| Hotline: 0983.970.780

Tủ sách làng tôi

Thứ Sáu 26/10/2012 , 10:33 (GMT+7)

Làng tôi có cái tên khá kỳ dị là làng Hống, thuộc xã Thuỵ Ninh của huyện Thái Thuỵ, Thái Bình.

- Chúng tôi quyết định triển khai việc xây dựng tủ sách cho làng, ông có sách thì ủng hộ một ít.

Người gọi cú điện thoại ấy cho tôi là Bí thư chi bộ Phan Văn Sằn. Nghe vậy tôi rất mừng. Rời làng từ năm 17 tuổi, đến nay trên đầu tóc trắng đã nhiều hơn tóc đen, hơn 40 năm ấy, không lúc nào tôi nguôi nỗi khắc khoải, trăn trở về làng mình.

Làng tôi có cái tên khá kỳ dị là làng Hống, thuộc xã Thuỵ Ninh của huyện Thái Thuỵ, Thái Bình. Người làng tôi thuần hậu, chất phác, nói về sự cần cù, chịu thương chịu khó, chịu gian khổ một nắng hai sương thì không đâu bằng. Nhưng sao người làng vẫn nghèo?

Câu hỏi ấy, sau một thời gian dài tôi mới ngộ ra. Đó là người làng tôi chỉ biết quần quật, vắt mồ hôi để đổi lấy miếng ăn mà thiếu hẳn tính đột phá, dám nghĩ, dám tìm tòi, dám vượt qua hoàn cảnh hiện tại để làm giàu. Thời buổi này, chỉ biết trông vào cơ bắp, thì đủ ăn, đủ nuôi mấy đứa con ăn học, đã là may lắm rồi chứ hòng gì giàu có.

Sở dĩ có tình trạng ấy, một phần lớn là do thiếu kiến thức, và nhất là thiếu thông tin. Cả làng không ai dùng máy tính chứ đừng nói đến intenet. Đi khắp làng không bói đâu ra một cuốn sách, kể cả vào nhà những “trí thức làng” là các thầy giáo, cô giáo.

Từ 1954 đến nay, Chi bộ làng đã trải qua cả chục đời Bí thư, nhưng chưa ai nghĩ đến chuyện này. Đầu năm nay, tôi về làng, nhân nói đến nơi này, nơi nọ đang sôi nổi xây dựng những tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh..., anh Sằn bảo:

- Chúng tôi muốn xây dựng một tủ sách cho làng, đặt ngay ở đình, chỉ hiềm nỗi làng nghèo quá, không biết xoay xở cách nào.

Tôi bảo:

- Nghèo thì phải làm theo cách “góp gió thành bão” vậy thôi. Cốt nhất là có được một tủ sách, dẫu còn ít, và vận động bà con đọc sách để mở mang kiến thức cái đã. Khi việc đọc đã trở thành một nhu cầu của bà con rồi, thì việc phát triển không khó. Chi bộ cứ có chủ trương, lên kế hoạch đi, tôi sẽ ủng hộ.


Đọc sách tại tủ sách làng Hống

Nhận được điện thoại của ông Bí thư, tôi đã lựa trong tủ sách riêng của mình một số sách thích hợp với bà con trong làng. Tiếp theo, tôi điện đến cho một số bạn bè thân ở Hà Nội nhờ giúp đỡ. Nhà văn Tạ Duy Anh ở NXB Hội Nhà văn Việt Nam, hăng hái:

- Tôi sẽ tặng làng ông một số sách, và sẽ đi vận động thêm để giúp bà con.

Nghe điện thoại của tôi, nhà văn Vũ Đảm, Phó TBT Tạp chí Nhà Văn của Hội Nhà văn Việt Nam trả lời:

- Mang sách về làng cho bà con nông dân đọc thì xong ngay. Tôi sẽ đóng góp.

Hai ngày sau, Vũ Đảm điện bảo tôi đến nhận sách. Đến nơi, thấy anh đã đóng sẵn một số sách vào thùng các tông. Tiếp theo, nhà văn Y Ban, đang công tác tại Báo Giáo dục & Thời đại, khi biết tin cũng điện thoại cho tôi:

- Em tặng làng anh một ít sách. Anh đến mà lấy.

Tôi phóng xe đến ngay trụ sở của báo. Ngoài sách, Y Ban bảo:

- Còn rất nhiều báo Tết các năm, và tạp chí, rồi Báo Giáo dục & Thời đại cuối tháng. Tất cả đều chứa đựng những nguồn thông tin rất phong phú và bổ ích, nhất là với lứa tuổi đang đến trường. Anh lấy về cho bà con đọc.

Từ khi làng tôi có tủ sách đến nay, số người làng ra đọc mới chỉ lác đác. Nhưng giống như “mưa dầm thấm đất”, tôi rất tin rằng sẽ đến lúc người làng tôi coi việc đọc sách cũng như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy.

Tổng cộng mấy nguồn, tôi thấy đã được khoảng trên 300 đầu sách, chưa kể hơn một trăm số báo Tết, tạp chí... Tôi quyết định chuyển sách về. Đến làng, thấy đã có một số sách do những người hảo tâm nơi khác gửi tặng.

Tủ sách của làng tôi đã được hình thành như vậy. Có sách rồi, nhưng cái khó hơn là làm sao vận động được bà con đến đọc sách. Với hầu hết người làng, thì tuy có thể thắt lưng buộc bụng suốt đời để cho con kiếm chữ hòng thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Nhưng đọc sách, với bản thân họ, thì vẫn là một cái gì hết sức xa lạ. Họ có thể ngồi hàng giờ bên bàn cờ tướng, bên chai rượu, nhưng “hễ cầm quyển sách lên là mắt díp lại”.

Không ít người đã bảo tôi rằng đọc một cuốn sách, với họ, còn khổ hơn cày một sào ruộng. Hôm tôi mang sách về, một ông anh trong họ ra đình cùng với Bí thư Sằn nhận sách, khuân sách vào đình, đã bảo tôi:

- Chú cho sách thế này là quý lắm rồi. Nhưng giá chú cho một cái “máy đọc sách” nữa thì hay hơn. Tôi nghe nói có một loại máy, hễ cứ bỏ quyển sách vào đó là nó đọc cho người ta nghe, phải không?

- Loại máy như bác nói thì chưa có. Khi nào có, em sẽ mua ngay. Nhưng đọc sách là phải đọc bằng mắt, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ mới hiểu thấu được những gì trong sách. Bác cứ đọc đi, rồi sẽ thấy điều em nói là đúng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.