| Hotline: 0983.970.780

Vấn nạn tận diệt thủy sản: [Bài 4] Giúp ngư dân thoát 'đêm ngắm trăng, ngày hóng gió'

Thứ Bảy 23/03/2024 , 16:30 (GMT+7)

Nhờ chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển nghề, người dân mưu sinh trên hồ Trị An đã tích cực chuyển sang khai thác thủy sản bằng các loại ngư cụ hợp pháp.

Trước đây, những chiếc ghe nhủi hoạt động chật kín trên sông La Ngà. Ảnh: Trần Trung.

Trước đây, những chiếc ghe nhủi hoạt động chật kín trên sông La Ngà. Ảnh: Trần Trung.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề

Là một tỉnh không giáp biển nhưng Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi về nguồn lợi thủy sinh vật đa dạng trên các lưu vực sông, hồ chứa với nhiều loài có giá trị khoa học, giá trị kinh tế cao.

Đơn cử, Hồ Trị An là một trong những hồ được biết đến là hồ nhân tạo lớn nhất, nhì Việt Nam. Với diện tích mặt hồ lên đến hơn 320km2, hồ Trị An là nơi trú ngụ của hơn 100 loài cá lớn, nhỏ. Trong đó, nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như lăng, leo, chép, lóc, trèn, kìm, bống cát, mè vinh, mè hoa, trạch... Ngoài ra, hồ còn có các loài cá quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam gồm ét mọi, còm, trèn bầu, sơn đài, trà sóc, chiên, ngựa xám.

Thời gian trước đây, tình trạng đánh bắt, khai thác theo kiểu tận diệt nguồn thủy sản trên địa bàn Đồng Nai nói chung, hồ Trị An nói riêng rất đáng báo động.

Theo chính quyền địa phương, tại khu vực lòng hồ Trị An, có khoảng hơn 1.000 hộ, với 5.000 nhân khẩu đang sinh sống trên bè, tham gia đánh bắt thủy sản. Trong đó, Việt kiều Campuchia chiếm tỷ lệ rất đông. Việc ngư dân sử dụng các phương tiện và ngư cụ cấm như te, đáy, lồng xếp, đăng và các ngư cụ có sử dụng điện đã tồn tại từ lâu. Để giải quyết gốc rễ vấn nạn trên, với phương châm giúp người dân có sinh kế mới, từng bước chấm dứt khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều chính sách hiệu quả.

Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai cùng kiểm lâm địa phương vận động người dân ký cam kết không sử dụng các ngư cụ cấm. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai cùng kiểm lâm địa phương vận động người dân ký cam kết không sử dụng các ngư cụ cấm. Ảnh: Trần Trung.

Để thực hiện Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT “Hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều quyết định nhằm hướng dẫn lộ trình chuyển đổi các loại nghề cấm khai thác thủy sản trên địa bàn, tiến tới cấm hoàn toàn thực trạng trên.

Theo đó, để hiện thực hóa quyết tâm của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Đồng Nai, các địa phương đã rất nỗ lực vận động ngư dân giao nộp, đồng thời cấp kinh phí hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương được quy định cụ thể: Ngư cụ te là 14 triệu đồng/ngư dân; ngư cụ đăng là 17,5 triệu đồng/ngư dân; ngư cụ lồng xếp (lợp xếp) là 35 triệu đồng/ngư dân và ngư cụ đáy là 40 triệu đồng/ngư dân. Đây là cách làm tuy không mới nhưng từng bước giúp ngư dân thoát cảnh “đêm ngắm trăng, ngày hóng gió” để con thuyền và cuộc mưu sinh của họ bớt chao đảo, tròng trành.

Ngư dân huyện Định Quán phấn khởi nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ảnh: Trần Trung.

Ngư dân huyện Định Quán phấn khởi nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề. Ảnh: Trần Trung.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tính từ cuối năm 2023 đến nay, Sở đã phối hợp với các địa phương thực hiện chi trả hỗ trợ 307 ngư dân chuyển đổi nghề với tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng. Trong đó, huyện Định Quán chi trả cho 194 hộ, huyện Vĩnh Cửu có 49 hộ, huyện Nhơn Trạch có 64 hộ. Từ nguồn hỗ trợ thiết thực của địa phương, ngư dân rất phấn khởi.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra về chấp hành quy định cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Trong năm, các lực lượng chức năng đã tiến hành 34 đợt kiểm tra, kết quả đã lập biên bản, xử lý 23 trường hợp với tổng số tiền 276,5 triệu đồng; hoàn thành kế hoạch lấy mẫu quan trắc môi trường nuôi thủy sản.

Ngư dân ổn định cuộc sống

Là một trong những hộ chuyên làm nghề te trên sông La Ngà, dưới sự tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền địa phương, sau khi được nhận tiền hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Khiêm (ngụ xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) quyết định phá dỡ toàn bộ trang thiết bị trên te trị giá hàng chục triệu đồng để chuyển đổi nghề.

“Cuộc đời gắn bó với sông nước, tuy thu nhập giảm sút rất nhiều so với trước nhưng đổi lại tôi không cần phải nghĩ trăm phương nghìn kế để qua mắt lực lượng chức năng như thời còn sử dụng te; đồng thời không còn bị ngư dân chân chính kỳ thị”, ông nói.

Những bến, bãi đậu dày đặc những chiếc ghe nhủi nay đã được thay thế bằng những lồng, bè nuôi cá. Ảnh: Trần Trung.

Những bến, bãi đậu dày đặc những chiếc ghe nhủi nay đã được thay thế bằng những lồng, bè nuôi cá. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, dưới sự vận động hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ngay từ rất sớm, thay vì khai thác tận diệt, anh Nguyễn Văn Nhì Anh đã chuyển sang nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà, vừa giúp bảo tồn các loài cá đặc sản vừa phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, bên cạnh cá diêu hồng, cá lăng là loại cá đặc sản nơi đây được nhiều bà con chọn nuôi kết hợp. Cá lăng tuy có thời gian nuôi lâu, kéo dài từ 2-3 năm nhưng ăn tạp, có thể tận dụng cá tạp sẵn có, người nuôi chỉ cần bỏ công chăm sóc là thu lời.

“Hiện tôi gầy dựng được hơn 20 lồng bè chăn nuôi kết hợp, mỗi lồng bè có diện tích trung bình 35m2, cá nuôi trong lồng có nhiều ưu điểm, dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập. Ngoài ra, nhờ nước chảy, lượng oxy trong nước cao giúp cá lồng sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, bình quân lợi nhận trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. So với khai thác tận diệt như trước đây thì nuôi cá lồng bè nhàn và có thể kê cao gối ngủ”, anh Nhì Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó phòng NN-PTNT huyện Định Quán, phấn khởi cho biết thêm: “Từ những hộ dám thay đổi như ông Khiêm, anh Nhì Anh, giờ đây, ở khu vực cầu La Ngà, những bến, bãi đậu dày đặc những chiếc ghe nhủi đã được thay thế bằng những lồng bè nuôi cá cùng những chiếc ghe chở các lợp tép, lưới truyền thống ngược xuôi đi giăng câu. Điều này cho thấy chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề đã từng bước đi vào cuộc sống”.

Nuôi cá lồng bè là một trong những hướng đi hiệu quả sau khi người dân nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: Trần Trung.

Nuôi cá lồng bè là một trong những hướng đi hiệu quả sau khi người dân nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, nhiều năm qua, ngành thủy sản tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các lĩnh vực khác. Để bảo vệ và phát triển ngành, tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi đối với các ngành nghề bị cấm nhằm khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề dần ổn định cuộc sống, đảm bảo sinh kế và lợi ích kinh tế bền vững.

“Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn và chính quyền các cấp, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần thiết phải có sự hợp tác, chung tay của người dân. Bởi thực tế, việc bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản chính là giúp người dân đảm bảo sinh kế và phát triển kinh tế bền vững từ hành động cụ thể của mình”, ông Trần Lâm Sinh chia sẻ.

Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm