| Hotline: 0983.970.780

'Đỏ mắt' tìm giống sắn sạch bệnh

Thứ Tư 02/03/2022 , 06:25 (GMT+7)

TÂY NINH 'Thủ phủ sắn' Tây Ninh đang bắt đầu bước vào vụ sắn mới. Tuy nhiên do thiếu giống sắn sạch bệnh, áp lực đang đè nặng lên vai nông dân...

Là tỉnh thủ phủ mì (sắn) của cả nước, qua nhiều nỗ lực trong công tác nghiên cứu, lai tạo tìm ra giống mới, thực tế, dù đã tìm ra giống kháng khảm 100%, nhưng do nguồn giống sạch bệnh vẫn còn rất ít, nông dân vẫn đỏ mắt tìm giống sạch bệnh.

Đôn đáo tìm giống sạch bệnh

Hiện người dân trồng sắn Tây Ninh vừa thu hoạch xong vụ sắn 2021 và đang bắt đầu vụ mới. Ghi nhận của tại huyện Tân Châu, bà con đang loay hoay tìm giống sạch bệnh để vào vụ mới nhưng rất khó tiếp cận.

Người dân Tây Ninh tích cực xuống giống vụ mới trong sự lo lắng bị bệnh khảm lá đe dọa. Ảnh: Trần Trung.

Người dân Tây Ninh tích cực xuống giống vụ mới trong sự lo lắng bị bệnh khảm lá đe dọa. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Gia đình ông Trần Văn Thành ở ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Đông (huyện Tân Châu) có hơn 3ha sắn với bề dày canh tác sắn hơn 20 năm. Theo ông Thành, trước đây bà con chủ yếu canh tác các giống truyền thống tại địa phương, trung bình đạt năng suất lên tới trên 50 tấn/ha. Thế nhưng từ khi xuất hiện bệnh khảm lá trên cây sắn, năng suất đã tụt rất mạnh, chỉ còn từ 25 - 28 tấn/ha. Cùng với đó, trữ lượng tinh bột trong củ sắn mất từ 5 - 7 điểm khiến người trồng sắn tại địa phương gặp nhiều khó khăn.

Bài liên quan

Để sống chung với dịch, những năm gần đây, bên cạnh thay đổi phương thức sản xuất, người dân địa phương đã tích cực tìm những giống mới để đưa vào canh tác. Tuy nhiên, để có được giống kháng tương đối với bệnh khảm lá đảm bảo năng suất, nông dân đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, còn giống hoàn toàn sạch bệnh, kháng được hoàn toàn với bệnh khảm lá thì bà con không thể tiếp cận.

Ông Trần Văn Thành cho biết, vụ vừa qua, thông qua những người quen giới thiệu, nghe nói giống KM 505 có khả năng kháng bệnh khảm lá và năng suất cao, để có được nguồn giống này, ông phải chầu chực và mua lại với giá gần gấp đôi với các giống bản địa, thay vì 20.000 đồng/bó, ông phải mua với giá hơn 35.000 đồng/bó, trung bình mỗi bó 8 tám cây tương đương 180 hom. Để trồng 1ha, riêng tiền giống mất khoảng 5 triệu đồng và không nắm chắc giống này có cải thiện được bệnh khảm lá hay không.

Hiện nay, hầu hết diện tích sắn tại thủ phủ sắn Tây Ninh đã bị bệnh khảm lá hoành hành, tùy mức độ gây hại. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, hầu hết diện tích sắn tại thủ phủ sắn Tây Ninh đã bị bệnh khảm lá hoành hành, tùy mức độ gây hại. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Cũng may là nhờ thời tiết thuận lợi, kỹ thuật canh tác tốt, nên mặc dù vẫn bị khảm nhẹ, nhưng năng suất vẫn đạt 35 - 40 tấn/ha, trữ bột đạt từ 27 - 29/thang 30. Nếu như trước đây giá sắn chỉ dao động 2.500 đồng/kg thì vụ vừa qua giá sắn đã phục hồi với giá từ 3.300 - 3.500 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông đạt lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha.

Vụ này, mặc dù được khuyến cáo của ngành chức năng phải thường xuyên thay đổi giống để tiết kiệm chi phí, ông Thành vẫn phải tái sử dụng giống cũ là KM 505.

Bài liên quan

Hiện sắn đã bước qua tháng thứ 4, tuy nhiên, hầu hết diện tích sắn đều đã bị nhiễm bệnh khảm lá với tỉ lệ nhiễm khoảng 30%, nguy cơ mất năng suất tái diễn. Để chữa cháy, thông qua báo đài, ông được biết ngành nông nghiệp địa phương đã tìm ra giống sắn HN3 và HN5 kháng bệnh khảm lá, ông dự tính nhổ đi trồng lại. Thế nhưng, mặc dù chạy vạy khắp nơi, thậm chí liên hệ chính quyền địa phương nhưng vẫn không tiếp cận được nguồn giống.

“Để giải quyết tình trạng trước mắt, tôi vẫn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để duy trì sản xuất, hi vọng, vườn sắn của gia đình sẽ vượt qua được dịch bệnh, giữ được năng suất và trữ bột, tôi mong muốn sớm tiếp cận được giống sạch bệnh để yên tâm canh tác”, ông Trần Văn Thành chia sẻ.

Người trồng sắn Tây Ninh chấp nhận rủi ro trồng các giống sắn cũ do chưa tìm được giống sạch bệnh thay thế. Ảnh: Trần Trung.

Người trồng sắn Tây Ninh chấp nhận rủi ro trồng các giống sắn cũ do chưa tìm được giống sạch bệnh thay thế. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự anh Trần Minh Kha ở gần đó cũng đang chật vật xoay sở với 3 ha sắn của gia đình đang đổ bệnh vì khảm lá. Theo anh Kha, cây sắn đã gắn bó xuyên suốt với hầu hết người dân tại địa phương, dù bị khảm lá hoành hành thời gian gần đây nhưng loại cây này vẫn cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác như mía, ngô nên bà con vẫn gắn bó với cây này bất chấp dịch bệnh.

“Vợ chồng tôi đã đầu tư chi phí cày ủi, phân, giống, công trồng… khoảng 14 - 16 triệu đồng/ha, giờ hầu hết diện tích đều mắc bệnh khảm lá. Chính quyền địa phương yêu cầu chúng tôi nhổ bỏ diện tích sắn mắc bệnh, nếu không còn cách cứu vớt, thì tôi buộc phải làm thế thôi, dù tiếc công tiếc của”, anh Kha buồn rầu chia sẻ.

Cần nhân nhanh giống kháng bệnh

Theo ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông, huyện Châu Thành, Thạnh Đông là xã thuần nông, vì sắn đem lại kinh tế cao, cây sắn chiếm trên 50% diện tích đất nông nghiệp của xã. Bốn năm gần đây, toàn bộ diện tích sắn tại địa phương nhiễm bệnh khảm lá, mức độ ngày càng tăng, bà con tự tìm giống sạch và thuốc đặc trị nhưng không có. Chính quyền địa phương cũng đã lặn lội khắp nơi tìm giống sạch tại các tỉnh khác như Bình Phước, Ninh Thuận..., nhưng các địa phương này cũng bị đang bị bệnh khảm lá nên cũng đành bất lực.

Khu vực khảo nghiệm giống HN3 và HN5 với giống đối chứng do Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh và các đơn vị liên quan thực hiện. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực khảo nghiệm giống HN3 và HN5 với giống đối chứng do Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh và các đơn vị liên quan thực hiện. Ảnh: Trần Trung.

