| Hotline: 0983.970.780

Từ niềm say mê trở thành tỷ phú cây kiểng

Thứ Hai 21/02/2022 , 14:00 (GMT+7)

CẦN THƠ Anh Trần Hiếu Nhân, sinh năm 1981 trở thành tỷ phú cây kiểng, đang sở hữu một vườn kiểng quý hiếm tại ấp Thạnh Lợi 2, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Từng là sinh viên Đại học An Giang, nhưng do say mê nghệ thuật cây cảnh nên anh Nhân không theo con đường học vấn mà lại “kết duyên” với cây cảnh từ năm 20 tuổi. Anh mê cây kiểng đến đỗi đi đâu, lúc nào anh cũng săn tìm những cây có dáng hay, gốc đẹp mang về góp nhặt thành bộ sưu tập độc đáo.

Anh Trần Hiếu Nhân bên cây bùm sụm trị giá 2 tỷ đồng. Ảnh: Thành Hiệp.

Anh Trần Hiếu Nhân bên cây bùm sụm trị giá 2 tỷ đồng. Ảnh: Thành Hiệp.

Bước vào sân vườn nhà anh, khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng trước sự bày trí thứ tự, ngay hàng thẳng lối, cây nào cũng kỳ mỹ, cắt tỉa công phu, tỉ mẫn, tạo nên một ấn tượng về sự già cỗi, rêu phong nhưng tán lá vẫn xanh tươi, mượt mà, đầy sức sống. 

Kể từ lúc khởi nghiệp đến nay, anh đã tự mày mò học hỏi và tìm hiểu qua sách vở, mạng Internet về kỹ thuật cắt tỉa, uốn sửa và tạo dáng cho cây. Thoạt đầu, anh chỉ chọn những cây bình thường, vừa chơi vừa kinh doanh, nhưng rồi cái đẹp của cây kiểng như có sức cuốn hút, càng khám phá anh càng cảm thấy say mê, nhất là những cây có giá trị nghệ thuật mua về thuần dưỡng, tạo dáng, biến một cây rừng hoang dã trở thành một tác phẩm nghệ thuật sống. 

Tính đến nay, vườn kiểng của anh có nhiều chủng loại gồm mai chiếu thủy, nguyệt quới, khế, bùm sụm và những cây rừng hoang dã như me chua, lộc vừng, sanh, si, gừa búp đỏ. Đặc biệt trong số đó có những loại cây quý hiếm như vạn niên tùng, sam núi (có nguồn gốc từ miền Trung)…

Ngoài việc sưu tầm, anh còn là người chịu khó tìm tòi, học hỏi, bắt nhịp với những kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận với nhiều nghệ nhân bonsai nổi tiếng để nâng cao tay nghề. Nhờ vậy mà cây nào cũng được uốn sửa và tạo dáng một cách hoàn chỉnh.

Anh Trần Hiếu Nhân bên cây mai chiếu thủy vừa lặt lá. Ảnh: Thành Hiệp.

Anh Trần Hiếu Nhân bên cây mai chiếu thủy vừa lặt lá. Ảnh: Thành Hiệp.

Anh nói: “Muốn tham gia các hội thi Bonsai quốc tế và trong nước, người chơi kiểng phải nắm vững những thao tác kỹ thuật về đường nét, về dáng thế trực, hoành, xuy phong hoặc thác đổ nhằm nhân cách hóa cây kiểng, biến một cây kiểng vô tri vô giác thành một tác phẩm có hồn, mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp".

Đến nay, bộ sưu tập của anh lên đến 400 cây kiểng đủ loại (chưa kể những cây đã bán), trong đó có 30 cây đã uốn sửa hoàn chỉnh có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi cây. Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn, anh giới thiệu đây là cây mai chiếu thủy, cây gừa búp đỏ có giá vài trăm triệu, kia là cây bùm sụm có giá 2 tỷ đồng, cây mai chiếu thủy 1 tỷ đồng, nọ là sam núi có giá từ 20 – 30 triệu đồng…Nhìn kỹ, cây nào cũng có dáng đẹp, oai phong, giống như một cây cổ thụ ngoài thiên nhiên thu nhỏ.

Nhìn ngôi biệt thự xinh xắn vừa mới xây xong, tôi hỏi anh có phải cơ ngơi nầy được xây dựng từ tiền bán kiểng? "Đúng vậy! Đó là tiền tích lũy từ nhiều năm. Riêng trong năm 2019 em thu nhập trên 5 tỷ đồng từ tiền bán kiểng. Hướng tới em sẽ mua thêm đất để mở rộng diện tích và đa dạng hóa các loại cây trồng", anh Nhân nói.

Một góc vườn kiểng của anh Trần Hiếu Nhân. Ảnh: Thành Hiệp.

Một góc vườn kiểng của anh Trần Hiếu Nhân. Ảnh: Thành Hiệp.

Anh đúng là một nghệ nhân có bàn tay vàng, lại luôn mày mò học hỏi và chịu khó cập nhật những thông tin về nghệ thuật bonsai trong và ngoài nước để bắt kịp các trào lưu bonsai thế giới. Tuy thành đạt nhưng anh rất khiêm tốn, mua bán thật tình nên được nhiều bạn bè giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

Anh thường chia sẻ với người đồng điệu: "Chơi cây kiểng ngoài kinh doanh mua bán còn có nhiều cái lợi nữa là tạo được không gian xanh cho ngôi nhà, tinh thần thư giãn và rèn luyện được tính kiên nhẫn vì muốn có một tác phẩm bonsai đủ tiêu chuẩn dự thi, người chơi phải bỏ ra nhiều thời gian để chăm sóc, cắt tỉa, uốn sửa, có khi vài ba năm, thậm chí 10 năm, 20 năm tác phẩm mới hoàn thiện”.

Nhờ say mê nghệ thuật cây kiểng nên nhiều năm liền anh đã đoạt giải cao trong các kỳ thi bonsai tại khu vực, TP. Hồ Chí Minh và toàn quốc. Đặc biệt trong năm 2019, anh đã giành được 2 huy chương vàng (mai chiếu thủy); 2 giải đồng (mai chiếu thuỷ) và 1 giải bạc (linh sam) tại Hội thi Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, anh là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh Vật Cảnh TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh TP Cần Thơ đánh giá anh là một trong những nghệ nhân bonsai có bàn tay vàng, năm nào cũng mang thành tích vẻ vang về cho Hội.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.