Trong con ngõ nhỏ ở phố Bùi Xương Trạch (Hà Nội), tôi gặp Ánh Hồng (xin được giấu tên thật) - người vừa được anh Nguyễn Mạnh Quân ưu tiên cho học tắt thôi miên.
>> Chuyện ông tiến sĩ và cô gái hở ra là… tự tử
>> Thôi miên, từ sương mù đến ánh sáng
Kháng sinh cho tinh thần
Cách đây 2 năm, người bố ngoài 70 tuổi của cô bị liệt nửa người, phải nằm bệt, mọi tri giác hầu như tê bại. Các phương pháp tây y, đông y, vật lý trị liệu, châm cứu… áp dụng cả nhưng bác sĩ nào cũng lắc đầu vì bệnh tình của ông ngày một trầm trọng. Tình cờ biết đến chuyên gia Quân nên cô nằng nặc hết gửi đơn rồi gọi điện thoại xin anh chữa bệnh hộ. Lần về Việt Nam này, anh Quân đã bị cô “phục kích”, quyết đến đón rước cho bằng được. Bộn bề lịch làm việc dày đặc nhưng trước sự thiết tha, hiếu thảo của một người con, anh nghĩ ra cách hướng dẫn cho Hồng một số ám thị.
Hồng đang thôi miên cho người bố bị bệnh |
“Em cũng chẳng tin mình học được. Lần đầu gặp anh đã nói vanh vách những bệnh tật bẩm sinh của em mà chụp chiếu chán mới thấy được, em ngạc nhiên lắm. Anh còn kiểm tra độ dẻo dai bằng cách bảo em đứng yên chân rồi xoay vòng thân người trên. Cố lắm em chỉ xoay được từ điểm xuất phát là góc 0h đến góc 9h đã đau nhừ, không thể nhúc nhích thêm một cm. Sau khi được anh hướng dẫn cách thư giãn cơ thể, thả lỏng cơ thể khỏi sự căng cứng, em quay được tới góc 10h, tức nhích hơn tới gần nửa mét, lại càng thêm phục. Sau đó anh hướng dẫn cho em một câu ám thị để cân bằng năng lượng cho cơ thể bố. Anh nói cứ lặp đi lặp lại câu đó chừng nửa giờ…”.
Về nhà, ngay tối hôm học, Hồng áp dụng ngay. “Mới đầu còn ngại… người nhà nghe thấy nên em chỉ nói thì thầm, không ngờ có tác dụng thật. Trước khi em đọc câu ám thị của anh Quân hướng dẫn, chỉ số nhịp tim của bố em là 104, ôxi 91, nghĩa là ở mức khá nguy hiểm nhưng sau nửa giờ em đọc câu ám thị thì chỉ số trên thay đổi rất tích cực, nhịp tim chỉ còn 92, còn ôxi tăng lên 98 - mức khá lý tưởng”. Buổi đầu cô cũng chỉ nghĩ đó là sự tình cờ nhưng sau bảy ngày thực hiện việc ngồi cạnh giường và đọc ám thị ổn định, lần nào cũng có tác dụng tương tự cô mới dám tin. Vừa nói, Hồng vừa dắt tôi đến bên giường bệnh của bố. Người bệnh hầu như chỉ còn thấy xương, da và mắt. Nặng đến nỗi phải thở ôxi, ăn qua đường thông thực quản.
Khẽ ngồi xuống, cô tập trung tư tưởng và nói với bố mình những câu ám thị bằng giọng nói lên bổng, xuống trầm, lúc khoan, lúc nhặt hệt âm sắc của anh Quân mà tôi từng nghe. Đang nằm im bất động, như nghe được đúng tần số phát, mắt người bố dường như le lói sáng. Chiếc máy đo nhịp tim, đo ôxi kẹp ở chân ông thông báo con số…
Trước tiến triển không ngờ này cô đang học tiếp ám thị trị liệu. Khác với ám thị ổn định là những câu đơn giản, ngắn gọn, ám thị trị liệu rất phức tạp. Nó đào sâu vào vô thức người bệnh. Nó như là thứ kháng sinh cho tinh thần, phải tuyệt đối đúng, không thêm bớt. Vừa học cô vừa dùng điện thoại ghi âm để về nhà luyện đến khi tập thành thục mới dám áp dụng. Ám thị đó bắt đầu bằng: “Trong khi cơ thể của bố đang mỗi lúc một thư giãn và ổn định. Bố hình dung và cảm nhận cơ thể của bố khỏe mạnh. Bây giờ bố hình dung bố đang ở một nơi rất đẹp. Phong cảnh đẹp như ý bố. Con người và phong cảnh rất đẹp. Thời tiết rất đẹp và đẹp như ý bố. Bố hình dung và cảm nhận sự ấm áp của từng tia nắng vàng cũng có thể chói chang…”.
Hồng giải thích, bố cô liệt tay phải, chân phải do bán cầu não trái bị tổn thương nên phải tận dụng tối đa não phải. Nhà thôi miên phải đưa những hình ảnh, cảm xúc vào câu ám thị để não phải dễ nhận ra. Do tay trái của ông yếu nên ám thị đưa cả hình ảnh chén trà nóng để kích thích cảm giác vận động…
Tôi được thôi miên
Mãi rồi tôi cũng có những trải nghiệm thôi miên trên chính cơ thể mình do anh Quân thực hiện. Trước tiên, anh bảo tôi to khỏe thế nên giang cánh tay phải ra để anh thử dùng mấy ngón tay đè xuống xem có được không. Tự ái, tôi cố gồng mình, căng cứng. Anh bảo tiếp: “Bây giờ anh nói tôi họ và tên nhưng không phải tên của anh. Nói đi”. Tôi lập bập theo như một cái máy: “Tôi tên là Dương Trường Thành”. Hết sức cưỡng lại nhưng chỉ với hai ngón tay ngoắc vào, cánh tay tôi bị hạ dễ dàng. Thử lại với một cái tên khác, tình trạng vẫn không khá khẩm.
“Còn bây giờ anh nói đúng tên anh Dương Đình Tường. Tại sao không hạ được?”. Tôi nghi ngờ hỏi anh có giảm lực tác động không? Anh chỉ vào những vết tím in hằn trên bắp tay tôi như một minh chứng đã cố sức rồi lại ra lệnh: “Anh nghĩ cho tôi một câu chuyện làm anh không vui từ ngày rất nhỏ, càng nhỏ càng tốt. Có chưa? Rồi. Bây giờ không cần nghĩ đến nhé, hết sức cưỡng lại tay nhé”. Và tay tôi lại bị hạ đo ván một cách dễ dàng bởi mấy ngón tay.
Anh giải thích: “Anh chưa hiểu cơ chế? Tất nhiên là không hiểu. Anh nghĩ đến chuyện buồn. Bây giờ vẫn nghĩ đến chuyện đấy nhưng khi nghĩ thì ngậm miệng, hát nhẩm theo một bài”. Tôi nhẩm luôn một bài hát thiếu nhi quen thuộc “Hư hứ hư hừ hư hừ hư hứ hứ…”. Hết một bài, cánh tay tôi lại cứng như thép. Anh lại cho tôi trải nghiệm một cảm giác lạ khác: “Anh vòng ngón cái và ngón trỏ rồi hình dung đây là một vòng bằng sắt, trong cái vòng đó lại có một cái đai sắt nữa. Anh khẳng định trong đầu nó liền, không thể bẻ thì lập tức không ai có thể tách chúng rời nhau được”.
+ Ở nước ngoài nhiều triệu phú, vận động viên, chính trị gia hay các ngôi sao ca nhạc, giải trí đã tìm đến thôi miên như một con đường để mình tự lập trình đến thành công. Ngôi sao ca nhạc Robbie William, Ronan Keating từng là khách hàng ruột của chuyên gia thôi miên Paul McKenna. + Giá tiền áp dụng cho khách ở Châu Âu cần trả cho một ca trị liệu đầu tiên (chừng 1- 2 giờ) là 175 euro (khoảng 5 triệu đồng) từ những ca thứ hai, giá là 150 euro. + Người nào cũng có thể rơi được vào trạng thái thôi miên, chỉ có điều khoảng 20% cần phải có một thời gian tương đối lâu để thực hiện phần tiền cảm ứng, đồng thời đòi hỏi các chuyên gia trị liệu phải kiên trì và có đủ những kĩ thuật nghề nghiệp. Số người này chủ yếu là vì một lí do nào đó (thông thường do tác động của công việc, hoặc chưa hiểu kỹ về liệu pháp, sợ bị mê sảng...) mà họ chưa thả lỏng đựơc tinh thần, tất nhiên yếu tố tuổi tác cũng sẽ làm cho sự tập trung bị giảm, và như vậy thời gian để làm phần tiền cảm ứng thông thường cũng phải cần nhiều hơn. Nhưng tất nhiên cũng chỉ là lần nhập định đầu tiên, còn từ những lần thứ hai thì họ cũng sẽ nhập định theo ám thị như những người khác. |
Đối với những người ban đầu không tin, thôi miên gia phải dùng nhiều kỹ thuật phù hợp. Đưa một tờ giấy cho tôi, anh bảo tôi đọc to, rõ, chậm dòng sapo. “C…ó m…ột…thực tế”. Lúc tôi đọc, anh nói: “Thanh thản, tr…ầm… Khi anh đọc anh cảm nhận mi mắt mỗi lúc một nặng khép lại với nhau. Khi anh đọc như thế một lát nữa không thể đọc được nữa. Hai mi mắt lập tức khép lại rất chậm và cơ thể của anh thư giãn. Tr…ầm. Khi đọc như thế tinh thần của anh mỗi lúc một thanh thản, mỗi lúc một thanh thản và chắc chắn chỉ vài chữ nữa anh không thể đọc được”.
Tôi không ngờ, dù cố trương lực lên mà mắt tôi khép lại từ từ, mỗi lúc một chặt qua vài khẩu lệnh. Anh ám thị tiếp: “Càng thiếp xuống thật sâu, cơ thể càng thư giãn, dễ chịu, đầu óc mát mẻ, nhẹ nhàng. Mỗi một hơi thở của anh, lại thiếp xuống thật sâu. Lúc này tất cả mọi tiếng động, lời nói xung quanh anh nếu như có dù to hay dù nhỏ càng làm cho anh thiếp xuống thật sâu, mỗi lúc một sâu trong trạng thái th…ư giãn.” Tôi đếm nghe loáng thoáng từ một đến ba rồi mở mắt.
“Anh vào trạng thái rồi. Tôi đếm từ một đến ba, cơ thể anh dính liền một lớp bê tông đặc biệt, càng dính chặt càng dễ chịu. Đầu gối lỏng ra, không thể đứng dậy được...”. Anh tiếp tục thôi miên cho tôi ngồi im như một pho tượng. Cố gắng bằng mọi lý trí, tôi điều khiển các cơ bắp của mình, nó nhúc nhích một cách khá nặng nhọc, từ từ. Anh Quân cười: “Đấy là tôi chưa thôi miên sâu chứ đưa vào trạng thái đó anh không thể nhúc nhích”.
Lúc nghe lại đoạn ghi âm ám thị để viết bài này, khi gõ máy tính, những con chữ cứ nhảy múa. Mắt tôi chợt díp lại, đầu óc chìm vào trạng thái lâng lâng lạ.