| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ ở hồ chứa nước, giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Năm 09/09/2021 , 10:32 (GMT+7)

GIA LAI Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc dự báo ở các công trình thủy lợi đã giúp tiết kiệm được thời gian, nâng cao hiệu quả lao động, đảm bảo an toàn hồ đập.

Những năm gần đây, diễn biến thời tiết ở Gia Lai có sự biến đổi lớn khi lượng mưa giảm dần và có xu thế kết thúc sớm đối với khu vực phía Tây, Đông Bắc như: Huyện Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Sê, Chư Prông , Chư Păh, Ia Grai và TP. PleiKu). Phần lớn lượng nước đến các công trình thủy lợi ngày càng ít kể cả nước ngầm.

Các công trình thủy lợi lớn ở Gia Lai đưa nhiều ứng dụng công nghệ vào vận hành. Ảnh: Tuấn Anh.

Các công trình thủy lợi lớn ở Gia Lai đưa nhiều ứng dụng công nghệ vào vận hành. Ảnh: Tuấn Anh.

Cùng với đó, người dân mở rộng diện tích canh tác và sử dụng nước phía thượng lưu công trình quá lớn, không có quy hoạch gây thiếu nước trầm trọng phía hạ lưu theo nhiệm vụ thiết kế của công trình thuỷ lợi. Trong khi vào mùa mưa thường gây ra tình trạng ngập lụt, xói lở gây mất an toàn tại các công trình thủy lợi.

Chính vì vậy, việc khai thác hiệu quả nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân luôn rất cần thiết. Ngoài việc đảm bảo vận hành an toàn cung cấp nguồn nước tưới, nhiều công ty, đơn vị còn xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo thông qua các ứng dụng khoa học công nghệ nhằm quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi.

Là một trong những đơn vị quản lý nhiều công trình thủy lợi lớn trên địa bàn, Công ty TNHH MTV KTCTTL Gia Lai hiện đang quản lý, khai thác 12 hồ chứa, 18 đập dâng và trạm bơm.

Để vận hành, khai thác hiệu quả nguồn nước tưới, công ty đã lắp đặt thiết bị quan trắc (quan trắc thấm, đường bảo hòa qua thân đập) trên tất cả các công trình đập, hồ chứa để theo dõi hoạt động, độ an toàn của công trình.

Bên cạnh đó, công ty còn lắp đặt thiết bị quan trắc thủy văn chuyên dùng tự động tại 2 hồ chứa nước Ia Mlah (huyện krông Pa) và Plei Pai (huyện Chư Prông).

Các hồ chứa có cửa van điều tiết lũ, công ty đã hợp đồng thuê dịch vụ quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên. Theo đó, các dự báo về lượng mưa, lưu lượng nước ở các lòng hồ sẽ được công ty nắm bắt để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Ngoài ra, công ty còn đầu tư hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, thiết bị thông tin (internet, camera, điện thoại, máy fax) để cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.

Hệ thống Camera của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Gia Lai để giám sát dòng chảy môi trường. Ảnh: Tuấn Anh.

Hệ thống Camera của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Gia Lai để giám sát dòng chảy môi trường. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo đó, các thiết bị này sẽ giám sát cống lấy nước, vận hành tràn xả lũ, thông qua hệ thống cảm biến để truyền dữ liệu về trung tâm điều hành.

Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Gia Lai cho biết, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các hệ thống quan trắc để dự báo, báo cáo và cập nhật trên hệ thống trang hệ thống được kịp thời chính xác, liên tục.

Đối với thiết bị giám sát vận hành hồ chứa sẽ hỗ trợ điều khiển vận hành cống, giám sát mực nước thượng và hạ du hồ chứa, vận hành xả lũ, duy trì dòng chảy môi trường tiết kiệm được thời gian, nâng cao hiệu suất lao động.

“Thiết bị giám sát ghi lại toàn bộ dữ liệu phục vụ công tác phân tích, xử lý và đưa ra giải pháp tối ưu hóa công tác vận hành công trình đồng thời cảnh báo kịp thời các giá trị đo đạc bất thường và sự cố hệ thống”, ông Lương chia sẻ.

Cũng theo ông Lương, trong thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giám sát vận hành tại 13 hồ chứa, tiếp tục sửa chữa nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giám sát hiện có như Ia Mlah, Ayun Hạ. 

Xây dựng và lắp đặt thiết bị quan trắc khi tượng thủy văn chuyên dùng tự động. Thiết bị quan trắc chuyển vị, sửa chữa thiết bị quan trắc thấm, đường bảo hòa qua thân đập hiện có, thiết bị giám sát khai thác sửa dụng tài nguyên nước.

Theo đánh giá củaSở NN-PTNT Gia Lai, tại các hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV KTCTTL Gia Lai quản lý, việc ứng dụng khoa học công nghệ để đưa ra những dự báo, cảnh báo tương đối đạt yêu cầu. Cụ thể, các hồ chứa này đã lắp đặt thiết bị quan trắc đập, hồ chứa nước, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu...

Tuy nhiên, ở các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý, việc lắp đặt thiết bị quan trắc đập, hồ chứa nước, thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, xây dựng cơ sở dữ liệu... vẫn chưa được thực hiện.

Trước vấn đề này, Sở NN-PTNT yêu cầu các đơn vị tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn; theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để thực hiện phương án điều tiết nước phù hợp nhằm bảo đảm an toàn công trình đồng thời tích nước hợp lý để phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Gia Lai: "Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý công trình thủy lợi còn rất hạn chế do nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ không có kinh phí đầu tư. Trong 113 công trình hồ đập trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chỉ có 3 công trình của công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động SCADA, còn lại đều quan trắc bằng thủ công.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.