Sau bữa tối với vài chén rượu chuối hột ngâm cùng một người bạn và cháu, anh C.A.P (nam, 43 tuổi, ngụ Bình Dương) mệt, nôn ói. Đến ngày hôm sau, tình trạng mỗi lúc một tăng nên anh được gia đình đưa cấp cứu tại Bệnh viện Medic Bình Dương và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng rối loạn tri giác, mờ mắt, tự thở (ngày thứ 2 sau khi uống rượu - PV).
Nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol, các bác sĩ ghi nhận tình trạng toan chuyển hóa nặng, tổn thương thận cấp.
Người nhà bệnh nhân cho biết, sau cuộc nhậu hôm đó, bạn của anh P. cũng có tình trạng tương tự và được đưa đi cấp cứu nhưng không may đã qua đời.
Theo BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, để xác định chính xác tình trạng ngộ độc, các bác sĩ đã xét nghiệm nồng độ methanol trong máu và nước tiểu. Mặc dù đã là ngày thứ 2 sau khi uống rượu, nhưng nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao 90,69 (thông thường nồng độ trên 25 là đã xác định ngộ độc - PV). Điều đó cho thấy, bệnh nhân uống một lượng rượu rất nhiều, gây biến chứng nghiêm trọng.
Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Thận Nhân tạo đã khẩn trương thực hiện lọc máu ngắt quãng cho bệnh nhân. Sau 1 lần lọc máu, bệnh nhân tỉnh, mắt nhìn rõ, tình trạng toan chuyển hóa được cải thiện, bệnh nhân đi tiểu nhiều, tình trạng suy thận cải thiện.
“Sau 24 tiếng lọc máu lần thứ nhất mà bệnh nhân có nhiều cải thiện sẽ theo dõi 24 tiếng tiếp theo, những biến chứng có thể dẫn đến ảnh hưởng tính mạng ngay lúc đó, ví dụ như về tri giác, hô hấp, tình trạng toan chuyển hóa có thể dẫn đến ngưng hô hấp tuần hoàn", bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh cho biết.
Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sinh hoạt được, tình trạng toan chuyển hóa đã về bình thường, đã hồi phục và có thể được xuất viện.
Methanol là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm giả. Do lượng hóa chất cồn công nghiệp methanol rất nhiều, dễ bị tuồn ra ngoài và được bán với giá rất rẻ nên cồn methanol dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả (thay vì chứa ethanol, nay lại bị thay bằng methanol như rượu giả, cồn sát trùng giả) và gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng. Do đó, người dân, người sản xuất cần hết sức cảnh giác và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát.
Methanol được hấp thu, gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa và qua da hoặc qua đường hô hấp. Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau (hay gặp với người nghiện rượu, thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc, người lao động trong môi trường tiếp xúc không an toàn với methanol). Hoặc người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp sử dụng sản phẩm giả có chứa methanol).