| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên quản lý sâu keo mùa thu bằng giải pháp sinh học

Thứ Tư 06/12/2023 , 17:43 (GMT+7)

Các giải pháp sinh học thân thiện với môi trường, tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc BVTV hóa học... giúp quản lý hiệu quả, bền vững sâu keo mùa thu.

Ngày 5/12, Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến hợp tác nông nghiệp và lương thực châu Á (Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc) tổ chức hội thảo “Chương trình chẩn đoán, giám sát, kiểm soát sâu keo mùa thu và rầy nâu ở khu vực châu Á".

TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam về ứng phó với sâu keo mùa thu. Ảnh: Trung Quân.

TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam về ứng phó với sâu keo mùa thu. Ảnh: Trung Quân.

TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, hội thảo được diễn ra trong 3 ngày (từ 4 - 6/12) tại Hà Nội, với sự tham gia của đông đảo của các đại biểu là chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều quốc gia như Úc, Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Indonesia, Philippines, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam… Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch hành động của ASEAN về ứng phó với sâu keo mùa thu, được Bộ NN-PTNT Việt Nam rất ủng hộ.

Các đại biểu tham gia hội thảo sẽ trao đổi những kết quả đạt được từ mô hình triển khai trên thực tế, kiến thức, kinh nghiệm trong giám sát, kiểm soát sâu keo mùa thu hại ngô, rầy nâu hại lúa, nhất là việc áp dụng các biện pháp sinh học, thân thiện với môi trường. Từ đó, đưa ra những giải pháp quản lý hiệu quả các loài sinh vật gây hại này trong tương lai.

Theo TS Liêm, sâu keo mùa thu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2019 ở các tỉnh phía Bắc, sau đó phát hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, gây tổn thất lớn cho hoạt động sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, địa phương, nông dân…, Việt Nam đã tìm ra các giải pháp để kiểm soát hiệu quả loài sinh vật gây hại này. Do đó, những kinh nghiệm của Việt Nam, kết hợp cùng với kế hoạch hành động của ASEAN về ứng phó với sâu keo mùa thu sẽ góp phần đưa ra những gợi ý, giải pháp có thể áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trong khối, đóng góp vào việc phát triển sản xuất ngô hiệu quả, bền vững.

Ông Nguyễn Qúy Dương (đứng), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, biện pháp quản lý sâu keo mùa thu phải vừa hiệu quả, vừa có chi phí thấp nhất, nông dân dễ dàng tiếp cận, áp dụng. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Qúy Dương (đứng), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, biện pháp quản lý sâu keo mùa thu phải vừa hiệu quả, vừa có chi phí thấp nhất, nông dân dễ dàng tiếp cận, áp dụng. Ảnh: Trung Quân.

Bà Alison Watson, Trưởng Ban Thư ký Kế hoạch hành động của ASEAN về ứng phó với sâu keo mùa thu chia sẻ, hiện nay sâu keo mùa thu không còn là vấn đề của một quốc gia mà mang tính xuyên biên giới. Dự án triển khai tại Việt Nam là cơ hội để hiểu rõ hơn và có giải pháp giám sát, kiểm soát sâu keo mùa thu theo cách thức có trách nhiệm với môi trường. Đây là chương trình hành động vì sự phát triển bền vững của nông dân Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung. Trên cơ sở những kết quả thu được, sẽ tiến hành nhân rộng ra các quốc gia khác.

Tại hội thảo, TS Lê Xuân Vị, Trưởng Bộ môn Chẩn đoán - Giám định dịch hại và thiên địch (Viện Bảo vệ thực vật) đã giới thiệu mô hình quản lý sâu keo mùa thu hại ngô được triển khai tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Mô hình được triển khai trên cây ngô theo 2 pha, tương ứng với vụ hè thu và thu đông.

Trong pha 1, đã xây dựng mô hình quản lý sâu keo mùa thu áp dụng 11 công thức (mỗi công thức có các giải pháp khác nhau). Trong đó, chú trọng sử dụng các giải pháp thân thiện với sức khỏe con người, môi trường như tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế cho thuốc BVTV hóa học; luân canh cây trồng; không sử dụng phân đạm (chỉ dùng NPK)...

TS Lê Xuân Vị, Trưởng Bộ môn Chẩn đoán - Giám định dịch hại và thiên địch (Viện Bảo vệ thực vật) chia sẻ về biện pháp quản lý sâu keo mùa thu bằng giải pháp sinh học. Ảnh: Trung Quân.

TS Lê Xuân Vị, Trưởng Bộ môn Chẩn đoán - Giám định dịch hại và thiên địch (Viện Bảo vệ thực vật) chia sẻ về biện pháp quản lý sâu keo mùa thu bằng giải pháp sinh học. Ảnh: Trung Quân.

Trong pha 2, áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), khuyến cáo người dân sử dụng chế phẩm Bacillus thuringiensis (BT) và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Chỉ khi tỷ lệ cây trồng bị hại từ 20% trở lên mới tiến hành phun thuốc BVTV. Đặc biệt, phun thuốc BVTV sinh học chỉ đạt hiệu quả khi sâu keo mùa thu ở tuổi 1 - 3, nếu để đến tuổi 4 - 5 trở đi hiệu quả sẽ không cao.

Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp phun trùm (phun toàn cây) khi ngô ở giai đoạn từ 1 - 4 lá. Khi cây đã xoáy nõn thì dùng phương pháp phun thụt vào nõn, vừa giảm công lao động và giảm lượng thuốc, vừa gia tăng hiệu quả.  

Theo TS Lê Xuân Vị, mô hình quản lý sâu keo mùa thu bằng các giải pháp sinh học giúp giảm 70 - 80% lượng sâu so với mô hình đối chứng không sử dụng thuốc và tương đương với mô hình dùng thuốc BVTV hóa học nhưng số lần phun ít hơn (sử dụng thuốc BVTV hóa học phun 4 - 5 lần, trong khi dùng thuốc BVTV sinh học chỉ cần phun 2 - 3 lần). Nhờ đó, giảm được công lao động, an toàn với sức khỏe con người, bảo vệ được các loài thiên địch trên đồng ruộng. Hiệu quả kinh tế so với mô hình đối chứng và phương pháp canh tác truyền thống của người dân tăng khoảng 30%.

Chuyên gia đến từ các nước chia sẻ kinh nghiệm quản lý sâu keo mùa thu. Ảnh: Trung Quân.

Chuyên gia đến từ các nước chia sẻ kinh nghiệm quản lý sâu keo mùa thu. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, để nhân rộng được phương pháp này, phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về đặc tính và lợi ích khi sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc BVTV hóa học và kiên trì tuân thủ các kỹ thuật canh tác khác. Bởi lẽ, hiệu lực, hiệu quả của thuốc BVTV sinh học sẽ nhận thấy chậm hơn so với hóa học, nếu nóng vội chắc chắn sẽ không thực hiện được.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, việc tăng cường sử dụng các giải pháp sinh học trong quản lý sâu keo mùa thu là hướng đi hoàn toàn phù hợp với định hướng và các đề án, chương trình hành động lớn mà Bộ NN-PTNT Việt Nam đang triển khai (áp dụng IPHM; tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; tăng cường sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; dinh dưỡng cây trồng và sức khỏe đất).

Theo ông Nguyễn Quý Dương, hiện nay có nhiều biện pháp quản lý sâu keo mùa thu đang được áp dụng, tuy nhiên cần sớm thống nhất và đưa ra được biện pháp vừa hiệu quả vừa có chi phí thấp nhất, nông dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng thì khả năng nhân rộng mới cao.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất