| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Khó tái đàn vì khan nguồn lợn giống

Thứ Ba 12/05/2020 , 10:57 (GMT+7)

Nguồn giống khan hiếm, trung bình 1 con lợn giống có giá từ 1,7 đến 3 triệu đồng khiến việc tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Tuyên Quang gặp khó khăn.

Tận dụng tối đa nguồn lợn nái từ địa phương là giải pháp hàng đầu được ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang đưa ra nhằm giải quyết việc khan hiếm nguồn lợn giống. Ảnh: Đào Thanh.

Tận dụng tối đa nguồn lợn nái từ địa phương là giải pháp hàng đầu được ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang đưa ra nhằm giải quyết việc khan hiếm nguồn lợn giống. Ảnh: Đào Thanh.

Mua 3 triệu đồng 1 con lợn giống, lại thêm 3 triệu tiền đầu tư 1 vòng đời, vì thế nếu khi xuất chuồng, con lợn bán không được trên 6 triệu đồng thì người nuôi sẽ lỗ vốn. Lợn đắt như vậy nên người chăn nuôi ở Tuyên Quang càng thận trọng, căn cơ hơn khi tái đàn.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có khoảng 58,7 nghìn con lợn nái. Nhiều nhất là huyện Sơn Dương trên 21,7 nghìn con, huyện Yên Sơn trên 10,6 nghìn con, huyện Chiêm Hóa 9,7 nghìn con, huyện Na Hang gần 5,9 nghìn con... Tổng đàn lợn nái giảm hơn 1 nghìn con so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Với số lượng nái này, không đáp ứng đủ nhu cầu tái đàn như hiện nay.

Tại Tuyên Quang có nhiều công ty, trang trại sản xuất lợn giống tương đối lớn như: Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư phát triển giống lợn với quy mô 3.200 nái bố, mẹ; trang trại chăn nuôi lợn nái thôn Lẹm, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, với quy mô trên 3.000 lợn nái... Thế nhưng việc sản xuất lợn giống chủ yếu phục vụ nội bộ, không có xuất bán ra ngoài; còn đối với các cơ sở có quy mô nhỏ hơn, do giá lợn thịt hơi cao nên các cơ sở chăn nuôi để lại nuôi thịt. Điều này khiến việc tái đàn của các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn.

Gia đình anh Nguyễn Đức Chinh, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn trước đây là hộ chăn nuôi lợn lớn nhất nhì huyện. Dịch tả lợn châu Phi đã khiến gia đình anh phải tiêu hủy 327 con. Đến nay anh đã nhận hơn 1 tỷ đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước khi đàn lợn của gia đình không may bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

Với giá lợn giống từ 1,7 đến 3 triệu đồng/con (tùy trọng lượng) khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Tuyên Quang gặp khó khăn khi tái đàn. Ảnh: Đào Thanh.

Với giá lợn giống từ 1,7 đến 3 triệu đồng/con (tùy trọng lượng) khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Tuyên Quang gặp khó khăn khi tái đàn. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Chinh chia sẻ, số tiền hỗ trợ giúp anh trang trải nợ mua con giống, thức ăn chăn nuôi, còn lại gia đình tái đầu tư sản xuất. Gia đình anh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, có thu nhập trở lại từ chăn nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn con giống. Với giá trung bình từ 230.000 - 250.000 đồng/kg thật sự là thách thức với người chăn nuôi trong việc tái đàn, ổn định đàn lợn sau dịch.

Gia đình ông Lý Tiến Báo, thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình có đàn lợn đen nhiều nhất xã với hơn 70 con. Mỗi năm gia đình xuất bán trên 1 tấn lợn thịt và lợn giống, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ưu điểm nổi bật của nuôi lợn đen là không lo bị lỗ vốn. Kể cả trước khi có dịch, dù lợn thương phẩm thông thường có rớt giá, nhưng lợn đen bản địa vẫn đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi.

Giá lợn giống cao, khiến người dân rất thận trọng trong việc tái đàn. Mặt khác, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chủ yếu quy mô nhỏ, xen kẽ trong khu dân cư, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học chăn nuôi trang trại chiếm tỷ lệ thấp, nên việc tái đàn gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp tái đàn trước thực trạng giống khan hiếm được các ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang đưa ra là, đối với các địa phương vùng cao của huyện Na Hang là đẩy mạnh phát triển lợn bản địa (lợn đen, lợn mán...). Những giống lợn này được nuôi chủ yếu tại các huyện vùng cao: Na Hang, Lâm Bình, một số xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn, chiếm khoảng 15% tổng đàn; còn lại các giống lợn lai.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, giải quyết bài toán khó khăn về tái đàn sau dịch, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi về vốn hỗ trợ người chăn nuôi bị ảnh hưởng. Với vấn đề con giống, trước mắt các hộ dân cần chủ động tân dụng tối đa nguồn giống trong dân; hết sức thận trọng trong việc nhập con giống không có nguồn gốc rõ ràng, bởi đây có thể là cơ sở để dịch tái phát trở lại. Tỉnh cũng khuyến khích các hộ dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh phát triển lợn bản địa (lợn đen, lợn mán). Như vậy vừa đảm bảo nguồn con giống tại chỗ, đồng thời giống lợn này cho chất lượng thịt khá thơm ngon và giá bán ra thị trường cũng cao.

Xem thêm
Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát thải thấp

Cà Mau Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân thực hiện giải pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, phát thải thấp trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 4] Kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam

Thạc sĩ Trương Xuân Cường - Phó trưởng Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất thông tin về kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam.