| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó cháy rừng [Bài 4] Gia Lai huy động nhiều lực lượng tham gia

Thứ Năm 30/03/2023 , 09:50 (GMT+7)

Đang là cao điểm mùa khô tại Tây Nguyên, phần lớn diện tích rừng ở đây đều cảnh báo cháy ở cấp V- cấp cực kỳ nguy hiểm và Gia Lai cũng không ngoại lệ.

Empty

Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Phòng chống cháy rừng từ cộng đồng

Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý diện tích 9.086 ha. Trong đó, quy hoạch 3 loại rừng 8.622 ha (rừng phòng hộ 5.075 ha, rừng sản xuất 3.546 ha), diện tích đất lâm nghiệp nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 464 ha. Tổng diện tích rừng do đơn vị quản lý nằm trên địa phận rất rộng của 18 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Ia Grai, Chư Păh, Đăk Đoa và TP. Pleiku.

Để tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã huy động 133 người là đại diện của 10 hộ, 27 nhóm hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng trên các địa bàn huyện Chư Păh, TP. Pleiku cùng tham gia trực 24/24 giờ trong ngày.

Anh Rơ Châm Daih (làng Thong Ngó, xã Ia Kênh, TP. Pleiku), cho biết: “Vào thời gian cao điểm mùa khô rất dễ xảy ra cháy rừng. Vì vậy, chúng tôi cùng với lực lượng của Ban Quản lý rừng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm cháy. Mỗi ca trực từ 11 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau”.

Với anh Rơ Châm Hyich (làng Krái, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) ngoài công tác tuần tra, anh ăn ở tại rừng để trực PCCCR. Việc tuần tra bảo vệ rừng tuy có nhiều khó khăn, song bù lại chúng tôi có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, lại góp phần bảo vệ được tài nguyên rừng.

Để công tác PCCCR đạt hiệu quả cao, UBND xã Hà Tây (huyện Chư Păh) đã giao khoán toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn quản lý cho 3 cộng đồng làng và 2 nhóm hộ. Cụ thể, cộng đồng làng Kon Hơ Nglẽh có 79 hộ nhận bảo vệ 581 ha, cộng đồng làng Kon Sơ Lăl có 84 hộ nhận bảo vệ 597 ha, cộng đồng làng Kon Chang có 60 hộ nhận bảo vệ 512 ha, 2 nhóm hộ nhận bảo vệ 794 ha.

Anh Khyơn, Trưởng thôn Kon Sơ Lăl, cho biết: “Ngay sau khi ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với UBND xã, chúng tôi tổ chức họp tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi đốt nương làm rẫy phải báo với chính quyền địa phương, phải thực hiện đốt đảm bảo an toàn, không để lửa cháy lan vào rừng, không sử dụng lửa trong rừng. Đồng thời, chúng tôi phân mỗi tổ 5 - 7 người thay phiên nhau tuần tra để bảo vệ rừng và để phát hiện sớm những nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Anh Rơ Châm Hoh, Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng làng Doch 1 (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) cho biết: Tổ có 32 người ký hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, nhận quản lý bảo vệ hơn 90 ha. Hàng tuần, các thành viên trong tổ thay phiên nhau đi tuần tra để kịp thời phát hiện, nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Vào những ngày nắng nóng kéo dài, tổ thường xuyên tuần tra cùng với lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, trực tại các khu vực có nguy cơ cháy cao. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm xâm hại đến rừng, Tổ sẽ báo cáo với lực lượng chức năng để xử lý kịp thời.

Empty

Đốt chủ động ngay từ đầu mùa khô nhắm tránh nguy cơ cháy lan sang khu vực khác. Ảnh: Đăng Lâm.

Phương châm phòng cháy là chính

Báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng với diện tích 9,3 ha. Để tăng cường PCCCR, các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương đã tổ chức 405 đợt tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR với 25.361 lượt người tham gia, đóng 2.295 biển báo cấm lửa, cấm chặt và đốt rừng tại các vùng trọng điểm cháy, lối ra vào rừng.

