| Hotline: 0983.970.780

Ước mơ không còng lưng để cấy

Thứ Sáu 19/04/2013 , 08:30 (GMT+7)

Ước mơ ấy được thể hiện trên diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp: “Giải pháp mở rộng diện tích áp dụng mạ khay, máy cấy các tỉnh phía Bắc năm 2013”.

Ước mơ ấy được thể hiện trên diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp: “Giải pháp mở rộng diện tích áp dụng mạ khay, máy cấy các tỉnh phía Bắc năm 2013” tổ chức tại Hà Nội ngày 18/4.

Tham dự có ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các vụ, viện trong ngành nông nghiệp, các Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông và đại biểu nông dân 14 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Thống kê cho thấy mức độ trang bị động lực bình quân toàn quốc đạt 1,4 CV/ha canh tác, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng chỉ đạt 0,85 CV/ha chủ yếu cho khâu làm đất. Ở phía Bắc, việc trồng lúa có đặc điểm luôn thiếu lao động vào chính vụ nhất là lúc gieo cấy, thu hoạch. Chi phí SX cao do làm thủ công, quy mô SX nhỏ, thuê thêm lao động giá cao. Sản lượng thấp, chất lượng nông sản không đồng đều và đặc biệt những công lao động nặng nhọc cho khâu cấy và thu hoạch thường rơi vào vai người phụ nữ, người có tuổi.


Trình diễn máy cấy ở Hà Nội

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình trình diễn mạ khay, máy cấy với diện tích 20 ha bằng máy cấy Kubota 1,5 mã lực, cấy 4 hàng lúa. Kết quả cho thấy mỗi máy cấy một ngày làm việc 8h được 0,8 - 1 ha bằng 25 - 30 người vừa cấy vừa nhổ mạ. Máy cấy đã giải phóng cho những tấm lưng luôn phải còng gập xuống, những cái tay luôn phải sục sâu xuống đất bùn khi giá rét cũng như lúc nắng lửa.

Không chỉ thế, máy móc còn giảm chi phí SX (giảm giống vì chỉ mất 0,8 kg/sào, giảm lượng thuốc BVTV vì cấy nông, thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, ruộng thoáng, ít sâu bệnh) và tăng năng suất khoảng 10% so với cấy truyền thống (lợi nhuận bình quân của lúa cấy bằng máy cao hơn lúa cấy truyền thống 6,9 triệu đồng/ha).

Từ kết quả vụ xuân, vụ mùa năm 2012 Hà Nội tiếp tục hỗ trợ mở rộng thêm 70 ha và nhất là năm 2013, cấy máy đã là một hiện tượng "nhảy vọt" của nông nghiệp Thủ đô với 1.500 ha, riêng huyện Phú Xuyên đã áp dụng 1.000 ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, áp dụng mạ khay cấy máy ở Hà Nội cũng bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục như: Ruộng đất nhiều nơi tuy đã được dồn điền đổi thửa song vẫn còn manh mún, khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa. Nhiều nơi các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm tới TBKT mới. Một số bà con nông dân vẫn còn có tư tưởng bao cấp, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự tin tưởng vào TBKT mới.

Cơ chế chính sách đã có nhưng chưa đồng bộ, vẫn còn nặng về thủ tục hành chính, chưa khuyến khích được người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp chưa được phát huy. Khâu làm mạ chưa chủ động được giá thể, chưa tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, do mạ gieo không đều khi cấy bị mất khoảng nhiều, số dảnh cấy không đều, tốn nhiều công tỉa, dặm…

Chính vì thế Hà Nội đề nghị phải có chính sách hỗ trợ phù hợp; tổ chức dịch vụ SX mạ khay cơ khí, hình thành mỗi xã một cơ sở mạ khay; tổ chức hệ thống dịch vụ cơ khí bảo dưỡng máy móc; đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đào tạo với chuyển giao thiết bị và công nghệ.

Còn Trung tâm KNQG đề nghị cấp Trung ương tăng cường xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng cơ giới hóa, có chính sách giúp nông dân mua máy móc, xây dựng các CLB người sử dụng máy nông nghiệp nhằm phát huy tối đa hiệu suất sử dụng. Ở địa phương cần có các chủ trương chính sách về dồn điền, đổi thửa. Có cơ chế hỗ trợ mua máy. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.