| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Giúp người nghèo có nguồn sinh kế ổn định

Thứ Sáu 25/09/2020 , 12:22 (GMT+7)

Tỷ lệ hộ nghèo ở Tuyên Quang giảm từ 27,8% đầu năm 2016 xuống còn 11,8% cuối năm 2019, đó là con số đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo ở địa phương này.

Hệ thống hạ tầng được đầu từ sẽ là đòn bảy giúp các địa phương phát triển thông thương hàng hóa, giảm nghèo hiệu quả. Ảnh: Đào Thanh.

Hệ thống hạ tầng được đầu từ sẽ là đòn bảy giúp các địa phương phát triển thông thương hàng hóa, giảm nghèo hiệu quả. Ảnh: Đào Thanh.

Chuyện vượt nghèo ở xã nghèo

Xã Sinh Long, huyện Na Hang có 659 hộ dân thì có 55% hộ nghèo, là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Tuyên Quang. Những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, quan tâm đến công tác giảm nghèo ở Sinh Long, tuy nhiên bài toán giảm nghèo ở đây vẫn còn nhiều gian nan.

Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long Hoàng Văn Hào tâm sự với chúng tôi: “Điều cần nhất trong công tác giảm nghèo của xã là những con đường kiên cố anh ạ! Bà con Sinh Long cũng chịu khó, nhưng đường quá khó đi quá, nông sản của nông dân làm ra mà không có nơi tiêu thụ. Nhiều thôn đường khó đi, phân bón vận chuyển khó sản xuất nông nghiệp bà con chủ yếu dùng phân hữu cơ nên năng suất thấp, bà con ở đây chủ yếu sản xuất theo phương châm tự cung tự cấp”.

Khó khăn về đường đi cũng như tập quán canh tác nên đến nay toàn xã Sinh Long hiện còn 55% hộ nghèo. Trong đó thôn khó khăn nhất là Khuổi Phìn, cách trung tâm UBND xã 20km. Nếu trời không mưa đi xe máy vào thôn mất hơn 1 giờ đồng hồ, còn những ngày mưa thì phải đi bộ mất nửa ngày đường. Thôn có 101 hộ với gần 500 nhân khẩu, trong đó có 84 hộ nghèo. 

Chúng tôi đến Sinh Long đúng vào ngày mưa rả rích. Lãnh đạo xã bảo: “Trời mưa thế này vào Khuổi Phìn phải đi bộ mất nửa ngày và đường trơn trượt lắm. Hơn nữa không hẹn trước thì cũng rất khó gặp được bà con”. Đành lỡ hẹn chúng tôi theo lãnh đạo xã Sinh Long đến thôn Phiêng Ngàm, nơi được coi là thôn dễ đi nhất vì có nhiều đoạn đường đã được bê tông. Thôn có 123 hộ, chủ yếu là người Dao sinh sống và còn 69 hộ nghèo.

Vượt qua những đoạn đường bê tông phẳng lỳ, thôn Phiêng Ngàm hiện lên trước mắt tuyệt đẹp, như thung lũng trên cao nguyên. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là tiếng máy cày làm đất vang khắp xóm làng. Trưởng thôn Phiêng Ngàm Hoàng Văn Sai tự hào bảo: “Đấy là thành quả của phong trào cơ giới hóa đấy! Thôn có 123 hộ dân thì có gần 80% hộ có máy cày mini.

Có máy cày, việc làm đất cũng nhanh và thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ. Nếu trước kia 20ha đất ruộng của thôn chỉ cấy 1 vụ, vụ còn lại hầu như để đất trống, thì nay bà con đã biết trồng ngô tăng vụ, không để ruộng hoang.

Từ năm 2016, khi con đường vào thôn được bê tông những đoạn khó đi nhất, cán bộ vào thôn hướng dẫn dễ hơn, bà con cũng không “ngại” ra trung tâm xã dự họp, dự tập huấn và chở nông sản tiêu thụ nên đời sống cũng dần khá hơn. Có đường mới mở, cánh đồng lúa, nương chè cũng tốt tươi hơn vì có phân bón. Bà con cũng nỗ lực bảo nhau để cuộc sống dần khấm khá lên”.

Được đầu tư hạ tầng, hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất, xã Sinh Long phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống còn 50%.

