| Hotline: 0983.970.780

Tuyển sinh 2010: Bộ xin đổi mới 3, được "chấp nhận" 2

Thứ Hai 11/01/2010 , 10:54 (GMT+7)

Bộ GD- ĐT vừa tổ chức cầu truyền hình tuyển sinh 2010 tại 6 điểm, đồng thời đưa ra 3 vấn đề xin ý kiến các Sở GD- ĐT, các trường ĐH, CĐ để thay đổi nhưng chỉ được "chấp nhận" 2 vấn đề.

Bộ GD- ĐT vừa tổ chức cầu truyền hình tuyển sinh 2010 tại 6 điểm: Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ, Thái Nguyên và TPHCM. Tại đây Bộ đã đưa ra 3 vấn đề xin ý kiến các Sở GD- ĐT, các trường ĐH, CĐ để thay đổi nhưng chỉ được "chấp nhận" 2 vấn đề.  

Bỏ thi tốt nghiệp Ngoại ngữ: Cuộc "đảo chính" bất thành

 Hầu hết các địa phương tham gia cầu truyền hình đều không đồng tình với việc bỏ môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. PGĐ Sở GD- ĐT tỉnh Đồng Tháp, bà Phan Thị Thu Hà cho rằng: “Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói rằng, học mà không thi thì sẽ không có động lực để học. Vậy nếu môn Ngoại ngữ không còn bắt buộc, liệu học sinh có còn động lực học nữa không. Đặc biệt là đối với các học sinh vùng nông thôn, mặt bằng chung về ngoại ngữ chưa cao. Không phải thi môn này nữa, dễ xuất hiện tư tưởng buông xuôi”.

PGĐ Sở GD-ĐT TPHCM, ông Nguyễn Hoài Chương nêu vấn đề, Bộ GD- ĐT đã dựa trên cơ sở nào để cho rằng, Ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc. Điều này có đi ngược lại với xã hội không, trong khi đó để hội nhập vấn đề ngoại ngữ được Chính phủ quan tâm và đã phê duyệt đề án dạy và học Ngoại ngữ đến năm 2020. Vì vậy Bộ nên xem xét trước khi có quyết định cuối cùng.

Phía Bộ GD- ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải đáp rằng, việc để học sinh có quyền lựa chọn môn thi Ngoại ngữ là một hướng mở. Toán và Văn là môn thi cơ bản đánh giá năng lực tiếp thu, học tập của học sinh, còn ngoại ngữ chỉ là môn công cụ. "Những năm qua, Bộ mong muốn phủ rộng Ngoại ngữ và đưa thành môn bắt buộc. Nhưng đề án ngoại ngữ đang trong giai đoạn thực hiện. Thực tế, ở nước ta hiện nay điều kiện học ngoại ngữ còn khó khăn hơn hẳn các môn học khác. Chất lượng dạy và học chưa đảm bảo nên nếu bắt buộc phải thi là một hình thức ép buộc và không thể tránh tâm lý chống đối”.

Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc học Ngoại ngữ là quan trọng, tuy vậy những nơi khó khăn mà chất lượng học Ngoại ngữ chưa đạt sàn thì sẽ gây khó khăn. Vì có nhiều ý kiến trái chiều nên đây là một trong những nội dung được tiếp tục bàn thảo và sẽ thông tin rộng rãi khi đi đến kết luận cụ thể. Phía Bộ hứa hẹn sẽ trả lời vấn đề này sớm nhất có thể (trước Tết Nguyên Đán).

Tuyển sinh ĐH: Thống nhất việc có thể nộp hồ sơ trực tiếp

Về cơ bản, kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 vẫn theo “3 chung”, tuy nhiên phía Bộ GD- ĐT đưa ra điểm mới: Thí sinh có thể nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển NV2, 3 qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường...thay vì chỉ được nộp qua đường bưu điện như các năm trước.

Đồng tình với Bộ có Hiệu trưởng ĐH Lao động - Xã hội, ông Nguyễn Tiệp cho rằng: “Việc chỉ nhận hồ sơ qua đường bưu điện khiến quy trình có phần rườm rà hơn. Khi học sinh muốn vào trường thì phụ huynh và học sinh thường tìm hiểu nhà trường và lúc đó, có thể cho họ nộp hồ sơ luôn thay vì, về nhà và bắt đầu làm thủ tục gửi qua đường bưu điện”

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Đại học Vinh, ông Nguyễn Ngọc Hợi không đồng tình: “Nộp hồ sơ trực tiếp sẽ dễ có tiêu cực và kéo theo một số vấn đề nhạy cảm”. Phó Phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Đinh Văn Dũng thêm lời, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện như 8 năm qua sẽ hạn chế được tiêu cực vì nếu có vấn đề gì, thanh tra có cơ sở là dấu bưu điện để kiểm tra sự việc. Nộp hồ sơ trực tiếp sẽ không khách quan vì bộ phận quản lý hồ sơ mới biết được số lượng hồ sơ nhận và ngành nào thừa, ngành nào thiếu. Khi không còn dấu đỏ của bưu điện thì bộ phận này dễ dàng điều chỉnh và thanh tra sẽ khó phát hiện.

Kết luận cuối cùng, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thống nhất việc có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường, đó là tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Nếu quy định nộp qua đường bưu điện thì sẽ có những thí sinh nhà rất gần trường nhưng phải đi đường vòng để nộp hồ sơ và lệ phí qua đường bưu điện sẽ không tiện cho thí sinh, chưa kể đến việc thất lạc hồ sơ.

Lệ phí thi: Tăng thêm 10.000 đồng/bộ

Hầu hết các trường và phía Bộ đều thống nhất sẽ điều chỉnh mức tăng lệ phí dự thi. Theo ý kiến của các trường ĐH, lệ phí thi trong nhiều năm nay dường như không thay đổi, trong khi tình trạng thí sinh ảo khá cao khiến các trường phải gánh một khoản lỗ lớn vào mỗi mùa tuyển sinh. Hiệu trưởng ĐH Vinh còn nêu con số cụ thể…là mỗi năm lỗ khoảng 600 triệu.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhất trí và sẽ trình lên Bộ Tài chính để sớm điều chỉnh mức phí này trong phần phát biểu tổng kết hội nghị. Dự kiến mức phí sẽ tăng thêm 10.000 đồng/bộ hồ sơ.

TRỌNG NGUYỄN

Box: Những điểm mới về tuyển sinh 2010

Thi tốt nghiệp THPT:

- Thí sinh ở vùng khó khăn và thí sinh không học đủ điều kiện Ngoại ngữ được thi môn thay thế cho Ngoại ngữ.

- Không cần thiết thi theo cụm với các địa phương vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn.

- Điều chỉnh chấm chéo theo hướng: Sở GD-ĐT có bài thi cử 1 giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của Hội đồng chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình.

- Rút ngắn thời hạn nộp đơn xin phúc khảo của thí sinh; Điều chỉnh điều kiện phúc khảo, hạ mức chênh giữa điểm bài thi và điểm tống kết năm học lớp 12.

- Tổ chức lại các đoàn thanh tra cho gọn nhẹ, hiệu quả.

- Rà soát, bổ sung để hoàn thiện các phần mềm quản lý thi.

Thi ĐH, CĐ:

-Có thể nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện

-Công khai học phí theo tiền đồng Việt Nam đối với các trường ngoài công lập trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy 2010.

-Đối tượng dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 gồm: HS đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề và tương đương (học sinh Trung cấp nghề, hệ tốt nghiệp Trung học cơ sở, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD - ĐT).

-Mỗi phòng thi tối đa không quá 40 thí sinh, với phòng thi lớn không quá 60 thí sinh. Không xếp thí sinh thi tự luận và trắc nghiệm trong một phòng thi.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí

ĐBSCL Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.