| Hotline: 0983.970.780

Tuyến đê Thượng Mỹ Trung cần sớm được nâng cấp

Chủ Nhật 11/12/2022 , 09:40 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Nhiều cửa cống trên tuyến đê hữu Thượng Mỹ Trung (Quảng Bình) đã bị hư hỏng không còn sử dụng được. Một số điểm bê tông đã bị lũ làm xói lở nghiêm trọng…

Hai bên tả, hữu sông Kiến Giang là tuyến đê đất được đắp vào những thập niên 70 nhằm ngăn mặn, tiêu úng cho những cánh đồng rộng lớn của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình).

Vào năm 2000, Nhà nước đầu tư tuyến đê Thượng Mỹ Trung, là nâng cao, mở hai tuyến đê tả hữu bằng mái lát tấm bê tông. Xây dựng nhiều cống điều hòa nước và các trạm bơm điện để tiêu úng.

Hệ thống đê Thượng Mỹ Trung vững chãi đã góp phần quan trong trong việc đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp của hàng ngàn ha lúa đồng bằng Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Hai tuyến tả hữu Thượng Mỹ Trung ngăn được mặn xâm nhập, ngăn lũ tiểu mãn sớm cho cây lúa và đảm bảo tiêu úng cho ruộng đồng.

 

Tuy nhiên, các tuyến đê Thượng Mỹ Trung là nơi hứng chịu nhiều thiên tai lũ lụt. Thân đê, cống, trạm bơm điện…đều bị mưa lũ trực tiếp tác động với tần suất cao và gây ra nhiều tác hại.

Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử cuối năm 2020, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê và cống điều hòa của tuyến đê hữu Thượng Mỹ Trung.

Tuyến đê này đảm bảo sản xuất cho khoảng 1.000 ha lúa, hoa màu  của các xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), Hồng Thủy, Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy).

Đoạn đê và cống ở địa phận xã Hồng Thủy bị hư hỏng nghiêm trọng nên khó phục vụ được nhiệm vụ  ngăn mặn, tiêu úng.

Đưa chúng tôi đi thực tế tuyến đê bị hư hỏng bằng thuyền, ông Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay, vụ đông- xuân năm nay do tuyến đê không còn tác dụng nên đã có 200 ha lúa bị ngập dẫn đến chết héo rũ.

“Ngoài ra, gần trăm ha lúa cũng bị ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng”- ông Huấn nói.

Điểm cống điều hòa hói Chợ Chè đã bị nước lũ xiết đánh làm cho bị cong vênh và bật ra khỏi gờ cống. Ông Huấn cho hay: “Cửa cống này không thể hoạt động được. Vì vậy để ngăn mặn, tiêu úng thì phải thay lại cánh cửa cống mới mà thôi”.

 

Hai bên mang cống, đoạn đê được tăng cường bằng mái bê tông, mặt đập bê tông. Tuy nhiên, lũ xiết đã làm xói lở vào những đoạn  này làm thành những hố thụt sâu vào thân đê.

Ông Nguyên Văn Hòa, một nông dân đi cùng chúng tôi đã dựng cây sào chọc kiểm tra độ sâu của hố lỡ. Làm xong, ông bảo: “Hố xói lỡ này đã ăn vào đến nửa thân đập rồi. Nếu không tu bổ kịp thời thì những đoạn bị như kiểu này sẽ làm sập  mái bê tông của đê”.

Cũng tại đoạn đê này, nhiều điểm thân đê được lát mái bằng tấm đúc bê tông đã bị hư hỏng. Nhiều tấm bê tông bị nứt vỡ không còn tác dụng bảo vệ cho mái đê khi mưa lũ đến.

Cách cống điều hòa không xa là trạm bơm điện tiêu úng với thiết kế 2 máy bơm điện công suất lớn.

Sau trận lũ lớn của 2 năm trước, trạm bơm cũng bị hư hỏng không còn sử dụng được. Phần máng thoát tiêu úng sau trạm bơm cũng bị lũ làm hỏng, sập một số đoạn.

Trước thực tế này, Chi cục Thủy lợi  (Sở NN-PTNT Quảng Bình), đã kiểm tra hiện trạng và đề xuất xin cấp kinh phí sửa chữa, khắc phục những phần bị hư hỏng.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho hay: “Trong lúc chờ đợi được cấp kinh phí, chúng tôi cũng đã đề nghị chính quyền các địa phương huy động nhân lực tu bổ những đoạn đê bị xuống cấp”.

 

Vụ đông- xuân đang cận kề, chính quyền các địa phương trong vùng hưởng lợi của tuyến đê hữu Thượng Mỹ Trung cũng rất lo lắng.

Ông Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho rằng diện tích lúa phải đảm bảo được gieo cấy như kế hoạch đã đề ra là hơn 500 ha. “Tuy nhiên, bà con nông dân cũng rất phập phòng lo vì nếu mưa thuận gió hòa thì không nói. Nếu xảy ra lũ tiểu mãn, xâm nhập mặn…thì cũng bó tay thôi. Chính vì vậy mà chúng tôi rất mong được sửa chữa tuyến đê này”.

Thời gian cuối năm nay, trên địa bàn Quảng Bình có mưa nhiều. Nước sông Kiến Giang dâng cao làm ngập nhiều diện tích trồng rau màu phục vụ Tết của bà con xã Hồng Thủy bị ngập. Hơn 100 ha đất rau màu không thể gieo trồng được.

Vợ chồng anh Lê Văn Tuất (xã Hồng Thủy) có 5 sào đất trồng rau màu. Do nước lớn nên chỉ mới làm đất gieo được 2 sào. Anh Tuất cho hay: “Vào thời điểm này của mấy năm trước rau xanh đã có thu nhập rồi. Năm nay xem như không có rau ăn tết đó. Giá như máy bơm tiêu úng được thì bà con sẽ đỡ vất vả”.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.