| Hotline: 0983.970.780

Ủng hộ xây sân bay Long Thành

Thứ Năm 04/06/2015 , 20:24 (GMT+7)

Khác với các phiên thảo luận tại kỳ họp trước, trong phiên thảo luận sáng 4/6, QH đã chuẩn bị bản dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành. 

Hiện bản Nghị quyết đang tiếp tục được hoàn chỉnh. Cùng với đó là các phát biểu tại hội trường của ĐBQH đều thống nhất việc cần phải xây dựng Cảng HKQT Long Thành (gọi tắt sân bay Long Thành).

Phải nghiêm túc rút kinh nghiệm

So với các báo cáo trước đây của Chính phủ thì lần này đã thể hiện được sự tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý, phản biện của ĐBQH và giới chuyên gia, nhà khoa học, trí thức...

Có 3 điểm điều chỉnh đáng chú ý: Một là, quy mô dự án từ 5.000ha xuống còn 2.750ha. Hai là, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.236,39 triệu USD, giảm 2.601 triệu USD so với khái toán ban đầu. Ba là, Bộ Tài chính đánh giá trong các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công cao nhất của dự án là 0,28% GDP.

ĐB Dương Trung Quốc, đại diện cho cử tri Đồng Nai - nơi quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành, đặt câu hỏi: Nếu QH có gan quyết không làm dự án, liệu có dám làm vỡ cả một quy hoạch đã thực hiện cả chục năm? ĐB thừa nhận có một thực tế hiện nay khi bàn về một dự án cụ thể là cả xã hội đứng trước tâm thế “mất lòng tin”. Sau những Vinashin, Vinalines, nhiều dự án lớn đắp chiếu lãng phí không nhỏ, người dân sẽ đặt câu hỏi: Có thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm không? 

ĐB Quốc cho rằng, thái độ ấy sẽ giúp chúng ta cảnh giác, nghiêm túc, nghiêm khắc hơn để điều chỉnh lại. “Cá nhân tôi ủng hộ nhưng với điều kiện bước đi tiếp theo, đồng thời những dự án sau này phải có lộ trình hợp lý, chứ không phải đặt sự việc vào chỗ đã rồi để chúng ta phải quyết một cách gần như không còn con đường nào khác. Dẫu biết rằng làm chậm là trả giá theo cấp số nhân” – ông Quốc lưu ý.

Sân bay Long Thành vốn là một dự án thành phần của tổng thể quy hoạch vùng Đông Nam bộ, nhiều hạng mục thành phần đã thực hiện rồi. Chỉ vì tổng mức đầu tư lớn nên mới đưa ra QH bàn. Người dân ở đó bị treo quy hoạch 10 năm rồi mà giờ QH mới bàn làm hay không làm?

UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư với diện tích 282,3 ha bảo đảm cho các hộ dân dự kiến nằm trong diện thu hồi đất. Qua ý kiến của địa phương cho thấy, hầu hết các hộ dân có đất thu hồi ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án (99,4%) và đề nghị chung của các hộ dân là sớm triển khai Dự án để các hộ ổn định cuộc sống.

Theo ĐB Quốc, đáng nhẽ phải đưa ra sớm để người dân biết, các tổ chức xã hội phản biện, không thể triển khai 10 năm rồi mới đưa ra QH thì rất khó xử, phải lấy các nghị quyết của Đảng ra để bảo vệ.

Không có đối thủ?

Báo cáo trước QH về quan điểm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà phải xây dựng sân bay Long Thành, chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Du Lịch khẳng định: Nếu làm chậm, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, lúc đó trở tay không kịp. Do đó, làm sao trước năm 2025 có một sân bay đạt công suất 25 triệu hành khách để “chia lửa” với Tân Sơn Nhất.

Đồng tình quan điểm cần sớm xây dựng sân bay Long Thành, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ: Chúng ta cứ lo xây sân bay này sẽ lãng phí nhưng nếu không làm thì mất đi một nguồn thu không nhỏ và đó mới là lãng phí. Việc xây dựng sân bay Long Thành là một cơ hội, nếu cơ hội này bị bỏ qua thì rất đáng tiếc.

Theo dự kiến ngân sách sẽ tham gia vào dự án khoảng 12.149 tỷ đồng. Con số này theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) là hợp lý. “Chúng ta chia làm 3 năm, mỗi năm ngân sách chi ra khoảng 4.000 tỷ. Nếu dành 200.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển mỗi năm thì 2% trong đó dành cho dự án là có thể kham nổi” – ĐB Ngân tự tin.

Đây cũng là mong muốn của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng). Theo ĐB Vinh việc nhanh chóng thông qua chủ trương là để nước ta sớm có một cảng hàng không hiện đại, ngang tầm với quốc tế và nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng.

Coi Cảng HKQT Long Thành sẽ không có đối thủ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ĐB Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) nói rằng: Trên bản đồ hàng không quốc tế ở khu vực này, VN nằm ở vị trí cuối cùng của phần lớn các đường bay từ Tây sang Đông trước khi chuyển lên hướng Đông Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng Biển Đông nước Nga hay xuống phía Đông Nam á tới Singapore, Indonesia, Úc, New Zealand thì thấy sân bay Long Thành nằm ở một vị trí lý tưởng, không có đối thủ trong khu vực về mặt tiện lợi và kinh tế cho hàng trung chuyển.

Cũng như các ĐB phát biểu trước mình, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ niềm tin trong vấn đề trả nợ khi vay vốn cho đầu tư sân bay Long Thành. Ông nói: Đây là dự án sinh lợi và mang lại hiệu quả xã hội lớn. Từ tác động đến hội nhập, thu hút đầu tư thì sân bay Long Thành còn là đầu mối giao thông thu hút quan trọng của khu vực.

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hợp tác xã chi tiền mua bảo hiểm cho lực lượng thủy nông viên

Dự báo nắng nóng gay gắt còn kéo dài, trong khi nước tích trữ trong các hồ chứa ngày càng suy giảm, Bình Định đang áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm nước tưới…

[Bài 3] Những bài ca 'viết trên báng súng'

'Âm nhạc về Điện Biên Phủ không chỉ là những bài ca, ca khúc. Nó đã biến thành những hợp xướng, giao hưởng, trở thành một 'binh chủng âm nhạc hùng hậu...'.