| Hotline: 0983.970.780

Tưng bừng Tết trồng cây xuân Tân Mão

Thứ Sáu 11/02/2011 , 09:26 (GMT+7)

Sáng qua, tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (TX Sơn Tây, Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã phát động Tết trồng cây Xuân Tân Mão 2011. 

Trong không khí tưng bừng của ngày hội đầu năm, từ sáng sớm, nhân dân địa phương cùng các lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên, học sinh... tại khu vực Hà Nội đã nô nức đổ về khu vực Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại TX Sơn Tây (Hà Nội) để hưởng ứng Tết trồng cây. Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Năm 2011 là năm quốc tế về rừng. Vì vậy, Tết trồng cây năm 2011 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát động một phong trào bảo vệ, phát triển rừng mạnh mẽ và sâu rộng trên toàn quốc.

 Cũng theo Bộ trưởng, trong những năm gần đây, tình hình khôi phục, mở rộng diện tích rừng của Việt Nam đã đạt được những bước tiến rất đáng ghi nhận. Nước ta hiện là một trong số rất ít quốc gia ở Châu Á có diện tích rừng không bị giảm mà còn tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2010, XK lâm sản của Việt Nam đã đạt thành tựu rất lớn với trị giá trên 3,55 tỉ đô-la... Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ phát triển rừng của nước ta hiện vẫn còn rất nhiều nhức nhối. Nạn phá rừng, cháy rừng vẫn nghiêm trọng, tiến độ trồng rừng còn chậm, chất lượng rừng nhiều khu vực bị giảm sút... Hưởng ứng năm quốc tế về rừng, Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đưa độ che phủ rừng đạt từ 43 đến 45% vào năm 2015.

Phát động Tết trồng cây Xuân Tân Mão, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc bảo vệ, phát triển rừng trong giai đoạn tới là hết sức cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết. Thời gian qua, nỗ lực bảo vệ phát triển rừng của nước ta là hết sức đáng khen ngợi. Tuy nhiên những yếu kém tồn tại làm ảnh hưởng đến rừng thì còn rất nhiều. 

 Chủ tịch nước nhấn mạnh ba nhiệm vụ chính mà các Bộ, ngành, địa phương cần phải làm ráo riết trong thời gian tới đó là: Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mỗi người dân, mỗi cán bộ thấy được tác hại trước mắt lẫn nguy cơ lâu dài của việc mất rừng. Làm sao cho từng người, từng, khu phố thôn bản, từng gia đình thấy được nguy cơ trước mắt của việc mất rừng là ô nhiễm môi trường, lũ lụt, hạn hán... Nguy cơ lâu dài hơn là hủy hoại trái đất. Thứ hai là phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử phạt nghiêm minh theo pháp luật đối với hành vi phá hoại rừng. Việc giám sát không chỉ có cơ quan chức năng, mà còn là của người dân, các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh đó, đẩy mạnh trồng rừng. “Việt Nam là nước nhiều sông suối, nhiều mưa nhưng nước đang cạn kiệt. Trồng và giữ rừng chính là giữ nước. Nơi nào trồng được rừng thì phải trồng ngay, mà trồng cây nào thì phải phấn đấu sống cây đó” – Chỉ tịch nước căn dặn.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.