Giúp người nghèo có nguồn sinh kế ổn định

Câu chuyện khó khăn và vượt nghèo ở xã Sinh Long, huyện Na Hang cũng là câu chuyện chung trong công tác giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa, vùng 135 ở tỉnh Tuyên Quang. Giúp người nghèo có nguồn sinh kế ổn định, thoát nghèo hiệu quả, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở ở Tuyên Quang đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp giảm nghèo.

Nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt là yếu tố quan trọng được tỉnh Tuyên Quang xác định trong công tác giảm nghèo. Ảnh: Đào Thanh.

Nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt là yếu tố quan trọng được tỉnh Tuyên Quang xác định trong công tác giảm nghèo. Ảnh: Đào Thanh.

Giai đoạn từ 2016 đến nay, toàn tỉnh đã cho 52.485 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vôn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, với doanh số cho vay trên 2.030 tỷ đồng. Các sở, ngành trong tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 148.000 lượt hộ hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện 513 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, kỹ thuật mới với trên 13.500 hộ tham gia (trong đó có trên 2.140 hộ nghèo); hỗ trợ cho trên 4.200 hộ nghèo làm nhà, sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí 111 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn chương trình 135 hỗ trợ sản xuất, giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh Tuyên Quang được hỗ trợ hơn 90,28 tỷ đồng. Đã có hơn 1.700 hộ gia đình được hỗ trợ cây giống; 6.657 hộ gia đình được hỗ trợ giống vật nuôi cho; hỗ trợ 485 chuồng trại chăn nuôi, mua 6.242 máy móc thiết bị phục vụ sản xuất…

Qua các chương trình, dự án đã giúp các hộ gia đình nâng cao nhận thức về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh một số cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, nếu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng 135 là 52,7% thì đến năm 2019 đã giảm xuống còn 26,2%.

Tại huyện Chiêm Hóa, từ năm 2016 đến nay huyện đã hỗ trợ gần 700 hộ nghèo làm mới và sữa chữa nhà ở với số tiền trên 16,2 tỷ đồng; tổ chức hướng dẫn tập huấn kỹ thuật sản xuất theo thời vụ cho 60.000 lượt hộ nghèo. Các tổ chức tín dụng đã giải quyết cho 11.836 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ gần 318 tỷ đồng. Toàn huyện cũng đã giải quyết việc làm mới cho 10.347 lao động, đào tạo nghề cho 1.210 lao động nông thôn...

Từ những giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm xuống còn giảm xuống còn 16,56%. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 13% trong năm 2020.

Năm 2017, từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo gia đình chị Ma Thị Bấm ở, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hóa được hỗ 100% tiền mua 4 con dê. Sau 3 năm chăm sóc, 4 con dê ban đầu đã sinh sản nhân tổng đàn lên 15 con. Chị Bấm cho biết, trước đây gia đình chỉ quanh quẩn trông vào hơn 1 sào lúa nên quanh năm cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Được hỗ trợ dê giống, lại được tư vấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cái đầu của chị đã sáng ra nhiều. Đến nay gia đình đã vươn lên hộ cận nghèo, phấn đấu sẽ sớm thoát nghèo.

Anh Sùng Seo Pao dân tộc Mông, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn cho biết, trước đây cuộc sống gia đình anh rất khó khăn, đất đồi có sẵn nhưng do không biết cách làm ăn, chăn nuôi nên cái nghèo cứ đeo bám. Từ năm 2017, gia đình anh được cán bộ xã, trưởng thôn đến tuyên truyền chính sách thoát nghèo, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và được học nghề chăn nuôi. Số tiền có được anh đầu tư vào mua trâu sinh sản, mua cây keo, mỡ giống, đến nay đàn trâu của anh đã có 4 con và 5ha rừng phát triển tốt. Thu nhập của gia đình trừ chi phí mỗi năm đạt khoảng 70 triệu đồng. Nhận thấy cuộc sống đã ổn định hơn, mới đây gia đình anh đã làm đơn xin thoát nghèo.

Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh Tuyên Quang giảm từ 27,8% đầu năm 2016 xuống còn 11,8% cuối năm 2019, bình quân hàng năm giảm 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm từ 54,5% đầu năm 2016 xuống còn 32,2% cuối năm 2019, bình quân giảm 5,57%/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã nghèo (xã thực hiện Chương trình 135) giảm từ 52,73% đầu năm 2016 xuống còn 28,26% cuối năm 2019, bình quân giảm 6,61%/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 43,45% đầu năm 2016 xuống còn 19,4% cuối năm 2019, bình quân giảm 6,01%/ năm, đạt vượt kế hoạch đề ra.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).