Trước những năm 2000, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Ích phát triển mạnh theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp với diện tích trên 300 ha.
Theo người nuôi, lúc ấy họ có tiền mới đầu tư nuôi tôm và chỉ có nuôi tôm mới hy vọng đổi đời. Tuy nhiên từ năm 2003 trở về sau, môi trường ngày càng ô nhiễm, tôm nuôi phát sinh dịch bệnh nhiều, càng nuôi càng lỗ nặng.
Từ đó, vùng tôm trở nên tiêu điều, ao nuôi công nghiệp bỏ trống, cỏ cây mọc um tùm, nhường chỗ cho nuôi quảng canh, nuôi xen canh.
Ông Trần Văn Tiến, một người nuôi tôm ở xã Ninh Ích, cho biết nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm xen cá hay xen cua chỉ giúp họ ổn định cuộc sống, chứ không khá giả.
Cụ thể, với diện tích 4.000-5.000 m2, nếu nuôi thuận lợi, mỗi năm họ chỉ kiếm từ 30-40 triệu là cùng.
Vấn đề trên cũng được ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích xác nhận và cho biết, hiện diện tích nuôi tôm bán công nghiệp trên địa bàn không đáng kể, chỉ còn vài hộ nuôi. Hầu hết chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh hay nuôi xen cá, cua hoặc nuôi đối tượng khác.
Bên cạnh đó, một số diện tích ao nuôi cũng đã chuyển sang hẳn ương nuôi cá giống gồm cá mú, cá chim cá bè, song chủ yếu là cá bớp.
Theo ông Khánh, đối với nghề nuôi ương cá bớp giống, người dân bắt đầu triển khai từ năm 2015. Họ nhập trứng về ấp nở, sau đó nuôi ương trong ao để cá đạt kích cỡ từ 11-12mm rồi xuất bán.
Nghề này thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhiều hộ ương lãi từ 400-500 triệu đ/ha/năm. Ban đầu toàn xã có vài hộ ương, nay lên đến khoảng 15 hộ, với diện tích ao nuôi ương lên đến 25-30 ha.
“Nghề ương cá giống, chi phí đầu tư không lớn, nhưng lãi tương đối cao. Nhưng không phải ai cũng sản xuất được, bởi bên cạnh đòi hỏi nắm bắt kỹ thuật, còn phụ thuộc mối quan hệ, đầu ra tiêu thụ…”, ông Khánh chia sẻ.
Ghi nhận của chúng tôi tại vùng nuôi ương cá bớp tại thôn Tân Đảo, một số hộ nuôi đang xuất bán giá giống để vận chuyển cho các tỉnh miền Tây và các tỉnh phía Bắc.
Anh Hồ Huỳnh Bảo Huy, một chủ hộ ương cá bớp giống cho biết, thời điểm này, nguồn cung dồi dào nên giá cá bớp giống chỉ dao động từ 6-7 ngàn đ/con (loại 11-12mm).
Còn vào tháng mùa đông sản xuất giống khó hơn nên giá lên đến18-20 ngàn đ/con, thậm chí còn cao hơn.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ương cá, anh Huy cho biết, trứng sau khi mua từ các lồng nuôi cá bố mẹ đẻ với giá 4-5 triệu đồng/kg sẽ cho vào bồn composite có thể tích 1,5m3 nước ấp ở nhiệt độ 28 - 30 độ C.
Sau một ngày, một đêm trứng sẽ nở thành cá bột, rồi đưa xuống ô trong đìa (ô nuôi 4m2). Những ngày đầu tiên, thức ăn cho cá là sinh vật phù du cỡ nhỏ như luân trùng, ấu trùng hầu hà, sau đó 3 - 4 ngày, cá đạt kích cỡ 1 - 1,5 cm bắt đầu thả nuôi trong ao đất với diện tích 4.000 m2 và luyện cho chúng ăn thức ăn như cám đỏ và thức ăn dành cho cá chẽm.
Khi cá đạt kích thước từ 3 - 4cm người nuôi sẽ lùa cá vào lồng lưới mùng có kích thước để “thúc” nuôi đến khi cá đạt kích cỡ 10 -11cm sẽ xuất bán.
“Thời gian từ khi trứng cá nở đến khi xuất bán trên 1,5 tháng. 1kg trứng nếu ấp đạt cho ra 70-100 ngàn con, nhưng rất khó thành công. Tuy nhiên gia đình tôi cho ấp 1 kg trứng trung bình ra khoảng 30-40 ngàn con.
Đến khi xuất bán tỷ lệ hao hụt đàn còn khoảng 15-20 ngàn con. Còn mùa đông tỷ lệ hao hụt nhiều hơn, có lứa chỉ còn vài ngàn con. Vì vậy, nếu giá cá cao, mỗi lứa kiếm trên 100 triệu, còn trung bình lãi từ 60-70 triệu/lứa”, anh Huy chia sẻ.
Cũng theo anh Huy, mỗi năm người nuôi sản xuất từ 7-8 lứa. Gia đình anh chuyển hình thức nuôi tôm, cua quảng canh sang ương cá bớp giống từ năm 2017. Ban đầu chỉ có một khu nuôi ương với diện tích 4.000 m2. Nhờ hiệu quả nên đầu năm 2020, anh mở rộng diện tích lên đến 3 ha.