| Hotline: 0983.970.780

Vườn mẫu trên gò đồi Quảng Bình

Thứ Sáu 04/09/2020 , 08:30 (GMT+7)

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đưa chúng tôi đi lên vùng gò đồi của huyện xem những mô hình chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng cam.

Đứng bên vườn cam xanh tốt, đã cho lứa quả bói, ông nói: “Đánh giá hiệu quả có lẽ hơi sớm. Nhưng qua các mô hình ở tỉnh bạn mà nông dân đã được tham quan và sức sống cây cam ở đây cho thấy thu nhập cao là có cơ sở chắc chắn”.

Những vườn mẫu ban đầu...

Xã Trường Thủy (Lệ Thủy) là  vùng bán sơn địa với thế mạnh của vùng đồi, đất đai rộng, phù hợp với các loại cây trồng. Trong chặng đường xây dựng nông thôn mới, Lệ Thủy chủ động triển khai vườn mẫu thu nhập cao tại các địa phương. Xã Trường Thủy xây dựng 5 vườn mẫu đều có hiệu quả.

Gia đình bà Trần Thị Mai (thôn Trường Giang, xã Trường Thủy) có khu vườn rộng hơn 2 mẫu (hơn 0,5ha). Khi bắt tay vào xây dựng vườn mẫu, gia đình đã "quy hoạch” thành các “phân khu” nuôi bò, trồng cam, trồng thanh long ruột đỏ… rất bài bản.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, bà Mai đưa giống cam mật Hiền Ninh về trồng. Đây là giống cam truyền thống ở vùng Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Giống này có ưu điểm cây khỏe, nhiều trái, mỏng vỏ và ngọt thanh, chống chịu được sâu bệnh, mưa gió. Cam Hiền Ninh sau hơn 20 năm bị mai một, đã được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh phục hồi.

Bà Trần Thị Mai: ‘Vụ cam này chắc chắn có thu nhập cao hơn năm ngoái'. Ảnh: T.Phùng

Bà Trần Thị Mai: ‘Vụ cam này chắc chắn có thu nhập cao hơn năm ngoái”. Ảnh: T.Phùng

Theo bà Mai, khi nhận hơn 60 gốc cây cam mật Hiền Ninh về trồng cũng lo lắng lắm. “Mình chưa thấy, chưa biết đến giống cam này ra sao nên cũng phân vân. May có mấy chú bên kỹ thuật thường xuyên đến thăm, chỉ bảo cách trồng, chăm bón nên cũng vững tâm”, bà Mai kể lại.

Bén đất, có công người trồng nên vườn cam mật nhà bà Mai lên xanh tốt. Qua hai năm đã cho ra hoa, quả bói. Năm ngoái, cây trĩu quả, thương lái hay tin đến mua tận vườn. "Tôi thu hoạch vụ đầu được chừng 1 tấn quả, bán được khoảng 20 triệu đồng”, bà Mai cho hay.

Năm nay, cây ra sai quả hơn, bà Mai rút kinh nghiệm mua túi lưới về bọc từng chùm quả để tránh sâu, bướm phá hại. Bà bảo, do thời tiết năm nay hạn hán quá dữ nên quả cam cũng chậm.

Dẫn tôi ra vườn, đến bên cây cam, bà tháo bao bảo vệ nâng chùm quả cam mật xanh mướt rồi hồ hởi: “Năm nay, cam sai quả, chắc chắn năng suất tăng nhiều. Với quả như này thì thêm tháng nữa là thu hoạch được. Người mua cũng đánh tiếng rồi. Vụ này chắc cũng được khoảng 3 tấn. Giá cam có lên được chút thì thu nhập cũng được 50 - 60 triệu đồng”.

Ông Hóa vui mừng vì những quả cam bói vườn nhà có vị ngọt thanh. Ảnh: T.Phùng

Ông Hóa vui mừng vì những quả cam bói vườn nhà có vị ngọt thanh. Ảnh: T.Phùng

Trên địa bàn huyện Lệ Thủy cũng có khá nhiều hộ nông dân trồng cam theo mô hình vườn mẫu. Tại xã Mai Thủy có trên 10 hộ trồng giống cam mật giá trị này. Ngoài ra, các xã Trường Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Tân Thủy và một số xã khác cũng đã bắt đầu đưa vào trồng.

Hướng đi mới cho vùng gò đồi Lệ Thủy

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Bình cho hay, Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cũng triển khai mô hình trồng cam ngọt trên vùng miền tây với các giống cam chanh Vũ Quang (Hà Tĩnh), giống V2 và cam mật Hiền Ninh.

“Dù chưa đi vào thu hoạch chính vụ, nhưng các vườn đã cho ra lứa quả đầu tiên. Vụ cam tới, chắc chắn người trồng sẽ có được nguồn thu nhập cao”, ông Hải cho hay.

Vườn cam bắt đầu cho lứa quả đầu tiên trên vùng gò đồi miền tây huyện Lệ Thủy. Ảnh: T.Phùng

Vườn cam bắt đầu cho lứa quả đầu tiên trên vùng gò đồi miền tây huyện Lệ Thủy. Ảnh: T.Phùng

Nắng buổi chiều còn nóng bức, nhưng đứng ở vườn cam của ông Nguyễn Văn Hóa (xã Trường Thủy) có cảm giác như lòng dịu lại bởi màu xanh biếc của vườn cam đang vào độ sung sức. Ông Hóa dẫn chúng tôi đến bên mấy cây cam để thử trái xem ngon ngọt tới đâu. Bứt mấy quả cam đã căng tròn, ông bóc và mời mọi người ăn thử. Múi cam mọng, vị ngọt thanh như làm mọi người thêm háo hức.

Ông Hóa cho hay, vườn có gần 350 gốc cam đã trồng được gần ba năm và cho lứa quả bói đầu tiên. Cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư hướng dẫn cắt hết quả để cho cây có sức cho vụ sau. Ông cũng cắt hết, chỉ chừa lại mươi quả ở mấy cây nằm gốc vườn để ăn thử.

Ông nói với mọi người: “Quả cam này chưa ngọt đâu, phải thêm tháng nữa mới được. Hy vọng sang năm có thu hoạch lớn để động viên mọi người học và làm theo. Kế hoạch của gia đình cũng sẽ mở rộng vườn cam lên khoảng ngàn gốc”.

Trồng xen cây nén trên vườn cam vùng đồi. Ảnh: T.Phùng

Trồng xen cây nén trên vườn cam vùng đồi. Ảnh: T.Phùng

Cách vườn cam ông Hóa khoảng nửa quả đồi thấp là vườn nhà chị Nguyễn Thị Kiên. Những cây cam xanh tốt, hàng nối hàng thẳng tắp. Dưới vườn, cỏ dại được làm sạch và che phủ bằng lớp rơm rạ để chống nắng hạn, tăng độ ẩm cho đất.

Chị Kiên cho hay, lứa cam quả bói đầu tiên cũng sai lắm. Mỗi cây cũng được vài chục quả, nhưng chị cho cắt hết như kỹ thuật đã học được. “Sang năm kiểu gì vườn cam cũng cho thu hoạch. Tôi còn trồng xen cây xen giữa các luống, vừa có thêm thu nhập vừa hạn chế cỏ dại mọc”- chị Kiên bộc bạch thêm.

Ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy đi cùng chúng tôi thăm các vườn đồi. Ông bảo, toàn xã hiện có trên 40 ha diện tích trồng cam đã được gần ba năm nay. Bà con đã được đi tham quan các mô hình cam ở địa phương khác để học tập và được cán bộ khuyến nông tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cam.

Chăm sóc cho những vườn cam phát triển mới trên vùng đất gò đồi Lệ Thủy. Ảnh: T.Phùng

Chăm sóc cho những vườn cam phát triển mới trên vùng đất gò đồi Lệ Thủy. Ảnh: T.Phùng

“Nhiều hộ gia đình có đất vườn rộng vài héc ta bắt đầu chuyển hướng sang làm vườn mẫu, trồng cam. Chúng tôi cũng đã có định hướng cho bà con làm mô hình mẫu để nắm vững quy trình, tích lũy kinh nghiệm trước khi mở rộng diện tích trồng cam”, ông Quyết  trao đổi.

Khu vườn đồi nhà anh Trần Văn Hiến (xã Phú Thủy) rộng hơn 2 ha. Anh cải tạo khoảng 1 ha để làm mô hình trồng cam. Trong vườn, anh Hiến đào giếng sâu hơn 30m để lấy nước tưới cây. Nhờ cán bộ Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh hướng dẫn, anh đầu tư làm hệ thống tưới nhỏ giọt. Chăm sóc cho cây, anh mua phân bò về ủ hoai rồi mới theo đúng quy trình đã được học.

Qua đợt hạn hán khắc nghiệt của mấy tháng qua, vườn cam vẫn phát triển và chưa có hiện tượng bị khô hạn. “Hơn nữa số cây trong vườn đã cho ra quả bói rồi. Đến cuối năm, tôi sẽ cắt tỉa cành cam để qua vụ năm sau sẽ được nhiều quả và có thể thu hoạch được vụ đầu tiên”, anh Hiến hồ hởi khoe.

Đứng bên vườn cam trên mé đồi, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Những mô hình cây cam vùng miền tây của huyện có được hiệu quả sẽ là bước đột phá cho một vùng kinh tế cây có múi mang lại thu nhập cao cho bà con và mang lại sắc thái mới cho những vùng quê”.

Để hỗ trợ cho bà con trồng cam trên vùng đồi phía tây, lãnh đạo huyện Lệ Thủy và Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh thống nhất mời chuyên gia có kinh nghiệm về cây có múi về thực hiện việc cắt, tỉa cành cam tại vườn để cho bà con học tập. “Trên cơ sở đó, chúng tôi tổ chức hội nghị mời các địa phương, các hộ làm vườn đến vườn để “cầm tay chỉ việc” cho bà con”, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh nói.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm