Nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng qua ứng dụng ViettelPay
Từ năm 2011 đến nay, trung bình khoảng hơn 1.600 tỷ đồng/năm được chi trả cho hơn 500.000 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tại 46 tỉnh thành thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của Việt Nam.
Đặc biệt, trên 86% số hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa của tổ quốc.
Tuy nhiên, việc trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt rất rủi ro, tốn công sức và thời gian.
Nhằm hỗ trợ địa phương trả tiền DVMTR cho bên cung ứng DVMTR nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, tiết kiệm và minh bạch, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Quỹ) các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La triển khai hoạt động thí điểm thanh toán tiền DVMTR bằng giao dịch điện tử qua ứng dụng công nghệ thông tin (ViettelPay).
Ông Brian Bean – đồng Giám đốc Dự án VFD, cho biết: “Một trong những mục đích chính của hợp phần này là góp phần giúp người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán hiện đại, nhanh chóng và minh bạch. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý và các bên liên quan trong việc giám sát thực hiện trả tiền DVMTR”.
Ngày 26/9/2018, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Văn bản số 7491/BNN-TCLN về việc trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử. Đây cũng là nền tảng và lý do Dự án VFD tập trung nguồn lực vào hoạt động này.
Phương thức chi trả tiền nhanh chóng và minh bạch
Đến tháng 11/2020, Quỹ các tỉnh Sơn La và Lâm Đồng đã tiến hành giao dịch chuyển tiền DVMTR cho hơn 8.000 hộ gia đình/cá nhân và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng qua ứng dụng ViettelPay.
Việc chi trả đã giảm đáng kể khối lượng công việc của Quỹ tỉnh hay chủ rừng như rút tiền, phân chia, đưa tiền mặt đến các điểm vùng sâu, vùng xa, và giám sát chi trả của cán bộ Quỹ hay chủ rừng.
Thời gian cần thiết để hoàn thiện một quy trình chi trả đã được giảm một cách đáng kể từ hàng tuần đến chỉ còn vài phút. Phương pháp chi trả mới cũng đã nhận được phản hồi rất tích cực và mong muốn được sử dụng lâu dài của các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các bên liên quan.
Trong suốt quá trình triển khai, dự án VFD đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhóm nòng cốt là các cán bộ Quỹ, cán bộ Viettel và các chủ rừng là tổ chức bằng việc đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật kết hợp với thực hành và rèn luyện kỹ năng mềm, các nhóm nòng cốt trở thành những tập huấn viên tích cực hướng dẫn đã lại cho bà con trong thôn, bản mình.
Nhằm góp nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách và hỗ trợ địa phương trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng DVMTR nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, tiết kiệm và minh bạch, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam ban hành cuốn Sổ tay “Hướng dẫn trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua giao dịch điện tử, bưu điện”.
Sổ tay này được xây dựng dựa trên kết quả thí điểm trả tiền DVMTR qua tài khoản ViettelPay và Bưu điện tại các tỉnh Sơn La, Lâm Đồng, Yên Bái và Thanh Hóa, nhằm cung cấp các hướng dẫn và khuyến nghị trong quá trình tổ chức thực hiện trả tiền DVMTR tới bên cung ứng DVMTR qua ViettelPay và Bưu điện.
“Sổ tay hướng dẫn mới này nhằm mục đích giúp các tỉnh tuân thủ chính sách của Bộ, hướng dẫn các Quỹ địa phương trong từng bước triển khai thực hiện. Hình thức chi trả điện tử mới sẽ giúp các Quỹ tỉnh tiết kiệm kinh phí, thời gian và nhân lực đồng thời sẽ giúp tạo ra tính an toàn, minh bạch hơn trong chi trả tiền DVMTR”, ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, chia sẻ.
Để tiếp tục hỗ trợ việc hiện đại hóa chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam, USAID tiếp tục hỗ trợ thông qua Winrock International gia hạn dự án VFD từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2020, với tổng vốn 5 triệu USD.
Ở cấp quốc gia, Dự án đã hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT xây dựng dự thảo Quyết định về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 4 tỉnh là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Nếu quyết định được thông qua, sẽ bổ sung thêm nguồn thu xã hội hóa khá lớn phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Dự án VFD đẩy mạnh truyền thông “Lấy người dân làm trung tâm”
Ngoài việc triển khai các hoạt động chính, dự án VFD chú trọng công tác truyền thông bổ trợ cho các hoạt động đạt được mục tiêu. Với phương pháp “lấy người dân làm trung tâm”, hoạt động truyền thông của dự án được thiết kế để phù hợp với điều kiện kinh tế và sinh hoạt của người dân.
Hoạt động truyền thông cộng đồng của dự án VFD rất có ý nghĩa, đã truyền đạt những thông điệp hữu ích đến người dân một cách tự nhiên và rất gần gũi với cộng đồng. Từ kết quả của mô hình truyền thông dự án VFD, Quỹ tỉnh và đơn vị chủ rừng là tổ chức đã tự bỏ kinh phí tổ chức thêm nhiều hoạt động tương tự. Cụ thể mới đây, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La đã tổ chức 41 sự kiện truyền thông cộng đồng, thu hút hàng nghìn chủ rừng là người dân tham gia.
Hướng tiếp cận này của Dự án đang triển khai bước đầu đã mở ra một hướng đi mới, đó là áp dụng thành công trả tiền DVMTR qua giao dịch điện tử của tỉnh và cũng phù hợp với chiến lược mà Quỹ trung ương và tỉnh đã xây dựng.
Trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam sẽ tiếp tục hướng dẫn các Quỹ tỉnh cùng phối hợp với các chủ rừng là tổ chức triển khai hính thức trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử, bưu điện cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Điều này hỗ trợ các mục tiêu chung của tỉnh về việc sử dụng công nghệ hiện đại để cải thiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ thực hiện định hướng của Bộ NN-PTNT tại văn bản số 7491/BNN-TCLN ngày 26/9/2018.