| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai Đồng Tháp 'hô biến' dây đồng thành cây kiểng bonsai

Thứ Ba 25/06/2019 , 15:12 (GMT+7)

Anh Trịnh Trần Ngọc Anh ở phường 1, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp đã mày mò và “hô biến” dây kim loại thành kiểng bonsai mini lạ mắt. 

Anh Trịnh Trần Ngọc Anh bên sản phẩm bonsai mini.

Hành trình khởi nghiệp của chàng trai 8X Ngọc Anh không chỉ đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình, mà góp phần quảng bá hình ảnh thành phố hoa qua sản phẩm cây cảnh bonsai bằng kim loại. 

Là con út trong một gia đình có hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề, khi còn nhỏ, tranh thủ đã những ngày nghỉ học, anh Ngọc Anh thường theo cha đi sửa cây cảnh. Nhờ tinh ý cộng với bản tính siêng năng, ham học hỏi, anh nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức cơ bản và các kỹ thuật về cách tạo dáng, thế nghệ thuật cho cây. Hoàn thành chương trình phổ thông, Ngọc Anh theo học nghề sửa điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp. Tuy nhiên, ngay sau khi ra trường, anh quyết định mưu sinh bằng công việc sửa cây cảnh nghệ thuật mà mình yêu thích.

Anh Ngọc Anh chia sẻ, làm công việc mình thích sẽ mang lại niềm vui và sự thú vị hơn nhiều. Đối với anh, hơn 8 năm gắn bó với nghề đầy những khó khăn, vất vả và bấp bênh về kinh tế, song chưa bao giờ anh cảm thấy hối tiếc. Bởi thời gian đó, giúp anh rèn giũa, trau dồi cho anh thêm kiến thức về nghề cây cảnh bonsai.

Gắn bó với nghề hơn 8 năm, vì hoàn cảnh gia đình khiến anh không thể tiếp tục rong ruổi với nghề rày đây mai đó. Năm 2017, Ngọc Anh nảy ra ý tưởng tạo hình cây cảnh bonsai mini tại nhà, nhưng không phải là từ cây thực vật sống mà từ sợi dây kim loại. Nghĩ là làm, anh quyết tâm tìm ra các nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm bonsai thu nhỏ, vừa bắt mắt, vừa sống động như thật.

Lúc đầu, anh lựa chọn làm sản phẩm bằng chất liệu dây nhôm, dây kim tuyến, hạt cườm, vải... và đã thành công. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian thử nghiệm, không hài lòng với thành quả ban đầu, do nhận thấy khả năng sản phẩm có bám bụi cao, khó vệ sinh, anh chuyển sang dây đồng bản to, song không mang lại độ mượt mà, mềm mại như mong muốn. Năm 2018, anh chuyển sang sử dụng chất liệu dây đồng sơn tĩnh điện. Anh Ngọc Anh nói, ưu điểm của loại dây này là đa dạng về màu sắc, không rỉ sét, độ dẻo và độ bền cao, đặc biệt rất dễ vệ sinh.

Theo anh Ngọc Anh, tạo tác bonsai bằng dây kim loại không chỉ đơn giản là cách làm sản phẩm thủ công đơn thuần cần sự tỉ mỉ, khéo tay, mà còn đòi hỏi tính nghệ thuật, khả năng thẩm mỹ trong tư duy và cả lòng đam mê. Đồng thời, sản phẩm ra đời phải đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật về chi tàn, bộ đế, thân. Các dáng cơ bản phải tuân thủ là dáng trực, dáng xiên, dáng hoành, dáng huyền… Cây đủ chuẩn đẹp phải hội đủ yếu tố cổ, kỳ, mỹ.

Những sản phẩm bonsai thu nhỏ, vừa bắt mắt, vừa sống động có giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng.

Theo anh Ngọc Anh, tùy kích thước, mẫu mã, mỗi sản phẩm có thể mất từ 2 - 4 giờ để hoàn thiện, riêng đối với những sản phẩm lớn và có thiết kế cầu kì hơn thì mất khoảng 7-10 ngày mới hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, giá sản phẩm có thể dao động từ vài trăm cho đến vài triệu đồng. Đơn cử như tác phẩm mới nhất của anh là tác phẩm “Tri kỷ”, phải mất hơn 8 ngày công anh mới vừa hoàn thiện sản phẩm, có trị giá khoảng 4 triệu đồng.

Ngọc Anh nói, để tạo nên một tác phẩm bonsai từ dây đồng không hề đơn giản. Từ việc bện các dây đồng vào nhau thật cứng nhưng làm sao không mất đi dáng vẻ mềm mại tự nhiên. Tiếp sau là việc định hình phần đế, se lá… Cuối cùng là tùy mỗi dáng, màu sắc của cây sẽ kết hợp thêm các phụ cảnh để hoàn thiện sản phẩm. Làm thế nào để mỗi hình thái bonsai ra đời cũng là một chuyện, mang ý nghĩa một nhất định và toát lên thần thái riêng, đó là yêu cầu với người làm nghề này.

Nhờ có độ bền cao, kích thước nhỏ gọn, sống động, hài hòa như thật và không tốn công chăm sóc nên sản phẩm của Ngọc Anh được ưa chuộng để trang trí trong nhà, phòng làm việc. Hiện tại, ngoài bán trực tiếp tại nhà, anh Ngọc Anh còn tiếp thị hàng qua các trang mạng xã hội và trưng bày tại các gian hàng khởi nghiệp.

Ngọc Anh nói, nếu khách du lịch đến Bến Tre có sản phẩm làm từ dừa, Vũng Tàu có sản phẩm làm từ vỏ sò, vỏ ốc… để làm quà lưu niệm, thì nét riêng của TP. Sa Đéc, chính là hoa. Ngoài các sản phẩm truyền thống, bản thân cũng muốn tạo ra một sản phẩm đặc trưng riêng gắn liền với nơi được mệnh danh là thủ phủ hoa của vùng ĐBSCL.

Anh Trần Thái Trung, Phó Bí thư Thành đoàn TP Sa Đéc cho biết, địa phương đang xây dựng và thúc đẩy phát triển hình ảnh thành phố hoa, do vậy những sản phẩm khởi nghiệp, nhất là sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phá như của anh Trịnh Trần Ngọc Anh là hướng đi mới, giúp quảng bá hình ảnh địa phương đến với bạn bè và du khách gần xa. Trong thời gian tới, Thành đoàn sẽ tiếp tục có hướng hỗ trợ về mặt tiếp thị quảng bá sản phẩm ra thị trường, bao bì sản phẩm, giúp thanh niên khởi nghiệp phát triển ý tưởng ngày càng tốt hơn.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm