong nội tỉnh, số lượng lớn nhà nuôi chim yến phát sinh tự phát, tăng trưởng nóng, không theo quy hoạch, dẫn đến mất cân đối so với tổng đàn. Hai là các tỉnh lân cận không có lợi thế môi trường cũng đầu tư xây nhà dẫn dụ nuôi chim yến, dẫn đến phân tán bày đàn. Ba là tình trạng săn bắt chim hoang dã bừa bãi, nhất là tình trạng giăng lưới tàng hình, bẫy keo dính… để bán chim phóng sinh.

Theo tính toán của các đơn vị có thâm niên đầu tư nuôi chim yến, một cặp chim yến nhà có thể tạo ra giá trị kinh tế khoảng 600.000 đồng/năm từ khai thác tổ, còn đối với yến đảo tự nhiên là hơn 2 triệu đồng. Với vòng đời chim yến trung bình khoảng 10 năm giá trị chúng tạo ra là tương ứng với 6 triệu đồng và 10 triệu đồng/cặp, tùy vào môi trường nuôi.

Vì vậy, việc săn bắt chim yến không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã mà còn là hoạt động phá hoại kinh tế, cần phải lên án và nghiêm trị để tạo tính răn đe.

Mặc dù tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 cũng như Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 5/8/2022 về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, nhưng nhiều nhà dẫn dụ chim yến vẫn được xây dựng tự phát, không được kiểm soát chặt chẽ, kéo theo nhiều hệ lụy cả về kinh tế lẫn môi trường.

Sản lượng tổ yến thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Kiên Giang ước đạt 7.000kg, giảm khoảng 1.600kg so với cùng kỳ năm trước. Theo thông tin ghi nhận từ người nuôi, Chi hội nuôi chim yến tỉnh Kiên Giang, cơ quan quản lý địa phương, nhiều nhà yến hoạt động không hiệu quả, thường những nhà yến đã xây dựng từ 5 - 7 năm trở lên mới có lợi nhuận.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.