| Hotline: 0983.970.780

Từ thực tế những vườn cam bệnh ở Nghệ An

Thứ Ba 20/11/2018 , 09:50 (GMT+7)

Có thể nói rằng, hiện tại có nhiều vườn cam, cây cam, tập trung chủ yếu ở 2 huyện là Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn đang bị nhiễm nặng bệnh vàng lá gân xanh (bệnh Greening) với khả năng cao là bệnh lan truyền qua mắt ghép nhiễm bệnh.

Vụ cam 2018 Nghệ An có 5.096ha cam được trồng, trong số này có hơn 2.500ha cho thu hoạch. Năng suất dự kiến ban đầu khoảng 16 tấn/ha, sản lượng 40.000 tấn. Nhưng hết vụ đánh giá lại thì năng suất chỉ đạt 12 - 13 tấn/ha, giảm 20 - 25% so với năng suất dự kiến và giảm 35 - 40% so với năng suất vụ cam năm 2015 và 2016.

 

17-08-51_img_1109
Một vườn cam bị bệnh. Ảnh: Võ Dũng


Xuống vườn cam xem thực tế

Vùng có diện tích cam lớn nhất ở Nghệ An là huyện Quỳ Hợp. Tại vùng này có tới 2.787ha cam, chiếm 54,68% tổng diện tích cam cả tỉnh. Vùng cam này vừa có diện tích lớn, vừa là vùng có nhiều hộ gia đình thất thu cam, chỉ đạt từ 6 - 8 tấn quả/ha, thậm chí có gia đình cho thu hoạch không đáng kể. Điển hình như vườn cam gia đình ông Lê Quang Hòa ở xóm Minh Đình, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp rộng chừng 4 - 5ha. Vườn cam này mới trồng được 4 năm, ông Hòa hy vọng vụ này sẽ cho thu nhập khá. Nhưng không ngờ có gần 1/3 số cây bị bệnh vàng lá chè (vàng giống như là chè xanh sau khi nấu), lá vàng, gân lá có sọc xanh, quả ra rất ít. Biết bệnh này khó cứu chữa, ông Hòa dùng cưa cắt bỏ những cành cam bị bệnh, những cây nào bị bệnh nặng quá thì đào nhổ cả cây lên để trồng lại cây khác.

Trở lại vùng Xã Đoài huyện Nghi Lộc quê hương xuất xứ của giống cam Xã Đoài có giống cam ăn ngon nổi tiếng khắp cả nước. Chúng tôi tìm đến vườn cam nhà ông Nguyễn Văn Phúc, một nông dân có "thâm niên" nhiều đời trồng cam, ông cho biết, giống cam Xã Đoài quê ông ngày nay so với trước đây sinh trưởng, phát triển không khỏe mạnh như xưa, số quả trên cây ít dần, quả nhỏ, vỏ dày, nhiều hạt. Vườn nhà ông Phúc có 30 gốc cam, trong số này có 12 gốc phát triển khá, bình quân mỗi cây có gần 200 quả, 20 cây còn lại chỉ có khoảng 100 - 120 quả/cây. Có lẽ giống cam Xã Đoài chúng tôi đang thoái hóa dần thì phải, ông Phúc nói.

Đến vườn cam nhà ông Phan Bá Thức ở xóm Minh Chùa, xã Minh Hợp, rộng 0,5ha, gặp chúng tôi ông xót xa nói: Suốt 7 năm đầu tư thâm canh vườn cam, năm thu hoạch đầu tiên được khá, nghĩ tưởng năm thứ 2, thứ 3 sẽ cho thu hoạch khá hơn. Ai ngờ năm thứ 2 thấy có nhiều cây bị bệnh vàng lá chè, rồi năm thứ 3 này cả vườn cam bị bệnh nặng, chỉ có một số cây cho quả khá, còn lại gần như cho quả không đáng kể.

Thấy không có khả năng phòng chống bệnh cho cam, ông Thức quyết định chặt bỏ hết những cây bị bệnh để vụ tới trồng lại.

Đến huyện Nghĩa Đàn, huyện có diện tích cam nhiều thứ 2 của tỉnh Nghệ An. Toàn huyện hiện có 436ha cam, hầu hết được trồng bằng giống cam Xã Đoài, giống cam Vân Du và giống cam V2.

Đến vườn cam gia đình ông Nguyễn Văn Tám ở xóm 4B xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn. Nhà ông Tám trồng 1ha, sau 5 năm bỏ ra bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của. Bây giờ cả vườn cam của ông rất nhiều cây bị nhiễm bệnh váng lá chè, quả nhỏ và ít quả. Trước tình thế như vậy, ông Tám chưa biết xử lý thế nào? Chặt bỏ thì tiếc, để lại không xong, ông Tám nói.

 

Xác định rõ nguyên nhân

Qua thực tế thời gian qua thấy được ở các vườn cam như nói ở trên cho thấy:

Một: Phần lớn vườn cam mới trồng được 4 năm, 5 năm, 6 năm, 7 năm… đã cho thu hoạch quả năm đầu, có vườn cho quả năm thứ 2, năm thứ 3, năm thứ 4…, có nhiều cây bị bệnh vàng lá (người dân quen gọi là bệnh vàng lá chè).

Quan sát kỹ cây cam bị bệnh sẽ thấy: Trên lá bị bệnh phiến lá hẹp, lá nhỏ hơn, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá có màu vàng, gân chính ở giữa lá và các đường gân phụ có màu xanh, nên có tên gọi là bệnh vàng lá gân xanh (bệnh Greening) trên cây cam quýt. Những cây cam hay quýt bị bệnh Greening vào giai đoạn nặng, đào gốc lên sẽ thấy rễ cây bị thối, đa phần rễ tơ bị mất dần, chỉ còn lại các rễ chính, thậm chí rễ chính cũng thối.

Các triệu chứng trên xuất hiện trên từng cành, từng cây trong vườn.

Bệnh vàng lá gân xanh Greening do chủng vi khuẩn Candidatus loài Liberibacter asiaticus (Las) Châu Á gây ra. Loại vi khuẩn này tấn công vào mạch dẫn của cây rồi bệnh được lây lan do rầy chổng cánh truyền vi khuẩn từ cây bị bệnh sang cây chưa bị bệnh và lây lan qua mắt ghép. Loại bệnh này cho đến bây giờ chưa có loại thuốc đặc trị nào phòng trừ có hiệu quả.

17-08-51_img_1099
Một vườn cam bị bệnh. Ảnh: Võ Dũng

Bệnh phát triển mạnh là do những năm gần đây phong trào đua nhau trồng cam và hầu hết là trồng bằng cây giống được ghép mắt từ cây bị bệnh mà không hề biết trước!

Thực tế hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An công tác quản lý giống cây ăn quả nói chung, giống cam nói riêng đang thả nổi, nhà nhà làm giống, mạnh ai nấy làm.

Điển hình nhất, tại huyện Quỳ Hợp có đến 9 cơ sở tư nhân chuyên sản xuất giống cam bằng phương pháp lấy mắt ghép ở cành cam ghép vào gốc cây trấp để bán tự do thoải mái, lại được bán với giá rẻ từ 10.000 - 12.000 đ/cây giống. 

Ngoài 2 nguyên nhân cơ bản nói trên, còn có thêm nguyên nhân nữa, đó là do người trồng cam không am hiểu nhiều về sâu bệnh trên cây cam, nên tự do mua thuốc trừ sâu bệnh trôi nổi ngoài thị trường để phun cho cây cam vô tội vạ. Bà Võ Thị Tuyết - Trưởng trại cây ăn quả Phủ Quỳ cho biết: Như năm nay, trung bình mỗi vườn cam các hộ gia đình đã phun thuốc ít nhất 14 - 15 lần, có hộ phun đến 20 - 25 lần, phun nhiều nhưng bệnh không giảm. Vì chẳng có ai biết bệnh gì để mua đúng thuốc mà chỉ nghe tư vấn của người bán thuốc để mua thuốc về phun. Có những vườn cam, do phun thuốc nhiều và không biết là thuốc gì nên cây cam gần như ngộ độc vì thuốc, quả cam "ngơ" ra không lớn lên được.

