| Hotline: 0983.970.780

Trồng 1 tỷ cây xanh - Hành động cho tương lai

'Vạn Lý Trường Thành xanh' ở Trung Quốc

Thứ Ba 06/04/2021 , 12:35 (GMT+7)

Dù phát triển nóng vội, nhưng không thể phủ nhận thành công của chiến dịch 'Vạn Lý Trường Thành xanh' ở khu vực sa mạc khô cằn nhất thế giới Gobi.

Bão cát tràn vào Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: ABC News.

Bão cát tràn vào Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: ABC News.

Khoảng một phần tư diện tích Trung Quốc là sa mạc. Diện tích đất canh tác ở nước này chỉ chiếm khoảng 12%. Điều đáng nói, diện tích sa mạc tại quốc gia tỷ dân không ngừng tăng lên những năm qua. Theo những chuyên gia địa chất nước này, sa mạc có thể xâm lấn tới 300.000 ha mỗi năm.

Bên cạnh kiểm soát dân số, chống sa mạc hóa cũng là vấn đề cấp bách hàng đầu tại Trung Quốc, nhất là tại khu vực phía Bắc, nơi có sa mạc khô cằn bậc nhất thế giới Gobi, vốn là biên giới tự nhiên với Mông Cổ.

Từ năm 1978, Chính phủ Trung Quốc đề ra kế hoạch “Vạn Lý Trường Thành xanh”, với trọng tâm là xây dựng một bức tường cây, có chiều rộng 50m và chiều dài khoảng 4.500km, nhằm tăng độ che phủ của rừng từ 5% lên 15% tại phía Bắc. Khi thành hình, nó sẽ thành một bức tường sống chạy dọc theo sa mạc Gobi.

Dù phải tới 2050 chương trình này mới kết thúc, những kết quả ban đầu được ghi nhận. Độ che phủ rừng ở phía Bắc đã tăng lên 13,5%. 13 triệu ha cây xanh đã được trồng, đảm bảo nơi tránh gió cho một khu vực có diện tích ngang ngửa nước Hy Lạp. Khi hoàn thành, khu tránh gió và bão cát này có thể gần ngang diện tích nước Ý.

Tại những nơi rừng phát triển, lượng mưa, thảm thực vật tăng theo mức lũy tiến. Nhờ hệ sinh thái mới này, đất đã có thể chứa nước mưa và hình thành nên những dòng suối giữa lòng sa mạc. Ở những nơi trước đây vô cùng khô cằn, giờ đã thành công viên, chẳng hạn Rừng Quốc gia Saihanba, một điểm hút du lịch chính của miền Bắc Trung Quốc.

Chuyên gia môi trường kiêm nhà báo Vince Beiser, khi tới nghiên cứu thực vật ở “Vạn Lý Trường Thành xanh”, xác nhận rằng, sa mạc hóa có dấu hiệu ngừng lại. “Tốc độ trồng rừng đang nhanh hơn đáng kể tốc độ sa mạc hóa. Giờ chuyện chạy xe giữa sa mạc, xen giữa các hàng cây, đã không còn là viễn tưởng”, ông nói.

Đội ngũ những người làm việc để chống lại sa mạc hóa tại Trung Quốc. Ảnh: ABC News.

Đội ngũ những người làm việc để chống lại sa mạc hóa tại Trung Quốc. Ảnh: ABC News.

Để hoàn thành “Vạn Lý Trường Thành xanh”, hàng chục nghìn công nhân trên khắp Trung Quốc được huy động về khu sa mạc khô cằn. Họ cần trồng đủ 88 tỷ cây xanh đến hết năm 2050. Trong giai đoạn đầu, công nhân sẽ trồng cỏ hoặc cây đặc trưng của khu vực. Bước thứ hai, họ trồng cây bụi có khả năng chống chịu khô hạn, chẳng hạn như cây bông vải. Tại những nơi quá khắc nghiệt, hạt giống sẽ được ném từ máy bay.

“Một trong những địa điểm làm tôi bất ngờ nhất là ở Khố Bố Kỳ, trong khu tự trị Nội Mông. Người Trung Quốc đã xây được một con đường mới toanh xuyên qua sa mạc, kéo dài hàng trăm km. Cảnh tượng tại đó thật kỳ ảo. Phía sau tôi là hằng hà sa cây xanh, bóng mát, nhưng phía trước lại là mênh mông cát trắng”, Beiser kể tiếp.

Hiện tượng sa mạc hóa xảy ra tự nhiên từ hàng trăm qua, không chỉ tại những sa mạc rộng lớn như Gobi, mà còn ở cả các khu sát rìa đồng bằng phía Đông. Nguyên do bởi các hoạt động khai thác gỗ và nông nghiệp thiếu thận trọng. Không có thảm thực vật và rừng che phủ, những cơn bão cát ngày càng trở nên thường xuyên và khó đoán định. Quãng đường di chuyển của chúng cũng ngày một dài, có thể tới cả trăm km.

Một công nhân Trung Quốc kiểm tra khu cây xanh mới trồng tại 'Vạn Lý Trường Thành xanh'. Ảnh: ABC News.

Một công nhân Trung Quốc kiểm tra khu cây xanh mới trồng tại 'Vạn Lý Trường Thành xanh". Ảnh: ABC News.

Là người từng tận mắt thấy những biến đổi ở vùng “Vạn Lý Trường Thành xanh” đi qua, ông Thiaw, một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc coi Trung Quốc, Ấn Độ đang là những nước đi đầu trong cuộc chiến khó khăn này. “Giống như biến đổi khí hậu, các hoạt động của con người là một trong những nguyên nhân chính gây ra suy thoái đất. Đã tới lúc, các nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng và tốc độ phát triển đô thị, sao cho phù hợp với cảnh quan môi trường”, Thiaw kêu gọi.

Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, chẳng hạn việc lựa chọn cây trồng chủ yếu bằng phương pháp độc canh, khiến các khu rừng dễ bị sâu bệnh tấn công, các tổ chức như Liên hợp quốc hay FAO vẫn đề cao kế hoạch “Vạn Lý Trường Thành xanh”. Đây có thể không phải một chiến dịch hoàn hảo, nhưng rõ ràng Trung Quốc đã trồng nhiều cây xanh hơn cả phần còn lại của thế giới. Rõ ràng, “Vạn Lý Trường Thành xanh” chạy dọc sa mạc Gobi là khu rừng nhân tạo lớn nhất trên Trái đất.

Ibrahim Thiaw, quan chức cấp cao của Liên hợp quốc, kêu gọi các nước cần hành động ngay để ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa. Bởi ông cho rằng, nhân loại chỉ có một khoảng thời gian ngắn, từ 10 đến 15 năm để giảm áp lực và đảo ngược xu hướng. Những yếu tố về công nghệ, kỹ thuật giờ đều được đáp ứng. Thứ còn thiếu, có lẽ là những chính sách tầm vĩ mô của các quốc gia. Công chúng và lãnh đạo các nước cần ý thức chính xác và rõ ràng trách nhiệm của mình.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.