Hơn 15 năm được đưa về hòa nhập với thế giới văn minh, người Chứt vẫn còn giữ khá nhiều phong tục của đồng bào mình nhưng cuộc sống và nhận thức đã có nhiều thay đổi.
“Lên đời” nhà mới
Trở lại bản Rào Tre thời gian này, chúng tôi thoáng ngạc nhiên trước những con đường bê tông sạch sẽ, thoáng đãng, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, khá khang trang. Chỉ cách đây mấy năm, để vào được bản Rào Tre phải “vã mồ hôi” vượt qua con đường lầy lội bùn đất, bụi mù mịt. Anh Nguyễn Văn Ngọc, cán bộ cắm bản phấn khởi: “Bản Rào Tre có được cuộc sống hôm nay chính là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và cả những nỗ lực của đồng bào Chứt nữa”.
Mâm cơm về nhà mới của bà Hồ Thị Nam |
Ghé vào ngôi nhà ngay ở đầu bản của bà Hồ Thị Nam đúng lúc bà Nam đang nhờ thầy về làm lễ vào nhà mới. Ngôi nhà thiết kế theo kiểu tránh lũ, cao hơn mặt đất gần 2m. Tầng trên được lát sàn gỗ với một gian để ngủ, một gian rộng rãi làm nơi sinh hoạt chung cho cả gia đình. Lễ vào nhà mới có đủ thịt gà, cá, xôi, rượu, trầu cau…
Thấy có khách, bà Nam vui vẻ mời chúng tôi ngồi xuống cùng chung vui. Bà phấn khởi: “Năm 2001, bà con được BĐBP đưa về bản Rào Tre dựng nhà cho ở. Vì nhà đã rách nát, xuống cấp rồi nên gia đình tôi được chính quyền ưu tiên xây nhà xi măng trước. Trong mơ, tôi cũng không nghĩ cuộc đời mình lại được ở trong ngôi nhà xây đẹp đẽ như thế này. Có nhà mới tôi không phải thấp thỏm lo kê đồ đạc, thóc lúa lên cao mùa mưa bão nữa”.
Ngoài gia đình bà Hồ Thị Nam được “lên đời” nhà mới còn có 5 hộ khác cũng được khởi công xây dựng vào tháng 2/2017. Đồn Biên phòng Bản Giàng đã cử 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Đội công trình của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh triển khai. Sau bốn tháng khẩn trương xây dựng, những ngôi nhà xây kiên cố đã bàn giao cho các hộ dân bản Rào Tre.
Ngôi nhà xây được thiết kế theo kiểu chống lũ cho bà con người Chứt |
Theo Trung tá Nguyễn Quốc Phú – Tổ trưởng tổ công tác bản Rào Tre, Đồn biên phòng 575 (BĐBP Hà Tĩnh): “Có 6 ngôi nhà được xây dựng để ưu tiên dành cho những gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhà cửa bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Trị giá mỗi căn khoảng 100 triệu đồng, trong đó, 50% kinh phí trích từ nguồn Quỹ cứu trợ của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, số tiền còn lại do BĐBP tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ và đóng góp ngày công”.
Nới dần hôn nhân cận huyết
Trong văn hóa hôn nhân của người Chứt, bó củi được xem là một vật rất thiêng liêng, đây cũng là một nét văn hóa rất riêng, mang đậm chất núi rừng của tộc người Chứt. Khi chàng trai “ưng” gái bản phải vào rừng chặt một bó củi, bó lại gọn gàng đến đặt trước cửa nhà cô gái.
Nếu sáng hôm sau chàng trai thấy bó củi vẫn để nguyên thì mang bó củi về chờ dịp tìm hiểu và cầu hôn người con gái khác. Và ngược lại, nếu gia đình cô gái đồng ý lời cầu hôn đó thì sẽ mang bó củi vào nhà bếp. Sau khi được nhà gái đồng ý, chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ sang đặt vấn đề với nhà gái để đưa vợ về. Từ đó người con trai được đến ăn ở như vợ chồng với cô gái cho dù chưa tiến hành lễ cưới hỏi.
Chính bỏ củi đã “dẫn đường” cho biết bao cặp vợ chồng cậu lấy cháu, con chú lấy con bác, con cô lấy con cậu… Người Chứt đối mặt với nguy cơ suy thoái giống nòi, con cái sinh ra bị dị dạng, dị tật, chết non...
Cặp vợ chồng sơn nữ Hồ Thị Mỹ Duyên và chàng trai Nguyễn Đình Nhân đã có bé gái kháu khỉnh |
Để xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, BĐBP cùng chính quyền đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tuyên truyền nhưng vẫn không hiệu quả. Đến năm 2015, điều kỳ diệu đã xảy ra khi lần đầu tiên có hai sơn nữ người Chứt kết hôn với hai chàng trai người Kinh.
Ngày 7/4/2015, đám cưới của Hồ Thanh Mai (dân tộc Chứt) với chàng trai Lê Xuân Công (người Kinh) được mọi người gọi là “sự kiện lịch sử” của bản Rào Tre. Năm tháng sau, đồng bào Chứt tiếp tục tổ chức lễ thành hôn cho Hồ Thị Mỹ Duyên (người Chứt) và chàng trai Nguyễn Đình Nhân (người Kinh). Hiện nay, hai cặp vợ chồng đều đã có những đứa con rất kháu khỉnh, đáng yêu.
Tính đến nay, đồng bào Chứt đã tổ chức 5 đám cưới theo nếp sống mới, trong đó có 3 đám cưới giữa các cặp đôi dân tộc Chứt với dân tộc Kinh và hai đám cưới của hai cặp đôi dân tộc Chứt và dân tộc Rục ở Quảng Bình. Ðó là kết quả ban đầu, mở lối cho những nỗ lực xóa hôn nhân cận huyết thống của người Chứt ở bản Rào Tre.
Tuy nhiên chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên không khỏi lo lắng: "Việc xóa hôn nhân cận huyết cho đồng bào Chứt bước đầu đã có những kết quả đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Tính trong độ tuổi kết hôn hiện nay người Chứt có 14 nam thì chỉ có 1 nữ, sự chênh lệch giới tính đang ở mức báo động. Trong khi đó, nỗ lực kiếm vợ người Kinh của các chàng trai dân tộc Chứt cũng không dễ. Nhiều khi các chàng trai dù đã “ưng bụng” cô gái người Kinh nhưng họ cũng rất khó mở lời”.
Đổi thay cuộc sống
Khu đất rừng hơn 3,2ha dưới chân dãy núi Cà Đay, mấy năm trước còn bỏ hoang, nhưng nay đã có hơn 1.500 gốc cây chuối cao sản cùng với cây gió trầm, keo tràm, mít, sắn, bắp… Toàn bộ diện tích lúa trong bản được bà con gieo cấy đang ở thời kỳ trổ bông, xanh mướt. Anh Hồ Hải phấn khởi khoe: “Mấy năm trước, nhờ có BĐBP động viên, hướng dẫn nên bà con dân bản mới cày cấy, trồng lúa, bón phân... Giờ thì bà con có thể tự làm được rồi”.
Bản Rào Tre hôm nay |
Ngồi bên cạnh, chị Hồ Thị Lan vui vẻ: “Nhà tôi cấy 2 sào ruộng, mỗi sào thu được khoảng 2,5 tạ, cả nhà đủ ăn cả năm. Được các chú bộ đội hướng dẫn, vợ chồng cũng trồng được một ít cây tràm trên đất rừng và cho thu hoạch một lứa rồi. Hàng ngày tôi ở nhà chăm con nhỏ, chồng vào rừng lấy lá tro về bán nên nhà khi nào cũng có lúa, có gạo và có thức ăn”.
Không chỉ bắt đầu biết tích lũy kinh tế từ việc sản xuất lúa, nuôi heo, trâu, gà, trồng cây, rau màu… mới đây, gần 40 người Chứt còn học nghề mây tre đan. Sau đó người Chứt sẽ tự sản xuất được các mặt hàng phục vụ sinh hoạt gia đình như, rổ, rá, nong, nia, thúng, chổi đót..., như vậy người Chứt sẽ có thêm công ăn việc làm tại chỗ, xóa đói giảm nghèo…
Theo ông Sánh, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế cho người dân tộc Chứt tại bản Rào Tre. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Đề án “Phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) đến năm 2020”.
Mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ gia đình tại bản Rào Tre có kinh tế vườn hộ, bình quân mỗi hộ có 1 - 2 ha đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh, có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; dân bản tự tổ chức sản xuất và tự túc được lương thực. Tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu giảm xuống bằng mức bình quân chung của tỉnh. 100% dân số được sử dụng nước sạch sinh hoạt; 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống...
Đàn ông bản Rào Tre lên rừng kiếm thêm thu nhập |
Bản Rào Tre có 41 hộ dân với 145 nhân khẩu, trước đây, người Chứt sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao huyện Hương Khê, từ năm 2001, được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phát hiện và đưa về định cư tại bản Rào Tre. Từ đó, BĐBP cùng chính quyền địa phương tích cực trong việc tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu, dạy chữ, hướng dẫn đồng bào biết cách cày, cấy trồng cây lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm... |