Một trong 9 cơ sở tư nhân chuyên sản xuất giống cam để bán mà chúng tôi đến, đó là cơ sở sản xuất giống cam nhà ông Trần Văn Quang ở xóm Nam Lợi, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp, ông Quang tự giới thiệu: "Ở đây chúng tôi nhận ghép mắt giống và bán cây giống cam các loại đã được ghép mắt. Nếu ai nhờ chúng tôi ghép thì tiền công ghép 1 mắt ghép là 1.000 đồng. Nếu mua cây giống chúng tôi đã ghép xong đem về trồng là 12.000 đ/cây".

Bình quân 1 năm gia đình ông sản xuất và bán ra thị trường khoảng 2 vạn cây giống. Khi được hỏi cách chọn cây cam để lấy mắt ghép thì ông bảo: "Tôi chỉ lấy mắt ghép ở những cây cam nào phát triển tốt nhất trong cả vườn cam". Khi chúng tôi hỏi tiếp, vậy ông có bảo hành cây giống không, thì ông Quang trả lời: "Chúng tôi sản xuất cây giống có uy tín rồi, người trồng cứ yên tâm". Rồi chúng tôi thông báo với ông biết, có mấy hộ dân trồng cam, mua giống của ông trồng được 4 đến 5 năm nay, bây giờ bị bệnh vàng lá chè nhiều lắm, vậy tại sao thưa ông. Ông Quang thản nhiên trả lời: "Bệnh vàng lá chè ở cây cam là do thời tiết, do chăm bón, đâu phải tại cây giống gây ra!".

Như vậy, có thể nói rằng, hiện tại có nhiều vườn cam, cây cam, tập trung chủ yếu ở 2 huyện là Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn đang bị nhiễm nặng bệnh vàng lá gân xanh (bệnh Greening) với khả năng cao là bệnh lan truyền qua mắt ghép nhiễm bệnh.

Hai: Rất nhiều vườn cam được trồng và cho thu hoạch đã 10 - 15 năm nay như ở Cty Nông nghiệp Xuân Thành (Quỳ Hợp), vùng Bãi Phủ (Con Cuông), các xã Đồng Thành, Thịnh Thành, Minh Thành (Yên Thành), vùng xã Đoài (Nghi Lộc)… cây cam vẫn phát triển, nhưng không khỏe, không mạnh và thậm chí không có sâu bệnh gì đáng kể. Nhưng quả không nhiều như trước, càng lâu ngày số quả ra trên cây có xu hướng giảm dần, vỏ quả dày hơn, quả nhỏ lại và hạt trong từng múi quả ngày càng nhiều.

Đây là biểu hiện của sự thoái hóa giống. Cam là cây tự thụ phấn (hoa đực và cái trên cùng một hoa). Tự thụ phấn có nghĩa là đồng huyết thống thì các đời sau sức sống giảm dần; sinh trưởng, phát triển kém dần, kéo theo năng suất giảm theo. Khả năng chống chịu kém và biểu hiện rõ nhất là hạt trong các múi cam ngày càng nhiều hơn, rồi chất lượng cam cũng giảm.

Trong thực tế hầu hết người trồng cam chưa bao giờ được tập huấn kỹ thuật chuyên đề về cây cam. Vì vậy họ chưa có khái niệm về giống cam và sự khác nhau trong cùng một giống cam nhưng phương pháp tạo giống bằng cách chiết cành, ghép mắt và cây giống được trồng từ hạt gieo lên hoàn toàn khác nhau. Về khả năng sinh trưởng, phát triển và tuổi thọ của cây họ chỉ biết rằng, cứ trồng, chăm sóc và thu hoạch cho tới khi nào cây già nua, tàn lụi thì thôi.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.