Bố trí 414 bảng quy định về PCCCR tại các nhà rông, khu vực ven rừng và trụ sở UBND các xã, thị trấn có rừng trên địa bàn, trang bị 198 bàn dập lửa cấp phát cho các xã có rừng, 10 bảng pa nô, đốt trước có điều khiển 621 ha và 474 km để giảm vật liệu cháy; làm đường ranh cản lửa 121 km…

Ông Nguyễn Tất Thành, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, cho biết: Qua rà soát, đơn vị xác định có 10 trọng điểm cháy nằm trên địa bàn của 10 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích 5.387 ha. Hầu hết diện tích rừng trồng nằm trên địa bàn các huyện Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa và TP. Pleiku. Đây đều là những khu vực có rừng thông ba lá, thực bì là những loại cỏ, lau lách dễ cháy, nằm ở vị trí có độ dốc cao.

Vì vậy, đơn vị triển khai làm đường ranh cản lửa, đốt trước có điều khiển. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, lập 7 chốt trực tại các tổ, trạm cũng như các chốt trực cháy tại rừng ở các vùng trọng điểm cháy, nhằm nâng cao khả năng phòng, chống, ngăn ngừa cháy rừng xảy ra. Đồng thời tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa đơn vị với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm và một số cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly đang quản lý hơn 15.584 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Chư Păh và xã Ia Bă (huyện Ia Grai). Trong đó, đất có rừng là 12.683 ha. Qua rà soát có hơn 1.185 ha rừng dễ cháy. Theo ông Phạm Thành Phước, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, cho biết: Để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, đơn vị đã hợp đồng giao khoán với các hộ dân trên địa bàn xã Ia Kreng.

Bước vào mùa khô, đơn vị đã tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng rừng để xác định các khu vực trọng điểm cháy. Xây dựng phương án PCCCR, thành lập tổ bảo vệ rừng, tổ PCCCR, 7 tổ cộng đồng và hộ nhận khoán. Xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng, ký cam kết với các hộ sống gần rừng trong việc sử dụng an toàn lửa rừng.

Phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm dễ cháy. Mua sắm dụng cụ thô sơ như dao rựa, bình xịt nước đeo vai, bàn dập lửa. Tăng cường tuần tra, canh gác để xử lý kịp thời khi mới phát sinh. Hướng dẫn người dân đốt nương rẫy an toàn lửa rừng. Đồng thời, tiến hành đốt thực bì có điều khiển, phát dọn đường băng cản lửa.

Empty

Diễn tập PCCCR ở Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Còn huyện Ia Grai có 6 vùng trọng điểm cháy với diện tích hơn 1.806 ha, phân bố tại các xã Ia O, Ia Pếch, Ia Bă, Ia Khai, Ia Grăng, Ia Chía. Thời gian qua, đơn vị tăng cường công tác tuần tra và trực canh gác tại các điểm nguy cơ cháy rừng cao.

Ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho hay: Ngay từ đầu mùa khô, các đơn vị chủ rừng đã tích cực triển khai thực hiện các hạng mục công trình phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR như làm đường ranh cản lửa; phát đốt trước có điều khiển, tu sửa, làm mới các bảng tuyên truyền.

Cùng với đó, bố trí lực lượng trực PCCCR 24/24 giờ trong những tháng cao điểm mùa khô; tuần tra, canh gác lửa rừng tại các trọng điểm cháy. Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy rừng.

Ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai: “Đang là cao điểm mùa khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Do đó, các địa phương, đơn vị chủ rừng cần nghiêm túc triển khai công tác PCCCR, bố trí lực lượng trực PCCCR ở cơ quan và những khu rừng có nguy cơ cháy cao; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức cho người dân về công tác bảo vệ rừng và PCCCR, với phương châm phòng là chính”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất