| Hotline: 0983.970.780

Tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh (Tiếp theo& hết)

Thứ Sáu 03/06/2011 , 14:32 (GMT+7)

Cho đến nay, có 85 dòng họ trên cả nước đã được Nguyễn Quang Thạch giúp xây dựng Tủ sách dòng họ...

Cho đến nay, có 85 dòng họ trên cả nước đã được Nguyễn Quang Thạch giúp xây dựng Tủ sách dòng họ, và hàng chục trường phổ thông ở các xã được anh giúp xây dựng Tủ sách phụ huynh, một con số còn rất khiêm tốn so với hàng ngàn dòng họ và hàng ngàn trường học trên cả nước, nhưng ý nghĩa của nó thì không hề khiêm tốn chút nào.

>> TỦ SÁCH DÒNG HỌ, TỦ SÁCH PHỤ HUYNH

Một số tủ sách, như tủ sách của dòng họ Vũ ở Mộ Trạch (Hải Dương), lúc đầu chỉ có vài trăm cuốn nhưng sau đó con em trong họ đã đóng góp đến 2.000 đầu sách. Nhận thấy giá trị của việc xây dựng các Tủ sách dòng họ này, UBND tỉnh Hà Nam đã có chỉ thị số 02 về việc phát động việc xây dựng tủ sách ở các dòng họ và phát động việc đọc sách ở nông thôn. UBND TP Hải Phòng có chỉ thị về việc xây dựng các “Dòng họ văn hóa” mà một trong những tiêu chí để được công nhận là “Dòng họ văn hóa” là phải có tủ sách…

Để mục sở thị những tủ sách dòng họ và tủ sách phụ huynh này, chúng tôi đã đến thăm một số xã của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Tại xã An Dục, nơi có 9 dòng họ đã xây dựng được tủ sách, như dòng họ Lương, dòng họ Hoàng, dòng họ Đỗ, dòng họ Nguyễn Duy… Ông Đỗ Hoàn, một cán bộ của Sở Tài chính Lai Châu về hưu, quản lý tủ sách của dòng họ Đỗ, đặt tại nhà thờ tổ họ Đỗ, cho biết:

- Thôn An Mỹ chúng tôi có 28 dòng họ, họ Đỗ, xét về số dân, thì đứng hàng thứ tư trong số 28 dòng họ. Tủ sách này được xây dựng năm 2008, tủ thì do bà con trong họ góp tiền đóng. Anh Thạch tài trợ ban đầu 130 đầu sách, nhà báo Nguyễn Uyển tặng 10 đầu sách, sau đó con em trong họ đóng góp thêm, đến nay, tủ sách đã được 350 đầu, với gần 400 cuốn.

- Bà con đến đọc có đông không bác?

- Số đến đọc ở đây không nhiều nhưng mượn sách về nhà để đọc thì trừ những người không biết chữ, còn bà con trong họ không ai không mượn. Ban ngày mải đi làm, họ mượn về để đọc ban đêm mà. Do chưa có thói quen đọc sách, nên bà con đọc còn chậm. Vì vậy, mỗi cuốn sách chúng tôi quy định cho mượn 3 tuần. Nhưng cũng nhiều anh chỉ một tuần đã đến xin đổi sách.

- Bà con có biết gìn giữ sách không?

- Có chứ. Vì một, đây là tài sản của dòng họ, nên ai cũng có ý thức giữ gìn. Hai là việc quản lý đã được cả họ thông qua, đánh mất sách, phải đền một gấp ba, cứ vậy mà thi hành.

- Có khi nào bà con các dòng họ khác đến mượn sách về đọc không?

- Nhiều chứ. Chúng tôi chỉ quan niệm sách là tài sản của dòng họ để quản lý cho tốt thôi, còn việc đọc thì bất kỳ ai có ham muốn, chúng tôi đều ủng hộ. Nhiều bà con trong làng đến mượn sách, khi mang trả, đều mong muốn dòng họ mình có tủ sách, bảo nếu bây giờ mà dòng họ bàn việc xây dựng tủ sách, thì họ ủng hộ ngay…

Tủ sách của dòng họ Nguyễn Duy đặt tại nhà ông Nguyễn Duy Nghi. Ông Nghi là thương binh hạng 1/4, nhà có điều kiện hơn, và bản thân ông có nhiều thời gian hơn, nên nhận quản lý tủ sách cho dòng họ. Tủ sách được xây dựng năm 2009, lúc đầu cũng được Nguyễn Quang Thạch tài trợ hơn một trăm đầu sách, dịp thanh minh mới rồi, con em trong họ đi xa về giỗ tổ, mang thêm về một ít nữa, đến giờ cũng được gần 400 đầu sách. Cũng như tủ sách họ Đỗ, thủ thư Nguyễn Duy Nghi cho biết, bà con trong họ và những người của dòng họ khác chủ yếu đến mượn về đọc.

Xem kỹ lượng sách của hai tủ sách của 2 dòng họ trên, chúng tôi thấy có sách văn học, sách khuyến học, sách lịch sử, sách viết về các danh nhân, sách phổ biến những kiến thức về khoa học, về sử học… ở tầm phổ thông, sách nâng cao kiến thức cho học sinh phổ thông các cấp, sách phổ biến các mô hình khuyến nông, có cả những sách viết về Hoàng Sa, Trường Sa… nghĩa là khá phong phú. An Dục cũng là một trong những xã có Tủ sách phụ huynh ở trường học. Nói  Tủ sách phụ huynh không phải là sách dành cho phụ huynh đọc, mà là tủ sách do phụ huy góp tiền mua cho con mình đọc. Cô Dương Lệ Nga, tổng phụ trách của Trường THCS xã An Dục, cho biết:

- Bình thường, nếu mỗi phụ huynh cho con mình 50.000 đồng, mua được 1-2 cuốn sách để ở nhà, thì các em chỉ được đọc 1-2 cuốn đó. Nhưng nếu góp lại thành tủ sách chung của lớp, thì mỗi em đều được đọc lần lượt 50 đến 100 cuốn sách. Hiện nhà trường đã xây dựng được 9 tủ sách như vậy của 9 lớp.

Những tủ sách phụ huynh được đặt ngay tại phòng học, lớp cử ra một em làm thủ thư. Đầu giờ, các em đến sớm có thể tranh thủ đọc. Thứ 7 các em được mượn sách về nhà, sáng thứ 2 thì trả sách, nếu phụ huynh có nhu cầu đọc thì đương nhiên cũng được tạo điều kiện. Hàng tuần, nhà trường tổng kết, cho các em giao lưu, trao đổi về những điều tâm đắc mà mình nhận được qua đọc sách, những buổi tổng kết như vậy rất bổ ích cho các em, và có tác dụng khuyến khích các em đọc.

Rời trường THCS chuyển sang học THPT, số sách đó được các em tặng lại cho lớp học sau, nhà trường cũng khuyến khích những học sinh cũ của mình nếu có điều kiện thì đóng góp thêm để xây dung cho các Tủ sách phụ huynh thêm phong phú, giầu có…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.