| Hotline: 0983.970.780

Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 1] Đồng Nai vá lỗ hổng

Thứ Ba 12/11/2024 , 06:03 (GMT+7)

Vụ hổ, báo, sư tử bị chết vì cúm A/H5N1 tại Khu du lịch Vườn Xoài và Vườn thú Mỹ Quỳnh buộc ngành thú y Đồng Nai phải thay đổi chiến lược ứng phó.

Chới với vì không bao giờ nghĩ tới!

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai khi đánh giá về vụ việc 20 con hổ và 1 con báo chết ở Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài TP. Biên Hòa). Số động vật này được ghi nhận chết từ ngày 8/9 - 22/9. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm khẳng định, những loài động vật hoang dã này đều chết do dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N1.

Việc xác định số hổ, báo chết do dịch cúm A/H5N1 tại Đồng Nai nói riêng khiến cho không chỉ ngành thú y tỉnh mà cả các chuyên gia đều khá ngỡ ngàng. Ông Giang khẳng định, Đồng Nai kiểm soát dịch cúm gia cầm nói riêng khá tốt.

20 con hổ và 1 con báo chết do cúm gia cầm A/H5N1 tại Đồng Nai là sự việc hi hữu, chưa từng có tại Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.

20 con hổ và 1 con báo chết do cúm gia cầm A/H5N1 tại Đồng Nai là sự việc hi hữu, chưa từng có tại Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.

“Đồng Nai không chỉ xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh cúm mà các xét nghiệm thường xuyên cho thấy, virus không lưu hành tại địa bàn trong nhiều năm nay. Vấn đề là phải xác định được nguồn lây, tìm cho ra nguyên nhân để có phương án xử lý, phòng tránh sau này”, ông Giang bày tỏ.

Với sự chỉ đạo của Cục Thú y và giúp sức của Chi cục Thú y vùng 6, lực lượng thú y tỉnh Đồng Nai đã rốt ráo triển khai nhiều phần việc để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, xác định nguồn bệnh và cách lây truyền bệnh trong sự việc này.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cũng đã triển khai nhiều đợt mẫu bệnh phẩm và môi trường nhằm đánh giá mật độ tải lượng virus trong khu vực xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, trong Khu du lịch Vườn Xoài cũng còn có các loài động vật khác mẫn cảm với bệnh cúm gia cầm như gà lôi trắng, công Việt, công Ấn, vẹt, hồng hạc, gà lôi hông tía, vịt uyên ương, trĩ bảy màu… Lực lượng thú y cũng đã lấy 70 mẫu từ các vật nuôi này nhưng kết quả xét nghiệm âm tính.

Về nguồn thức ăn cho đàn hổ, báo tại Vườn Xoài cũng được UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo truy vết nguồn gốc thức ăn cho động vật hoang dã tại Khu du lịch. Mặc dù các đơn vị chưa đưa ra được số lượng đồng nhất trong khoảng thời gian 6/8 - 6/9. Tuy nhiên, các đơn vị đã xuất trình đủ hóa đơn, chứng từ mua sản phẩm thịt gà sử dụng cho động vật theo quy định.

Qua việc xét nghiệm, không phát hiện virus cúm A/H5N1 trên mẫu thức ăn. Đồng thời, theo nhân viên phụ trách tại Khu du lịch Vườn Xoài, tất cả động vật hoang dã đều sử dụng chung nguồn thực phẩm mà chỉ có 20 con hổ và 1 con báo chết do nhiễm bệnh.

Từ cuối tháng 8 đến ngày 16/9, Vườn thú Mỹ Quỳnh (tỉnh Long An) đã có 30 con hổ và sư tử bị chết. Nguyên nhân được xác định do virus cúm gia cầm A/H5N1. Từ sự thiếu hụt hổ nuôi, Vươn thú Mỹ Quỳnh đã thỏa thuận, nhập 6 con hổ tại Khu du lịch Vườn Xoài về để bổ sung đàn. Trong suốt quá trình, nhân viên của 2 đơn vị cũng có tới vườn thú của nhau để khảo sát, đánh giá.

Theo bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), việc giải trình tự gen các cá thể hổ, báo và sư tử bị chết tại Vườn thú Mỹ Quỳnh (tỉnh Long An) và Khu du lịch Vườn Xoài thì cùng nguồn gốc, cùng mã gen. Không loại trừ khả năng cả hai vườn thú này cùng chung nguồn lây. Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để khẳng định liệu nguồn lây từ đâu tới và bên nào lây cho bên nào.

Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn cho đàn động vật hoang dã và khách tham quan sau vụ hổ, báo chết. Ảnh: Lê Bình.

Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn cho đàn động vật hoang dã và khách tham quan sau vụ hổ, báo chết. Ảnh: Lê Bình.

Bài học lớn trước dịch bệnh

Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa) từ trước đến nay đều được biết đến là địa điểm du lịch hấp dẫn mà còn là vườn thú thu nhỏ của Đồng Nai.

Hiện, Vườn Xoài có 68 loài động vật hoang dã với 748 cá thể, có đầy đủ hồ sơ nguồn gốc nhập khẩu, sinh sản tại vườn thú và trao đổi chuyển giao. Số hổ, báo còn sống là 22 con hổ, 1 báo và 2 con sư tử.

Theo ông Ngô Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch Sinh thái Vườn Xoài, chính vì số cá thể lớn và quý hiếm nên doanh nghiệp luôn chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh trong suốt thời gian qua. Tình hình sức khỏe của vật nuôi đều được bác sĩ thú y của công ty theo dõi 24/7.

Bằng chứng là khi nhân viên thú y phát hiện các cá thể hổ, báo có triệu bất thường ngay lập tức đã tích cực điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus và hạ sốt. Tuy nhiên, công tác này chỉ cứu được một nửa số hổ trong đợt tấn công này của cúm.

“Không ai nghĩ nguyên nhân là do cúm gây ra. Nếu xác định rõ được nguyên nhân và lường trước được hậu quả như thế này, có lẽ chúng tôi không bị thiệt hại nhiều đến như vậy. Đây cũng là bài học lớn để chúng tôi có phán đoán nhanh hơn, nhạy hơn và bảo vệ đàn vật nuôi động vật hoang dã tốt hơn”, ông Sang trao đổi.

Chỉ tính riêng về đàn vật nuôi, Khu sinh thái Vườn Xoài dự tính thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng. Chưa kể, từ khi dịch xảy ra, Vườn Xoài phải tạm ngưng tất cả các hoạt động kinh doanh của mình, buộc tạm hủy các hợp đồng trước đó với khách tham quan. Trước đây, Vườn Xoài náo nhiệt người ra vào bấy nhiêu thì thời gian này, đìu hiu bấy nhiêu.

Lực lượng thú y đang lấy mẫu tại các chuồng nuôi hổ còn sống tại Khu du lịch Vườn Xoài để xét nghiệm tải lưởng virus sau sự cố chết hàng loạt. Ảnh: Lê Bình.

Lực lượng thú y đang lấy mẫu tại các chuồng nuôi hổ còn sống tại Khu du lịch Vườn Xoài để xét nghiệm tải lưởng virus sau sự cố chết hàng loạt. Ảnh: Lê Bình.

Cơn lốc mang tên cúm A/H5N1 không chỉ càn quét chớp nhoáng doanh nghiệp mà nó để lại đống hỗn độn và nhiều dấu hỏi chấm do lực lượng thú y tỉnh Đồng Nai. Nhiều người vẫn không hiểu hàng rào phòng, chống dịch bệnh nhất là với cúm gia cầm của Đồng Nai đã bị xâm nhập và xuyên thủng như thế nào.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cũng thừa nhận, dịch bệnh đến quá bất ngờ và nhanh. Thậm chí, ngay khi tiếp nhận thông tin những cá thể hổ đầu tiên bị chết, lực lượng thú y càng khá bất ngờ, lúng túng. Bởi đây là điều không ai nghĩ tới, chưa từng xảy ra trên phạm vi cả nước.

“Chúng tôi sớm phải ổn định, tập trung lấy mẫu, hướng dẫn doanh nghiệp bảo vệ đàn vật nuôi hoang dã và truy vết nguồn gốc dịch bệnh để không đẩy dịch bệnh lan rộng. Rất may dịch bệnh đã được khống chế và không ghi nhận trường hợp đáng tiếc nào xảy ra”, ông Giang cho hay.

Rất may, TP. Biên Hòa là địa bàn không được phép chăn nuôi theo quy hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai. Điều này không làm ảnh hưởng đến vùng an toàn dịch bệnh, nguồn bệnh dễ bị khoanh vùng hơn.

Đối với các khu vực lân cận Khu du lịch Vườn Xoài như các xã của huyện Trảng Bom, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tăng cường triển khai lấy mẫu bệnh phẩm tại các chợ, lò mổ, trang trại chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện nguồn bệnh (nếu có). Từ đó, Đồng Nai sẽ có phương án kịp thời để xử lý, chặn đứng dịch.

Virus cúm giá cầm A/H5N1 rất nguy hiểm, có thể gây bệnh trên gia cầm, nhiều loài động vật hoang dã và gây bệnh cho người. Từ năm 2003 đến nay, cúm giá cầm A/H5N1 đã gây bệnh cho 129 người tại Việt Nam, trong đó có 65 ca tử vong. Trên cả nước, hàng chục triệu con gia cầm cũng được tiêu hủy cho nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.