Na trái vụ luôn "cháy hàng"
Tại sao những vùng như huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) hay huyện Lục Nam (Bắc Giang) lại có thể thâm canh na rải vụ tốt như vậy? Trong khi mảnh đất Phú Thượng - nơi được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu, đất canh tác chủ yếu là núi đá vôi rất phù hợp với cây na lại chưa thể trồng na rải vụ? Đó là những câu hỏi luôn khiến ông Kiều Thượng Chất (xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) trăn trở.
Từ những trăn trở đó, năm 2019, ông Chất đã tự nghiên cứu, mày mò để rải vụ cho cây na. Tuy nhiên, do chưa nắm được kỹ thuật và còn làm theo kinh nghiệm nên việc rải vụ cho cây na của ông Chất chưa thể trở thành hiện thực.
Từ khi tham gia mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai từ năm 2021, ông Chất cùng nhiều hộ nông dân trồng na khác đã biết ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh cây na rải vụ. Giờ đây, ông Chất là một trong những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong trồng na rải vụ. Nhiều người gọi ông là "phù thủy" có thể “phù phép” cho cây na ra trái thơm ngon, ngọt sắc ngay cả khi tiết trời đã chớm lạnh đầu đông.
Trên khu vườn rộng hơn 1ha, năm 2023 là năm thứ 2 ông Kiều Thượng Chất áp dụng kỹ thuật trồng na rải vụ. Mỗi năm ông cho na ra quả 2 vụ, gồm chính vụ vào khoảng tháng 7 - 8 và vụ muộn vào khoảng tháng 10 - 11.
Ông Chất chia sẻ kinh nghiệm: Để có thể trồng na rải vụ, cành cây yêu cầu phải già, tán phải tương đối thưa để nắng có thể lọt vào làm nảy chồi trong thân cây. Tận dụng đặc tính tái sinh mạnh của cây na, người dân có thể cắt chồi cũ để cây mọc ra những chồi mới có hoa, sau đó thụ phấn cho hoa để tạo thành quả na vụ muộn.
“Điều quan trọng nhất khi thâm canh na rải vụ là vụ muộn sẽ rơi vào mùa đông, lượng mưa ít nên cần phải chủ động hệ thống nước tưới. Bên cạnh đó, nắng sẽ ít hơn nên cần theo dõi sát sao, phải tỉa thưa những tán cây dày lá để tạo điều kiện cho nắng chiếu vào quả. Việc này mang lại 2 công dụng. Thứ nhất là nắng sẽ góp phần ngăn chặn rệp. Thứ hai nắng chiếu sẽ làm quả lên đường, ngọt và đẹp mã hơn”, ông Chất chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Chất, vấn đề người thâm canh na rải vụ cần đặc biệt quan tâm đó là na vụ muộn sẽ thường bị đối tượng ruồi vàng châm chích làm giảm chất lượng quả. Vì vậy trước khi thu hoạch khoảng 1 tháng, người dân cần bao quả để tránh ruồi vàng tiếp xúc làm hỏng quả na. Bên cạnh đó, để hạn chế quả na bị rệp phá hoại, cần phải làm sạch tán cây và làm sạch cỏ quanh gốc.
Cây na tại xã Phú Thượng nói riêng và huyện Võ Nhai nói chung chủ yếu được trồng trên triền núi đá, nơi có các dải đất hẹp xen lẫn với đá hoặc các hốc đá có đất, độ dốc lớn nên đất thường bị rửa trôi xói mòn mạnh. Vì vậy, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ như quản lý tốt độ ẩm đất, trồng các loại cây họ đậu sẽ vừa giúp chống rửa trôi xói mòn, đồng thời giúp tăng độ phì của đất và làm cho cây sinh trưởng tốt cũng như tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
“Trồng na ở trên núi đá dốc, hiểm trở, chúng tôi đã áp dụng thành công việc đốn tỉa, tạo tán và hạ thấp độ cao cho cây để thuận tiện cho việc chăm sóc, vận chuyển phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái quả…”, ông Chất cho hay.
Cũng theo ông Chất, hiện nay, khó khăn lớn nhất của người trồng na rải vụ là chưa có thị trường ổn định nên người dân rất mong muốn có cơ hội tiếp cận những đầu mối thu gom na lớn như các siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử… để việc tiêu thụ na vụ muộn thuận lợi hơn.