“Sau khi biết được thông tin về giống sắn HN3 và HN5 kháng bệnh khảm, bà con liên tục gọi điện, tìm đến đến địa phương để hỏi thăm giống này, địa phương cũng không trả lời được. Địa phương ghi nhận lại và mong nhà nước sớm triển khai giống sạch bệnh xuống đây để người trồng sắn Thạnh Đông nói riêng và Tây Ninh nói chung ổn định sản xuất”, ông Minh đề nghị.

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn lớn thứ 2 cả nước, theo thống kê, tổng diện tích trồng sắn tại địa phương này trong 9 tháng đầu năm 2021 là 46.890 ha. Trong đó, diện tích bị bệnh khảm lá lên tới 42.694 ha, chiếm 91% diện canh tác. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác nghiên cứu, lai tạo tìm ra giống mới, trong đó giống sắn HN3 và HN5 được xem là kháng bệnh và được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành, tuy nhiên, hầu hết người dân trồng sắn tại địa phương vẫn chưa được tiếp cận và vẫn sống chung với dịch bệnh khảm lá.

Mặc dù đã được cấp phép lưu hành và để đưa ra sản xuất, nhưng tiến độ nhân giống HN3 và HN5 vẫn còn rất chậm so với nhu cầu. Ảnh: Trần Trung.

Mặc dù đã được cấp phép lưu hành và để đưa ra sản xuất, nhưng tiến độ nhân giống HN3 và HN5 vẫn còn rất chậm so với nhu cầu. Ảnh: Trần Trung.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chi cục trưởng (quyền phụ trách) Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tây Ninh cho biết, cây sắn được trồng hầu hết tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều tại 4 huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu. Các giống sắn được trồng chủ yếu là KM 419, KM 94, KM 140, KM 505… Đối với 2 giống mới là HN3 và HN5, ông Hồng thừa nhận vẫn đang thiếu trầm trọng.

“Trước đây, trong lúc bệnh khảm lá bùng nổ, chúng ta rất nỗ lực để ngăn chặn bệnh khảm di cư theo giống, tuy nhiên công tác ngăn chặn đã thất bại vì về lý thuyết, thực tế người dân có quyền giữ cây lại làm giống cho mùa sau và thậm chí có quyền bán hom mì của mình. Bây giờ, chúng ta đã có những giống mới. Theo tôi, phải xem và rà soát lại quy trình canh tác, đồng thời tuyên truyền người dân thường xuyên thay đổi bộ giống lựa chọn giống có triển vọng, lựa những ruộng có tỷ lệ khảm lá thấp, những giống không bị nhiễm khảm lá cho vụ sau. Bà con cũng có thể trao đổi giống tốt với nhau, tránh hiện tượng thoái hóa giống…”, ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ.

“Hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã công nhận 2 giống mới là HN3 và HN5, tuy nhiên, số lượng giống này tại địa phương rất ít, vì khi sản xuất ra, ngoài cung cấp cho người trồng tại địa phương, Tây Ninh còn phân bổ đều cho khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Về giá, 2 loại giống này cũng đang ở mức tương đối cao, gấp 2 đến 3 lần so với giống sắn khác tại địa phương. Tuy nhiên, nếu tính ra chi phí về giống, người dân vẫn đang sẵn sàng chấp nhận được. Cụ thể trung bình 1 bó giống sắn kháng bệnh của giống HN3, HN5 tương đương 200 hom giống, hiện có giá 50.000 đồng/bó thì người dân vẫn chấp nhận được. Những năm tiếp theo, giống sắn này càng nhiều, đại trà thì giá sẽ giảm dần qua từng năm…

Sở NN-PTNT tỉnh cũng đang chỉ đạo quyết liệt cho các đơn vị trực thuộc liên tục thực hiện nghiên cứu, triển khai nhanh công tác nhân giống HN3, HN5 kháng bệnh khảm lá 100% với kế hoạch trong năm nay toàn tỉnh sẽ có 50ha các giống này, phấn đấu đến năm 2025, Tây Ninh đáp ứng được 30% diện tích sắn kháng bệnh khảm lá 100%”, ông Nguyễn Văn Hồng chia sẻ.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.