| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên kiểm tra, rà soát hàng giả, hàng nhái trên mạng Internet

Thứ Sáu 30/06/2023 , 16:27 (GMT+7)

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường cam kết tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đánh giá, các vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đánh giá, các vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, khoảng một năm trở lại đây đơn vị nhận nhiều thắc mắc và đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam trong việc bảo vệ thương hiệu.

Doanh nghiệp đề nghị rất đa dạng, từ những hãng làm sản xuất đồ dùng thiết yếu hàng ngày như bột ngọt Ajinomoto, mì ăn liền Acecook cho đến thương hiệu nổi tiếng Procter & Gamble. Ngay cả sản phẩm đồ chơi trẻ em, nhãn hãng nổi tiếng Lego cũng từng đề nghị phối hợp với lực lượng quản lý thị trường.

"Cùng với sự phát triển của công nghệ, các vụ việc vi phạm thương hiệu, nhãn hiệu ngày càng trở nên tinh vi. Vi phạm còn xuất hiện và phổ biến  trên các kênh thương mại điện tử, với tốc độ và quy mô ngày một tăng", ông Linh nói.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường phát hiện hơn 4.700 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 43 tỉ đồng, với trị giá hàng hóa vi phạm hơn 45 tỉ đồng. Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng nhìn nhận, chừng đó chưa đủ minh họa hết vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.

Bảo vệ thương hiệu là vấn đề cấp thiết được đặt ra, bởi nếu không hành động quyết liệt, ông Linh cho rằng cả người tiêu dùng, doanh nghiệp đều bị thiệt hại. Nguy hiểm hơn, sức sản xuất của cả nền kinh tế có thể bị xói mòn vì doanh nghiệp đuối sức khi phải cạnh tranh về giá với hàng giả.

Để xử lý dứt điểm vấn nạn hàng giả, hàng nhái, Tổng cục trưởng Linh cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa. "Tất cả các chủ thể, từ người bán, người sản xuất cho đến người tiêu dùng là người mua hàng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả", ông nêu quan điểm.

Bên cạnh nhiệm vụ nâng cao nhận thức cho người dân, xã hội, lãnh đạo lực lượng quản lý thị trường khẳng định cần có những biện pháp xử lý đủ sức răn đe.

Tại Hà Nội, một thời gian dài ở khu vực Hoàn Kiếm, xung quanh Bờ Hồ, Hàng Gai, Hàng Bông, chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào… hàng giả được bán rất nhiều. Tình trạng tương tự xuất hiện ở những tuyến phố Quận 1, những trung tâm như chợ Bến Thành hay Saigon Square.

Để giải quyết, Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng những tuyến trọng điểm, địa bàn trọng điểm. Trong địa bàn ấy, nếu có tụ điểm nổi cộm với hàng giả, lực lượng sẽ ưu tiên xử lý trước. 

Cùng với đó, Tổng cục triển khai nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, giúp người dân phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, ví dụ tổ chức phòng trưng bày hàng giả, hàng nhái ở 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cửa hàng trưng bày hàng giả, hàng nhái tại địa chỉ 62 Tràng Tiền.

Cửa hàng trưng bày hàng giả, hàng nhái tại địa chỉ 62 Tràng Tiền.

Tại Tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” sáng 30/6, luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nêu ý kiến, rằng công cuộc chống hàng giả không phải nhiệm vụ riêng của cơ quan quản lý, mà cần sự chung tay của doanh nghiệp.

"Cơ quan quản lý thị trường không thể 'ba đầu sáu tay' làm tất cả mọi việc", ông Lập chia sẻ. 

Từ ý kiến của Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, luật sư Lập nhận xét, các tập đoàn lớn của nước ngoài luôn chủ động hợp tác với cơ quan nhà nước, tức là tạo ra một cơ chế “hợp tác công - tư” trong thực thi pháp luật. Đây là một giải pháp căn cơ để điều hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh việc doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì cần nâng cao "tinh thần chủ động", ông Lập khuyến cáo các thương hiệu thoát khỏi tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng thương hiệu khi biết trên thị trường có sản phẩm của mình bị làm giả.

Chung quan điểm với luật sư, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện Bộ phận Pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng. Ngoài ra, cần thường xuyên hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho đại lý, nhà phân phối và người tiêu dùng, cũng như sẵn sàng trả lời các câu hỏi liên quan tới logo, nhãn hiệu của sản phẩm.

Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu. Một là, triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả. Hai là, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên không gian mạng Internet. Ba là, tổ chức các chuyên đề kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội.

"Chúng tôi xin khẳng định, việc kiểm tra, rà soát hàng giả và hàng nhái trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến năm 2025", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.