| Hotline: 0983.970.780

Vào rừng dẻ khổng lồ nhặt hạt dẻ tí hon thơm ngon đệ nhất

Thứ Năm 22/10/2020 , 07:10 (GMT+7)

'Đã một lần ăn thứ hạt dẻ tí hon này thì mọi loại hạt dẻ to khác cũng chỉ ngang với hạt mít mà thôi'. Tôi không tin lời nói ấy cho đến một buổi…

Tuần tra trong rừng dẻ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuần tra trong rừng dẻ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mênh mang thu vàng

Giữa thu vàng tôi đi trong mênh mang rừng dẻ Lục Nam (Bắc Giang) rộng hàng ngàn ha vào mùa quả rụng, tự tay nhặt, đảo rang, nhẩn nhang cắn để cảm cái vị ngọt bùi, hương thơm dịu nhẹ giữa tiết trời se lạnh.

Cửa rừng chỉ cách nhà ông Trần Thế Mỹ ở thôn Trại Lán, xã Vô Tranh chừng đôi ba trăm mét. Vừa chạm mấy gốc dẻ xù xì con Mích đã chạy vượt lên phía trước rồi nằm phủ phục trên một tảng đá, ngoăn ngoắn đuôi đợi chủ.

Hễ ông Mỹ đi rừng là bao giờ con chó trung thành cũng lẽo đẽo bám theo như hình với bóng để bảo vệ, khi gặp rắn, chuột, cầy là nó sủa váng lên, chỉ chịu về cùng với chủ.

Điếu thuốc gắn trên môi ông Mỹ liên tục lập lòe, nhả ra những cụm khói tròn vo. Đó là cách ông xua muỗi còn bà vợ thì lúc nào cũng phải mang theo cái hương vòng để hễ ngồi đâu là cắm xuống bởi muỗi ở trong rừng mùa này nhiều còn hơn cả rắc trấu, chỉ cần ngưng tay đuổi là hàng chục con đã cắm phập ngòi vào khắp các chỗ hở, ấm nóng mùi người.

“Hú”, tiếng ông vang vọng đồi núi để giao tiếp với những vạt dẻ kế bên xem có ai cũng đang đi nhặt lộc của rừng như mình không.

Hút thuốc là cách để ông Mỹ tránh muỗi đốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hút thuốc là cách để ông Mỹ tránh muỗi đốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những cây dẻ tuổi đời 20 - 30 năm, thân phủ đầy địa y loang lổ chỗ đen chỗ trắng còn tán lá thì xanh thẫm như những nét cọ vẽ hằn vào triền núi.

Tuy nhà gần nhưng đôi vợ chồng già vẫn mang theo chai nước và vắt cơm để ăn luôn ở trong rừng, tranh thủ nhặt từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới chịu về. Khi còn trên cây được vỏ quả đầy gai sắc nhọn bao bọc nhưng rơi xuống phần lớn những hạt dẻ tí hon đã tách ra, nằm lăn lóc.

Dù trước đó rừng đã được dọn sạch cỏ lá nhưng vẫn cần những cặp mắt thật chuyên nghiệp mới có thể nhận ra đâu là hạt dẻ, đâu là đất bởi màu của chúng giống hệt nhau, chỉ khác mỗi điều hạt dẻ bóng còn hạt đất thì lì. Năm nay dẻ mất mùa, cây có, cây không, năng suất chỉ bằng cỡ phần ba năm ngoái.

Khác với kiểu dẻ Trùng Khánh hạt rất to, dẻ Lục Nam là loại dẻ thóc nhỏ chỉ cỡ đầu ngón tay út, khoảng 1.000 hạt mới được 1kg tương đương với 1.000 lần phải vươn tay ra mà nhặt. Sơ sẩy cái là bàn tay vương máu ngay bởi gai từ vỏ quả châm vào đau buốt tựa kim mà dùng găng thì lại không “thật tay” rất khó nhặt.

Mỏi chân, mỏi tay, mỏi lưng, mỏi mắt, mỗi ngày lao động cật lực họ có thể thu được cỡ 10 - 15kg. Với giá bán được như năm nay cũng chỉ 40.000 - 45.000 đồng/kg, nếu không tự nhặt thì chẳng chắc đã đủ công thuê.

Tuy vậy nhưng vợ chồng ông Mỹ cũng không dám phụ tình rừng dẻ bởi chỉ cần không đi nhặt một hôm ngày sau mưa to là trôi hết, mưa nhỏ là hạt nảy mầm.  

Xưa xóm có hơn 20 hộ thì chỉ có 4 hộ đủ ăn, còn lại là túng thiếu. Quãng đói kém những năm 80 của thế kỷ trước, dân làng đã từng chặt trụi những rừng dẻ để trồng sắn, trồng khoai đến tận năm 1993 giao đất, giao rừng mới để tái sinh, phục hồi cả thôn được chừng 40ha.

Gỗ dẻ giúp dân làm nhà, từ dui, hoành, kèo, quá giang, trụ chồng nóc đến xà ngang, xà dọc. Hạt dẻ tí hon giúp dân qua cơn khốn khó khi mỗi 1kg đổi được 1kg gạo hay dùng để chế biến đủ món từ rang, độn cơm, nấu xôi hay độc đáo nhất là nấu chè.

Những hạt dẻ lẫn vào với đất, rất khó nhận ra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những hạt dẻ lẫn vào với đất, rất khó nhận ra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc đó hạt dẻ nhiều đến mức để chất đống từng bao mà chẳng mấy ai hỏi mua nên ông Mỹ phải gò lưng đạp xe xuống mạn Sao Đỏ tỉnh Hải Dương hay mạn Đông Triều tỉnh Quảng Ninh để bán. Giờ tuy giá không được cao nhưng thương lái sục vào từng nhà mà vét.  

Cây dẻ thóc rất lạ, cùng một dãy núi, dãy đồi liền nhau nhưng chỗ thì mọc tươi tốt chỗ thì dù có trồng cũng không lên được như quả đồi trước mặt nhà ông Mỹ chẳng hạn.

Với 1,5ha chừng hơn 100 cây, năm nào nhiều ông thu hơn 1 tấn hạt nhưng giá bán chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg được đôi ba chục triệu, năm ít chỉ một hai tạ, giá bán có cao hơn 40.000 - 45.000 đồng/kg cũng chỉ được dăm bảy triệu.

So với trồng bạch đàn chu kỳ 4 năm thu 150 triệu/ ha, lãi 100 triệu thì thua xa nhưng ông bà vẫn thiết tha giữ rừng.

Quả dẻ lúc còn ở trên cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quả dẻ lúc còn ở trên cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vỏ quả có nhiều gai nên rất dễ đâm vào tay người nhặt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vỏ quả có nhiều gai nên rất dễ đâm vào tay người nhặt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngậm ngùi hạt dẻ vô danh

Cả miền Bắc giờ đây chỉ còn lại mỗi Lục Nam có rừng dẻ thóc diện tích tập trung cỡ lớn. Không chăm sóc, không phun thuốc nên hạt dẻ là thứ lâm sản tuyệt sạch, tuyệt ngon, chỉ có điều chẳng ai quảng bá nên vẫn “để hoang” thương hiệu.

Anh Nguyễn Đình Dũng - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Lục Nam cho tôi hay, mỗi ha rừng tự nhiên được hỗ trợ 300.000 đồng, huyện hỗ trợ thêm 200.000 đồng nếu đó là cây dẻ nhưng nó cũng chẳng thấm thía vào đâu so với hiệu quả kinh tế của rừng trồng.

Bởi thế mà diện tích hỗ trợ rừng dẻ Lục Nam cứ giảm dần theo từng năm, 2018 được 1.017ha, năm 2019 được 931ha… do một số hộ dân cố tình chặt phá để lấy đất trồng rừng kinh tế.

Anh Đặng Văn Thành - Phó Ban lâm nghiệp xã Nghĩa Phương - nơi có đến 512ha dẻ bảo với tôi rằng trước đây năm nào cũng có 3 - 4 vụ phá rừng như thế nhưng dân chỉ phát lấn, phát vén vài ba cây nên rất khó xử lý theo pháp luật.

Vài ba năm nay thì không còn hiện tượng đó vì công tác tuyên truyền, vì các thôn xóm đều xây dựng hương ước bảo vệ môi trường, tuy nhiên rừng dẻ vẫn chưa thể an toàn được.

Có lần anh Thành cùng với Bí thư xã đi thị sát rừng, ông Nguyễn Đình Quang - người có 3ha rừng trong đó 2ha rừng kinh tế, 1ha rừng dẻ tự nhiên được giao ngót 30 năm rồi, cây to như cổ thụ, bảo: “Bí thư ơi, rừng keo mỗi ha cho tôi thu nhập trung bình mỗi năm 30 triệu trong khi rừng dẻ chỉ được vài trăm ngàn, mua 1 - 2 đôi giày chưa đủ để đi rừng thì làm sao giữ được?”.

Ông Bí thư ngậm ngùi nhưng cũng chỉ biết động viên một hai câu suông rằng: “Thôi bác thông cảm, thực hiện cho đúng chính sách giữ rừng của Nhà nước”.

Vợ ông Mỹ với túi dẻ vừa nhặt được. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ ông Mỹ với túi dẻ vừa nhặt được. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giờ đây ở quê lớp trẻ đi công ty hết, đi nhặt chỉ toàn là người già, chỗ nào quả sai, tiện đường thì nhặt bán hay ăn chơi nên ước chừng 50% diện tích bị bỏ phí, hạt dẻ thóc cũng để mục thành đất.

Ngay như nhà anh Thành có hơn 2ha vụ này cũng không đi nhặt bởi con cái bận học hành, còn bỏ tiền ra thuê 300.000 đồng/ngày thì bán dẻ đi chưa chắc trả nổi một nửa.

Mọi năm các đầu mối thu mua trong xã cũng gom được 40 - 50 tấn hạt nhưng năm nay phần mất mùa sản lượng giảm 70 - 80%, phần chẳng mấy ai nhặt nên dự đoán sản lượng sẽ tụt giảm mạnh.

Trong cái bóng tối cuối đường hầm ấy bỗng lóe lên chút ánh sáng hi vọng, đó là một loại nấm dẻ đỏ ăn rất ngon, mọc rất nhiều dưới các gốc cây trong rừng nhà anh Nguyễn Đình Dự ở thôn Dốc Lỉnh, còn những rừng nhà khác thì lẻ tẻ hơn. Mỗi năm có hai mùa nấm dẻ đỏ, tháng 3 - 4 âm lịch đợt một, tháng 7 - 8 âm lịch đợt hai.

Tuổi thọ của chúng rất ngắn, sáng mọc tối tàn, khi hái phải nhẹ nhàng vì thân mỏng mảnh chạm mạnh vào là tan. Điều đặc biệt là loại nấm này rất kỵ hơi người nên khi hái không dám ngồi nếu không chỗ đó hôm sau nấm sẽ không mọc nữa. Nấm cũng rất kỵ lửa, chỉ một đám cháy từ việc dọn lá là cả mùa sau sẽ không thấy bóng dáng của chúng đâu.

Nấm dẻ đỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nấm dẻ đỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nấm dẻ đỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nấm dẻ đỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Loại nấm đặc biệt này hiện có giá hơn 100.000 đồng/kg mà không có để bán vì thương lái Trung Quốc thu mua rất rốt ráo. Nhờ nấm dẻ đỏ mà mỗi năm gia đình anh Dự đút túi nhẹ nhàng vài ba chục triệu, hiệu quả gấp cả chục lần so với nhặt hạt dẻ.

Tuy nhiên, khi người ta mang cả cây nấm còn nguyên bào tử đi nhờ một số đơn vị khoa học nuôi cấy mà chẳng thu được kết quả gì. Đến bây giờ loại nấm quý hiếm ấy vẫn còn là một ẩn số đầy bí hiểm của rừng dẻ Lục Nam.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.