Theo ông Chất, tiềm năng của quả na rải vụ được trồng tại vùng núi đá Võ Nhai là rất lớn. Chất lượng na trồng trên núi đá cao hơn quả na được trồng dưới đất ruộng. Nếu được mở rộng sản xuất, thị trường cho quả na vụ muộn sẽ rất tiềm năng. Vào mùa đông ở miền Bắc, hoa quả rất ít, thế nên quả na vụ muộn sẽ dễ bán hơn. Như năm trước, na vụ muộn của ông Chất cắt đến đâu bán hết đến đó, không bao giờ phải để sang ngày hôm sau.
Tăng gấp đôi thu nhập nhờ na trái vụ
Theo ông Chất, đối với na vụ muộn, nếu chăm sóc tốt sẽ cho chất lượng quả ngon, vị ngọt, mùi thơm đặc trưng. Nếu chính vụ, cây na cho năng suất quả khoảng 10kg/cây thì vụ muộn chỉ nên để 7 - 8kg/cây. Tuy nhiên quả vụ muộn hầu như đều mọc ở trong thân cây nên có kích thước to hơn và bán được giá hơn so với quả chính vụ. Do vậy, sản lượng na vụ muộn có thể thấp hơn nhưng thu nhập mang lại có thể tương đương na chính vụ.
Cụ thể như năm 2022, vào vụ na muộn, quả nhỏ nhất trong vườn ông Chất là 200gram, quả to nhất lên đến 700gram. 80% lượng na thu hoạch có khối lượng hơn 300gram mỗi quả, giá bán trung bình là 40.000 đồng/kg.
Trước đây chỉ trồng na chính vụ, thu nhập của ông Chất từ vườn na 1ha chỉ khoảng 90 triệu đồng/năm. Năm 2022, nhờ thâm canh trồng na rải vụ, ông đã thu về khoảng 160 triệu đồng. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục cải thiện quy trình, nâng cao sản lượng, chất lượng vườn na và đặt mục tiêu thu về hơn 200 triệu đồng/năm từ vườn na rải vụ.
Theo ông Chất, trồng na rải vụ người dân sẽ lợi đủ đường vì na vụ muộn có thể cho năng suất gần bằng vụ chính. Trong một năm, nếu thâm canh thêm vụ na muộn, người sản xuất giỏi hoàn toàn có thể tăng gấp đôi thu nhập.
“Trồng na vụ muộn còn giải quyết được vấn đề việc làm của người dân trong lúc nông nhàn, người dân sẽ không còn phải đi tìm những công việc khác vào mùa đông. Mùa đông rỗi rãi đằng nào bà con cũng phải đi tìm việc, vậy tại sao bà con không kiếm tiền trên chính khu vườn của mình?”, ông Chất phân tích.
Bên cạnh đó, ông Chất cho biết thêm, chi phí đầu tư để thâm canh na rải vụ không đáng kể và không hề tốn kém. Việc xây dựng hệ thống tưới nước sẽ chỉ cần đầu tư một lần là có thể dùng lâu dài.
Thậm chí, trồng na rải vụ còn tiết kiệm phân bón hơn na chính vụ. Lí do là khi thu hoạch na chính vụ, cây vẫn chưa tiêu thụ hết chất dinh dưỡng từ phân bón nên với vụ muộn sẽ chỉ cần bón thêm khoảng 2/3 lượng phân thông thường. Qua đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất cho bà con.
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ năm 2021, Trung tâm đã xây dựng mô hình thâm canh na rải vụ trên địa bàn huyện Võ Nhai với diện tích 3ha tại xã La Hiên và xã Phú Thượng.
“Trước đây bà con sản xuất na theo truyền thống thường có thói quen để cây cao, cành nhiều. Vì vậy, việc vận động, hướng dẫn bà con đốn cành thấp xuống để thuận tiện cho việc thụ phấn, hái quả, bao quả phòng trừ sâu bệnh rất khó khăn. Tuy nhiên đến nay, phần lớn người trồng na đã thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm”, ông Thông chia sẻ.
"Trong thâm canh na rải vụ, đối với lứa quả sớm ở đầu cành, bà con phải đốn tỉa cành sớm vào khoảng tháng 2 để kích ra hoa và thụ phấn vào cuối tháng 4, đến khoảng tháng 7 sẽ có thể thu hoạch na sớm để bán. Lứa na sớm này sẽ cho thu hoạch trước na chính vụ khoảng 15 - 20 ngày.
Đối với lứa na chính vụ, bà con cần tỉa cành và thúc mầm ở trong cành vì càng gần thân, cây sẽ nuôi quả càng tốt hơn. Đến lứa na vụ muộn, cần phải lấy quả sát thân mới có thể đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng nuôi quả", ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm.