| Hotline: 0983.970.780

Vào mùa thu hoạch dong riềng

Thứ Hai 30/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Về xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) thời điểm này, nông dân đang rộn ràng bước vào mùa thu hoạch củ dong riềng (còn gọi là củ đót) nguyên liệu chính sản xuất miến dong.

10-39-08_dt_28112019114_1x
Dong riềng năm nay được mùa được giá.

Bà con tất bật chặt cây, đào củ, đóng bao chờ xe đến thu mua. Năm nay, diện tích trồng dong riềng của xã đạt hơn 200 ha. Mùa thu hoạch củ dong riềng ở Cao Sơn bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc trước tết Nguyên đán.

Những năm gần đây, xã Cao Sơn đẩy mạnh chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Các xóm trồng nhiều dong riềng nhất là: Sèo, Sơn Phú, Nà Chiếu, Tằm. Đây là loài cây hợp vùng đất dốc và giải quyết tốt vấn đề lương thực.

Hiện, xã chủ yếu trồng giống dong riềng DR1. Đây là giống mới có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao trung bình, ít đổ, củ nạc, đồng đều, ruột trắng, phù hợp với điều kiện sinh thái nơi đây. Củ dong riềng có tỷ lệ tinh bột cao (13,5-16,4%), sử dụng để chế biến tinh bột, ăn tươi hoặc làm thức ăn gia súc. Chất lượng củ DR1 rất thích hợp cho yêu cầu chế biến tinh bột ẩm làm miến dong. Thời điểm thu hoạch vào áp tết, người trồng dong riềng phấn khởi bởi loại cây có củ này năm nay vừa được mùa, được giá.

Để cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn, chuyển giao KHKT phòng, chống sâu bệnh và chăm sóc cây trồng cho bà con. Cây phù hợp với đất núi nên phát triển tốt, cho năng suất cao, không mất nhiều công chăm sóc, sau 12 tháng cho thu hoạch, 1 ha thu được 70- 80 tấn củ tươi, với giá bán hiện nay 1.500- 1.700 đồng/kg cho thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Ngày mùa, tư thương đến tận xã thu mua về để sản xuất miến dong. Một số bà con trong xã tận dụng bã dong riềng sau khi lấy tinh bột để làm thức ăn cho trâu, bò. Hiện nay, dong riềng là một trong hai cây hàng hóa chủ lực, đóng góp quan trọng trong công tác giảm nghèo, phát triển KT-XH ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chuyền, xóm Sèo cho biết: Trồng cây dong riềng không tốn nhiều công chăm sóc, giống thì có sẵn từ mùa trước để lại, chỉ tốn công thuê người lúc thu hoạch. Hiện, củ dong riềng đang được thu mua với giá tăng gấp đôi so với năm ngoái, cộng với năm nay được mùa nên nông dân rất phấn khởi. Với diện tích khoảng 4.000m2 trồng dong riềng, gia đình dự kiến năm nay thu được 40- 50 tấn củ.

Bên cạnh những thuận lợi, việc trồng cây dong riềng ở xã Cao Sơn cũng còn gặp những khó khăn như giá bán hàng năm chưa ổn định; bà con chủ yếu bán củ dong riềng tươi cho thương lái mang đi các tỉnh miền xuôi tiêu thụ, chưa tự chế biến được ra sản phẩm tinh bột; tại địa phương có 1 cơ sở sản xuất miến dong Khương Thưởng nhưng quy mô còn nhỏ nên bao tiêu sản phẩm cho người dân còn ít (mỗi năm tiêu thụ khoảng 2.000 tấn củ, trong khi số lượng dong riềng của người dân làm ra khoảng 4.000- 5.000 tấn).

Vì vậy chính quyền và người dân địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ hơn nữa; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy, xưởng bảo quản, chế biến dong riềng để tiêu thu ổn định sản phẩm đầu ra cho người dân.

Ông Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Cây dong riềng được coi là một trong những cây trồng mũi nhọn đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con. Có những thời điểm, người dân coi dong riềng không chỉ là cây giảm nghèo mà còn giúp họ làm giàu. Trong thời gian tới, xã sẽ phát triển ổn định diện tích cây dong riềng. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hiện cơ sở sản xuất miến dong Khương Thưởng đăng ký là sản phẩm OCOP của địa phương.

(Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình)

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.