Gần 3.500 mẫu được xét nghiệm
Từ đầu năm 2024, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm các chủng cúm gia cầm khác nhau trên người. Hầu hết trường hợp bệnh đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc gần với gia cầm, bò sữa, hoặc đến các khu chợ gia cầm sống.
Sau hơn 10 năm không phát hiện ca bệnh nào, đến tháng 10/2022, Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A (H5) trên người tại tỉnh Phú Thọ. Đến nửa đầu năm 2024, thêm 2 ca bệnh nữa được phát hiện.
Điều đáng nói, có đến 50% người mắc virus cúm này sẽ diễn tiến nặng và tử vong. Không chỉ gây bệnh trên gia cầm nuôi, virus cúm A (H5N1) còn được tìm thấy ở các loài gia cầm hoang dã như chim, vịt… di cư.
Khi nhiễm cúm, tỷ lệ chết ở gia cầm nuôi rất cao trong khi ở các loài gia cầm hoang dã thường không có triệu chứng, tỷ lệ chết lại rất thấp.
Chủ động phát hiện các nguy cơ để phòng, chống cúm gia cầm từ sớm, từ xa là một yêu cầu cấp thiết, khi mà từ chủng A (H5N1) đầu tiên, virus cúm giờ có nhiều biến thể như A (H5N6), A (H5N8)... và có thể xuất hiện tại nhiều nơi.
Nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) phối hợp Viện Thú y, Trường Đại học Y tế Công cộng, Nhóm Một sức khỏe Đại học Duke và Phân hiệu Y khoa Đại học Texas, đã thu thập và xét nghiệm gần 3.500 mẫu từ gia cầm và bề mặt môi trường ở nhiều chợ trong hơn 2 năm, bắt đầu vào ngày 10/1/2019 đến 26/4/2021.
GS Gregory Gray, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe xuyên suốt quá trình điều tra, ở cả các chợ gia cầm sống lẫn trang trại chăn nuôi lợn tại miền Bắc.
Dù triển khai trong thời gian Covid-19 bùng dịch, nhóm thực địa đã thu thập đầy đủ các mẫu dịch ngoáy ổ nhớp, họng, khí quản, phân tươi tại 4 chợ và 5 trại nuôi lợn, thuộc 5 địa phương là Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Tại mỗi chợ, nhóm nghiên cứu bố trí 3 máy lấy mẫu sol khí sinh học (vi sinh vật, bao gồm vi nấm và vi khuẩn trong không khí), đặt cách mặt đất 50cm tại các khu vực có nhiều gia cầm. Máy được chạy liên tục trong 4 giờ để thu thập không khí ở mức 3,5l/phút.
Gần khu vực đặt máy, mỗi lần 10 mẫu tăm bông hầu họng và 15 mẫu phân môi trường sẽ được lấy từ gia cầm, ưu tiên những cá thể có biểu hiện bị bệnh.
Điểm nóng tại các chợ gia cầm
Kết quả, tỷ lệ dương tính với chủng A (H5) của virus khá cao. “Xuất hiện virus cúm gia cầm có độc lực cao tại một số chợ gia cầm sống tại Việt Nam cho thấy nhu cầu cấp bách cần hành động không chỉ trong nước mà còn trên quy mô quốc tế để giảm thiểu sự lan truyền của các loại virus này”, GS Gregory Gray bày tỏ quan ngại.
Bài báo được công bố trên Diễn đàn mở về bệnh truyền nhiễm của Nhà xuất bản Đại học Oxford (Vương quốc Anh), nghiên cứu chỉ ra một lượng mẫu tương đối lớn trong số gần 3.500 mẫu thu thập có bằng chứng phân tử hoặc nuôi cấy về virus cúm A.
Cụ thể, là hơn 35% số tăm bông dịch họng gia cầm, trên 25% lượng mẫu sol khí sinh học, gần 35% số tăm bông phân gia cầm và gần 2% số mẫu từ dịch mũi của người.
Nuôi cấy các mẫu, nhóm đã tạo ra 454 phân lập cúm A, 83 trong số đó là H5 và 70 trong số này là độc lực cao. Ngoài ra, một mẫu dương tính trên người có gen PB1 giống chủng H9N2.
Các mẫu dương tính với H9 tiếp tục được nhóm nghiên cứu giải trình tự gen bằng phương pháp Sanger. Đồng thời, những mẫu từ gia cầm hoặc từ môi trường nuôi gia cầm dương tính với H5 đã được gửi để giải trình tự gen bằng công nghệ NGS. Từ đó, các nhà khoa học xác định, rằng phân nhóm H5N6 chiếm ưu thế.
Trong số các phân lập H9N2 được xác định bằng NGS, tất cả đều có đặc điểm nhận dạng gần giống với H9N2 thu thập từ gia cầm ở Việt Nam và Trung Quốc trước đây. Các phân lập khác như H3N2, H6N6 cũng có đặc điểm nhận dạng gần giống với những mẫu bệnh phẩm thu thập trước đây.
Nhóm nghiên cứu cũng thông tin, rằng trong 16 mẫu dịch mũi của người lấy từ chợ gia cầm cho kết quả dương tính, không mẫu nào tiếp tục dương tính với virus cúm H1N1 hoặc H3N2. Đặc biệt, không có mẫu gia cầm nào có kết quả xét nghiệm dương tính với phân nhóm H7.
Trái ngược với kết quả tại chợ gia cầm, tỷ lệ lưu hành cúm A ở các trại chăn nuôi lợn thấp hơn nhiều khi chỉ có khoảng 0,4% trong tổng số 1.700 mẫu có bằng chứng phân tử về virus cúm A. Trong số 6 mẫu này, 4 mẫu cho kết quả bộ gen đầy đủ và được xác định là H1N1.
Dựa trên kết quả, nhóm nghiên cứu nhận định, do cúm gia cầm đã xuất hiện khoảng 20 năm ở Việt Nam, nên các loại virus mới từ quốc gia lân cận, chẳng hạn như các chủng H7N9, có thể trộn lẫn với các chủng của Việt Nam tạo ra các chủng mới, có độc lực và đe dọa nhiều hơn đến sức khỏe gia cầm cũng như con người.
“Một sức khỏe” là chìa khóa
Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ lưu hành cúm A trong các trang trại nuôi lợn rất thấp nên cần tiến hành nghiên cứu thêm tại các quốc gia láng giềng của Việt Nam. Một nguyên nhân được chỉ ra, là có thể Việt Nam đã kiểm soát tốt các dịch bệnh trên lợn thời gian qua.
Một khuyến cáo nữa của nhóm, là những người tiếp xúc với gia cầm sống có nguy cơ mắc bệnh. Dù tỷ lệ dương tính của các mẫu lấy từ dịch mũi không cao, chuyên gia không loại trừ khả năng việc lan truyền virus cúm A đang âm thầm diễn ra.
Thông qua hoạt động giám sát được triển khai trong 2 năm, nhóm nghiên cứu cũng tin tưởng, rằng nếu áp dụng phương pháp Một sức khỏe toàn diện, ngay cả một nhóm nhỏ kiểm tra thực địa cũng đủ sức cung cấp những phản hồi nhanh chóng cho lực lượng y tế công cộng và cơ quan quản lý về các"điểm nóng" cúm A.
Từ quan sát này, TS Nguyễn Việt Hùng, lãnh đạo Chương trình Sức khỏe của ILRI kêu gọi áp dụng rộng rãi hơn phương pháp tiếp cận Một sức khỏe để giám sát mầm bệnh, cả trên người, động vật và môi trường cùng lúc.
“Đây là biện pháp có thể nhanh chóng xác định và giải quyết những mối đe dọa sức khỏe mà con người, động vật cũng như môi trường đang phải đối mặt, bao gồm cả các đợt bùng phát cúm gia cầm đã gây ra tử vong ở người”, ông Hùng nhấn mạnh.