| Hotline: 0983.970.780

Vải sớm Phù Cừ

Thứ Năm 28/05/2020 , 10:35 (GMT+7)

Nông dân các xã ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đang tấp nập thu hoạch vải chín sớm, được mùa, được giá nên họ rất phấn khởi.

Thương lái nhiều nơi hối hả tới thu mua vải sớm. Ảnh: Hưng Giang.

Thương lái nhiều nơi hối hả tới thu mua vải sớm. Ảnh: Hưng Giang.

Năm nay, do thời tiết khá thuận lợi nên nhiều diện tích trồng vải ở huyện Phù Cừ rất sai quả, dự kiến cho sản lượng đạt gần 9.000 tấn, cao hơn so với năm ngoái. Những ngày này, nông dân các xã đang khẩn trương thu hoạch.

Vải lai chín sớm được trồng tập trung ở các xã Tam Đa, Tiên Tiến… Anh Nguyễn Tiến Thiều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi ở xã Tam Đa cho biết: Diện tích vải năm nay là 220ha trong đó có 170ha cho thu hoạch. HTX đang có 70ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến năm nay sản lượng thu hoạch khoảng 2.500 tấn.

Anh Thiều cho biết: Năm nay vải quả to, mẫu mã đẹp, không sâu đầu, mặc dù đầu vụ nhưng ăn không bị chát, kể cả những quả còn xanh. Ảnh: Hưng Giang.

Anh Thiều cho biết: Năm nay vải quả to, mẫu mã đẹp, không sâu đầu, mặc dù đầu vụ nhưng ăn không bị chát, kể cả những quả còn xanh. Ảnh: Hưng Giang.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ, hiện nay, diện tích vải của toàn huyện là 836ha, trong đó, vải lai chín sớm 726ha, vải u trứng 110ha. Đến nay đã có 105,7 ha vải được sản xuất chứng nhận VietGAP (10 ha vải trứng của HTX Nông nghiệp Quyết Tiến, xã Phan Sào Nam, 25,7 ha vải lai chín sớm của HTXNN Minh Tiến, 70 ha vải lai chín sớm của HTXNN Thắng Lợi, xã Tam Đa. Các HTX tiếp tục tiến hành rà soát, đề nghị hỗ trợ mở rộng vùng vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Chị Hoàng Thị Hương, một trong những hộ thành viên của HTX cho biết: “Hiện nay quả vải đầu vụ được thương lái mua với giá 20.000 – 22.000 đồng/kg. Nếu duy trì mức giá trên 20.000 đồng/kg đến cuối vụ, mỗi sào vải năm nay sẽ cho thu lãi trên 5 triệu đồng”.

Bên cạnh vải lai chín sớm, vải u trứng cũng được dự báo sẽ khan hiếm và tăng giá.

Cùng với thời gian thu hoạch sớm, ưu thế vượt trội của vải trứng là khi chín, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát, quả to như quả trứng gà, trọng lượng mỗi kg từ 20 - 22 quả.

Do vậy vải trứng hiện được bán tại vườn với mức trung bình 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với vải lai chín sớm và sản lượng không đủ để bán.

Giống vải trứng được trồng khởi điểm tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ), với cây vải gốc khoảng 150 tuổi, do cụ Nguyễn Văn Diệm (ông nội ông Vì) trồng.

Do hợp thổ nhưỡng, nên cây vải này năm nào cũng cho quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm đặc biệt khác hẳn các loại vải khác.

Năm 2018, xã Phan Sào Nam thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến nhằm bảo tồn và phát triển giống vải quý này.

Theo ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến và nhiều hộ dân trồng vải ở xã Phan Sào Nam, năm nay vải u trứng được mùa. Vải u trứng khi thu hoạch để ngoài tự nhiên từ 3 - 4 ngày vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị.

Do chất lượng tốt nên toàn bộ diện tích được khách hàng đặt mua tại vườn ngay từ đầu vụ. Một cây vải xòe tán chiếm diện tích 50 m2, cho năng suất từ 3 - 4 tạ quả mỗi vụ, trị giá 20 triệu đồng. Theo đó, mỗi ha canh tác đạt trên 500 triệu đồng/năm.

Vải trứng khi chín có vỏ mỏng, màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát, quả to như trứng gà, trọng lượng mỗi kg từ 20 - 22 quả. Ảnh: Hưng Giang.

Vải trứng khi chín có vỏ mỏng, màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát, quả to như trứng gà, trọng lượng mỗi kg từ 20 - 22 quả. Ảnh: Hưng Giang.

Ông Quyết thông tin thêm, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cán bộ Trạm Khuyến nông huyện mà các thành viên trong HTX nắm được kỹ thuật và cách xử lý hiệu quả nhiều sâu bệnh, ra hoa, đậu quả… Bà con kỹ thuật thâm canh càng ngày càng cao, xử lý sâu bệnh triệt để… Vải trứng là loại cây khó tính đòi hỏi chăm sóc kỳ công nhưng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần vải bình thường.

Thông thường, cây cho thu hoạch cách năm, tức là 1 năm được mùa sẽ xen 1 năm mất mùa. Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng vải theo quy trình VietGAP, nhiều hộ trồng vải trứng đã khắc phục được hạn chế này để vải ra hoa đều hàng năm.

Nằm giáp xã Phan Sào Nam, gia đình ông Đoàn Văn Hiểu là một trong những hộ thành viên của HTX ở thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc (Ân Thi) hiện có 24 cây vải trứng đang cho thu hoạch.

Ông Hiểu cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi, sản lượng vải trứng của gia đình tôi ước đạt 2,5 tấn, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Do số lượng không nhiều nên hàng năm, thương lái đếu đến tận vườn đặt mua trước. Tôi cũng sẽ tiến hành ghép mắt thay thế toàn bộ 2,5 mẫu vải lai chín sớm sang vải trứng để nâng cao giá trị kinh tế”.

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam cho biết: “Hiện toàn xã có trên 200 hộ trồng vải trứng với khoảng 78ha, tập trung chủ yếu ở thôn Ba Đông. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng năm nay ước đạt từ 20 - 25 tấn.

Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi diện tích cấy lúa, rau màu, cây ăn quả khác kém hiệu quả sang trồng vải trứng. 

Ông Quyết cho biết: Vải u trứng khi thu hoạch để ngoài tự nhiên từ 3 - 4 ngày vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị. Do chất lượng tốt nên toàn bộ diện tích được khách hàng đặt mua tại vườn ngay từ đầu vụ. Ảnh: Hưng Giang.

Ông Quyết cho biết: Vải u trứng khi thu hoạch để ngoài tự nhiên từ 3 - 4 ngày vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị. Do chất lượng tốt nên toàn bộ diện tích được khách hàng đặt mua tại vườn ngay từ đầu vụ. Ảnh: Hưng Giang.

Năm nay, thời tiết thuận lợi và bà con đã có kinh nghiệm thâm canh giống vải trứng nên sản lượng đạt khoảng 50 tấn, cao hơn năm trước. Vải trứng là giống vải đặc sản của địa phương với mẫu mã, chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2 - 3 lần so với vải lai chín sớm.

Huyện Phù Cừ đã có kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2020, sẽ mở rộng thêm 85,4ha vải trứng, tập trung ở các xã: Phan Sào Nam, Minh Tân, Quang Hưng, Đoàn Đào, Minh Hoàng, thị trấn Trần Cao để phát triển diện tích cây vải trứng theo hướng hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa.

Ngày 22/5/2020, tại xã Phan Sào Nam (huyện Phù Cừ), tỉnh Hưng Yên đã công bố chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm "Vải trứng Hưng Yên". Đây là nông sản thứ 19 của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Đây cũng là thành công của dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm "Vải trứng Hưng Yên" triển khai tại huyện Phù Cừ, do Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt thực hiện trong năm 2019.

Dự án nhằm mục tiêu là đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu, hoàn thiện các công cụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng công cụ quảng bá, giới thiệu phát triển sản phẩm tạo tiền đề cho quả vải trứng Hưng Yên phát triển đúng với tiềm năng và thế mạnh vốn có.

HTX nông nghiệp Quyết Tiến (xã Phan Sào Nam) là đơn vị được quyền sử dụng mã số cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Vải trứng Hưng Yên”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm