Nếu cứ ngồi than nghèo kể khổ thì sẽ mãi nghèo khổ
Đến thăm xã Phong Quang vào một ngày giữa tháng 9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vườn thanh long bạt ngàn trù phú của Phạm Võ Quan. Tràng trai 8x một thời được xếp diện hộ nghèo.
Quan sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 9 anh chị em. Cũng bởi đói nghèo nên khi học xong THPT, Quan chỉ dám đăng ký học tại Trường Trung cấp hướng nghiệp dạy nghề ở Hà Giang. Vì học ở đây gần nhà, học phí thấp, chi phí ít và có thể tự kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Những ngày sau ra trường, Quan vất vưởng khắp nơi tìm việc, làm đủ các nghề từ phụ hồ, bốc vác đến đi buôn gỗ… nhưng cuộc sống mãi chẳng khấm khá. Khi lập gia đình, gần như vốn liếng của 2 vợ chồng chỉ là đôi bàn tay trắng, với căn nhà nhỏ đủ để che mưa che nắng.
Phát triển thanh long kết hợp chăn nuôi hợp lý, kinh tế gia đình anh dần khá lên, xây được nhà, mua được xe. Không thỏa mãn với thành công ban đầu, Quan tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng thanh long, nuôi thêm bò và trồng thêm mía.
Giận bản thân khi để vợ con chịu cảnh nheo nhóc, Quan quyết tâm phải thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế để thoát nghèo.
Năm 2014, cơ duyên đến khi anh được một người bạn gợi ý về trồng cây thanh long. Bàn bạc, tính toán và gom hết gia sản, đi vay mượn thêm anh em họ hàng anh mua gần trăm gốc thanh long ruột đỏ Thái Lan về trồng thử nghiệm.
Khi được hỏi tại sao lại chọn cây thanh long để trồng, anh Quan chia sẻ, cây thanh long là loại cây chịu được hạn nên sẽ phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Phong Quang.
Ngoài ra, anh nghĩ làm nông nghiệp muốn thành công phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, không nên cứ thấy người ta trồng con gì, nuôi con gì là lại đổ xô chạy theo sẽ gây ra “khủng hoảng thừa”.
Những ngày đầu trên con đường phát triển kinh tế, gặp không biết bao nhiêu gian truân, vất vả nhưng anh đã tự tìm tòi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những hộ trồng thanh long lâu năm và sự giúp đỡ của cán bộ địa phương.
Sau 2 năm chăm sóc, những trái thanh long đầu tiên đã cho thu hoạch, thanh long quả to, đều, vị ngọt thanh, mẫu mã đẹp. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trang trại của anh trồng thanh long kết hợp trồng bí, rau sạch và chăn nuôi bò vừa để bán con giống vừa để tận dụng phân bón cho cây.
Tôi hỏi bí quyết để làm giàu của anh là gì? Quan cười hiền trả lơi: “Nếu cứ ngồi than nghèo kể khổ thì sẽ mãi nghèo khổ. Muốn thoát nghèo phải dám nghĩ, dám làm, dám liều.”
Thu tiền tỷ từ nông nghiệp sạch
Hiện trang trại thanh long kết hợp chăn nuôi bò của anh Quan đã phát triển lên diện tích khoảng 3ha. Để có được trang trại thanh long như ngày hôm nay anh đã phải đi nhiều nơi, học hỏi nhiều người, từ những hộ trồng thanh long tại Tuyên Quang, Phú Thọ hay lặn lội vào tận Bình Thuận, nơi được mệnh danh là thủ phủ trồng thanh long của Việt Nam.
Mỗi nơi anh đến, anh lại học hỏi được nhiều kinh nghệm hay, cách làm mới giúp tăng hiệu thêm quả kinh tế. Nhưng điều mà anh học được lớn nhất từ các mô hình là muốn thành công lâu bền thì cần phải sản xuất sạch.
Quan chia sẻ, trái thanh long ruột đỏ Thái Lan tại trang trại của anh luôn có chất lượng tốt hơn so với các hộ khác trong xã, đơn giản bởi vì cách chăm sóc khác nhau.
Trồng thanh long không khó, quan trọng là cần thực hiện nghiêm ngặt các bước chăm sóc để đạt được năng suất, chất lượng tốt nhất. Việc đảm bảo nguồn nước, dĩnh dưỡng và ánh sáng là điều kiện tiên quyết để cây phát triển khỏe mạnh. Cây thanh long ruột đỏ ít sâu bệnh, bệnh thường gặp chủ yếu là nấm thân cây và ốc sên, chỉ cần chú ý chăm sóc là cây phát triển tốt, cho trái chất lượng cao.
Hiện thanh long ruột đỏ Thái Lan thu hoạch được bán sỉ với giá từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Với khoảng 6.000 gốc hanh long đang cho thu hoạch trung bình từ 15kg đến 20kg quả/gốc. Mỗi lứa cho thu hoạch khoảng 5 đến 10 tấn quả.
Thanh long ở vườn của anh trồng theo quy trình sạch, không phun thuốc trừ sâu nên quả chín đến đâu thương lái đến thu mua tận vườn, có lúc không có hàng để bán, nhiều thương lái đã đặt trước thanh long của anh cách mấy tháng trước khi thu hoạch.
Cây thanh long mỗi năm thu hoạch được khoảng 8 đến 10 lứa, cho gia đình anh thu nhập trên 1,5 tỷ đồng trừ chi phí. Đến nay, gia đình anh đã có thể tự nhân giống thanh long để trồng, bán cành giống cho các hộ gia đình có nhu cầu.
Thu nhập từ rau sạch, bí nếp cũng lên đến cả trăm triệu đồng/năm. Trang trại của anh lúc cao điểm còn chăn nuôi đến cả trăm con bò. Đầu năm vừa qua anh bán hơn 100 còn bò vàng thu về gần 1,5 tỷ đồng. Số tiền này anh dự định sẽ sử dụng để mua thêm đất, phương tiện, nông cụ phục vụ sản xuất, phát triển diện tích trồng thanh long.
Ngoài ra anh còn cùng bạn bè, anh em phát triển diện tích trồng mía đường cao sản QĐ93159 lên đến hơn 6ha. Đây là giống mía nguyên liệu đường mới cho năng suất cao có nguồn gốc từ Trung Quốc được anh lặn lội sang nước bạn mang về. Do hợp với thổ nhưỡng, mía QĐ93159 cho lượng đường rất cao.
Khâu tiêu thụ đã liên kết với Công ty Thủy Vĩnh Bảo, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên để xuất khẩu sang Nhà máy đường Anh Mậu, huyện Châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Hiện nay, trang trại của anh tạo việc làm cho 6 đến 8 lao động thương xuyên tại địa phương với mức lương ổn định từ 5 triệu đến 6 triệu đồng.
Thấy mô hình trồng thanh long của gia đình anh Quan cho thu nhập ổn định, nhiều hộ trong thôn, xã đã học tập kinh nghiệm, chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng thanh long. Nhờ đó đến nay, sản phẩm thanh long trên đất Phong Quang đã được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện biết đến, tin tưởng lựa chọn, mở ra một hướng làm giàu cho người dân trong xã.
Quan đang nuôi tham vọng xây dựng và phát triển thương hiệu thanh long Hà Giang vươn ra khỏi vùng cao nguyên đá.
Để làm được điều đó, anh mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng, xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm để thanh long không chỉ được tiêu thụ trong thị trường của tỉnh mà từng bước vươn ra các tỉnh bạn, thâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới.
Bà Sầm Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Quang cho biết, anh Quan là một trong cá nhân tiêu biểu của địa phương làm kinh tế giỏi với mô hình trồng thanh long, mía và chăn nuôi cho thu nhập cao.
Đây là hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng năng suất thấp sang trồng cây ăn quả tại xã. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh Quan thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con trong vùng có thêm những kiến thức trong phòng chống dịch bệnh, chăm sóc cây thanh long.