| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi - Sức khỏe & niềm tin khoa học

TS Kiều Minh Lực: Dịch không lây sang người, không gây bệnh ở người

Thứ Tư 27/03/2019 , 10:15 (GMT+7)

Dịch tả heo Châu Phi (ASF) xâm nhập vào Việt Nam đã gây ra mối băn khoăn, lo ngại cho một bộ phận doanh nghiệp, người tiêu dùng. Trong khi đó, trên thực tế, ASF không lây lan sang người và không gây bệnh ở người.

Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn TS Kiều Minh Lực (Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) về vấn đề này.

TS Kiều Minh Lực

Thưa ông, các chuyên gia về chăn nuôi, thú y đã nhiều lần cho rằng ASF không lây lan sang người, không gây bệnh ở người. Vậy đã có những nghiên cứu nào khẳng định về vấn đề này?

Đến nay, đã có các nghiên cứu của Mỹ, của Hiệp hội Thực phẩm Châu Âu và của Tổ chức Thú y Thế giới, đều khẳng định virus gây bệnh ASF không lây sang người.

Về mặt thực tiễn, virus nói chung khi ở ngoài môi trường, không thể tự nhân lên được. Chỉ đến khi thâm nhập được vào tế bào vật chủ, sử dụng các nguồn vật liệu trong tế bào vật chủ, virus mới có thể tự nhân lên, tự lắp ráp ở bên trong và gây bệnh. Mỗi loại virus chỉ thích ứng với những loại tế bào riêng. Tế bào của heo khác hẳn với tế bào của người và các vật nuôi khác. Virus ASF chỉ gây bệnh cho tất cả các loại heo, không gây bệnh cho các vật nuôi khác và không gây bệnh cho người.

Virus ASF sinh sản trong bọ thân mềm (Ornithodoros) là vật chủ trung gian truyền bệnh cho heo, không ký sinh trên các loại ruồi, muỗi, ve bét khác. Một điều may mắn là bọ Ornithodoros không có ở Việt Nam và các nước Châu Á, mà chỉ có ở Châu Phi. Do bọ thân mềm ký sinh trên heo rừng ở Châu Phi, mà heo rừng ở Châu Phi lại khá nhiều, nên virus ASF đã có cơ hội tồn lưu ở châu lục này cả trăm năm nay.

Việt Nam không có bọ thân mềm Ornithodoros và số lượng heo rừng không đáng kể là yếu tố tích cực giảm thiểu mức độ lưu cữu virus ASF trong tự nhiên. Do vậy, khả năng thanh toán bệnh ASF là khả thi trong tương lai.

Giá heo hơi đang giảm mạnh trên cả nước do người tiêu dùng giảm sử dụng thịt heo vì e ngại ASF. Điều này sẽ ảnh hưởng gì tới ngành chăn nuôi heo trong thời gian tới?

Số lượng heo bị tiêu hủy do dịch bệnh ASF sẽ không đến mức ảnh hưởng lớn đến mất cân đối nguồn cung thịt heo trong nước. Tuy nhiên, tâm lý bán chạy heo hơi của người chăn nuôi cùng với người tiêu dùng giảm sử dụng thịt heo là tác nhân chính làm đảo lộn thị trường và sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất cũng như làm mất cân đối cung cầu thịt heo trong nước. Tâm lý nôn nóng thanh toán nhanh bệnh ASF có thể sẽ dẫn đến tiêu cực về tâm lý người tiêu dùng và gây rối loạn thị trường.

Đã có những số liệu cho thấy thị trường tiêu thụ thịt heo giảm 50% trong những ngày qua. Điều này khiến cho heo tồn nhiều ở các trang trại, hộ chăn nuôi. Tuần tuổi của heo tăng lên nên sức đề kháng và miễn dịch giảm, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh càng tăng cao.

Giá heo hơi đang giảm đến mức thua lỗ ở nhiều nơi. Tại Miền Bắc, giá heo hơi chỉ còn 30.000-32.000 đ/kg; Miền Nam đang trên đà giảm giá. Chăn nuôi lỗ kết hợp dịch bệnh sẽ khiến cho nông dân bỏ chăn nuôi nhiều, qua đó lại ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo trong tương là có thể xẩy ra.

Nguồn cung của C.P Việt Nam thì thế nào, thưa ông?

C.P Việt Nam có khả năng cung cấp hàng năm 300.000 heo hậu bị bố mẹ (loại 100kg, đã qua chọn lọc) phục vụ cho thay đàn và tái đàn của người dân. C.P Việt Nam không giảm đàn nái, do vậy sản lượng heo thịt của Cty trong năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ không giảm. 

Hiện C.P Việt Nam đang áp dụng các giải pháp an toàn sinh học tốt nhất để bảo vệ đàn heo. Các trang trại của C.P có quy mô vừa (600 - 2.400 nái và 1.000 - 14.000 heo thịt), các trại phân bố ở nhiều địa phương, cách xa nhau do vậy mức thiệt hại bởi ASF (nếu có) sẽ không lớn và không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung heo thịt của C.P Việt Nam.

Tiếng nói của Bộ y tế có vai trò rất quan trọng

Trước hết phải tuyên truyền để người tiêu dùng nhận thức dịch bệnh ASF không liên quan gì đến bệnh tật ở người nên không có gì phải lo ngại, qua đó, lấy lại lòng tin người dân và kích cầu tiêu dùng thịt heo nhằm ổn định thị trường thịt heo và ổn định sản xuất. Theo tôi, tiếng nói của Bộ Y tế có vai trò quan trọng để lấy lại lòng tin của dân.

(TS Kiều Minh Lực)

Chấn chỉnh ngay những quảng cáo, thông tin sai lệch

Cần chấn chỉnh ngay những quảng cáo, thông tin sai lệch kiểu như bếp ăn tập thể, nhà trẻ quảng cáo không sử dụng thịt heo, DN chế biến thịt quảng cáo sử dụng thịt heo NK từ những nước không có dịch bệnh ASF. Các quảng cáo, thông tin sai lệch này đã gây sự hiểu sai về bệnh ASF và làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, phải thắt chặt NK thịt heo để tạo thuận lợi cho tiêu thụ thịt heo trong nước. Có DN tại thời điểm này đã nhập 1.600 tấn và dự kiến chuẩn bị nhập 2.000 tấn thịt heo, trong khi thịt heo trong nước không tiêu thụ được, giá đang giảm. Việc NK này đã vô hình chung cho rằng sản phẩm chăn nuôi trong nước không đảm bảo an toàn.

(TS Kiều Minh Lực)

 

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất