Rừng dẻ thu tiền tỷ của anh Anh ở miền tây huyện Bố Trạch. Ảnh: Thanh Nga. |
Cách đây mấy chục năm, tuổi thanh niên mới lớn, anh Anh theo bố là ông Ngô Văn Lý lên vùng đồi miền tây huyện Bố Trạch để… giữ rừng. Đó là mấy quả đồi sát nhau với những cây bụi sim mua lúp xúp trên đất sỏi đá. Mỗi ngày, mấy cha con cứ phát cây dại, xới gốc cây dẻ, che rào những mầm cây để trâu, bò khỏi phá. Khi mọi người dân lên rừng chặt củi thì lại đến năn nỉ, động viên, xin xỏ người ta đừng chặt mầm dẻ. Thương tình mấy bố con đội mưa, đội nắng phục hồi rừng dẻ, mọi người nghe theo đi kiếm củi vùng đồi khác. Dần dần mấy năm sau, mấy quả đồi rộng hơn trăm ha dẻ phục hồi lên xanh và khép tán.
Đến bây giờ, mấy anh em anh Anh được bố chia cho sở hữu mỗi người hơn 20 ha rừng dẻ.
Chúng tôi theo vợ chồng anh Anh lên thăm rừng dẻ. Hàng ngàn cây dẻ cao lớn đứng san sát bên nhau. Theo vợ chồng anh Anh, rừng dẻ có nguồn thu quanh năm. Cây lớn thì bán gỗ, mùa cây dẻ rụng hạt thì lượm hạt, hết hạt thì bán củi…
Mấy năm gần đây, cây dẻ bán chạy lắm nhờ các doanh nghiệp mua đốt làm than hoạt tính. Giá bán là cứ mỗi tấn củi dẻ tươi là 1 triệu đồng. Thông thường, anh Anh chỉ chọn những cây cong, bị sồi bọng khó phát triển cây gỗ đẹp. “Nếu cắt tỉa 1 ha dẻ bán cho họ làm than hoạt tính thấp nhất cũng được 200 triệu đồng” - anh Anh cho biết.
Một góc rừng dẻ. Ảnh: Thanh Nga. |
Trên diện tích dẻ được khai thác, gia đình thuê người làm vệ sinh rừng, phát quang, đào hố để trồng keo. Những gốc dẻ được phục hồi cho lên khoảng 2-4 mầm dẻ. Khoảng 4 năm sau, cây keo đến kỳ khai thác thì lúc đó cây dẻ cũng bắt đầu khép tán. Khi đó, vừa bán keo và khai thác những mầm dẻ để bán củi hay làm cột chống. Còn chỉ chừa lại mỗi gốc 1-2 mầm lớn. Sau 5 năm nữa thì cây dẻ đã có thể khai thác được. Khai thác xong tiếp tục trồng lại keo tràm...
Nếu tính chu kỳ 10 năm, thu nhập từ bán gỗ, củi dẻ và keo tràm thì mỗi ha cũng được gần 500 triệu đồng. Chia ra trung bình mỗi ha cho thu hoạch khoảng 50 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, anh Anh cũng cho biết, chỉ đưa vào khai thác theo quy trình vừa nói ở trên chừng 10 ha. Diện tích còn lại vẫn giữ nguyên để phát triển theo những hướng trồng xen cây gỗ giống chất lượng cao như huỵnh, huê… Hơn 10 ha rừng anh đã cho trồng xen các loại cây gỗ quý này. Cây trồng đã được gần chục năm. Có cây khỏe đã cho đường kính trên 0,3 m. Khoảng vài chục năm nữa, rừng gỗ quý cho thu một khoản tiền vài chục tỷ đồng.
Lên rừng dẻ, anh Anh đến bên một cây lớn có đường kính gốc khoảng 0,3m. Gõ gõ vào thân cây, anh nói: "Cây ni cắt bán phần thân cho họ xẻ làm nhà cũng được hơn triệu đồng. Còn lại cành ngọn, bìa bán củi được năm bảy trăm nữa". Tôi hỏi: “Rừng dẻ của anh có được bao nhiêu cây dẻ lớn có giá như thế?” Anh đáp: “Khoảng hơn một nghìn cây”.
Vợ chồng anh Anh đi thăm rừng dẻ lớn. Ảnh: Thanh Nga. |
Dẫn chúng tôi đến một đồi dẻ khác, nơi đây cây dẻ còn đẹp hơn, dày đặc hơn, điều ấn tượng nữa là gió thổi lồng lộng và mát rượi. Anh nói rừng dẻ này không khai thác mà được giữ gìn để xây dựng thành nơi du lịch sinh thái. Anh đã đầu tư hơn trăm triệu đồng san ủi, làm đường lên rừng dẻ và ủi rộng nơi đoạn thấp tiếp giáp giữ hai ngọn đồi tạo nên một con đèo nhỏ.
Anh bảo: "Đây là đèo Gió. Dù trời có nực đến mấy thì lên đây gió thổi mát rượi. Đây cũng là một điểm nhấn cho du khách ngồi nghỉ ngơi, hóng gió sau khi đi tham quan rừng dẻ". Thật thú vị khi du khách đến đây để ngắm cây dẻ rừng hay ngắt những chùm hoa dẻ cài lên tóc nhau.
Đến mùa hạt, du khách vừa có thể thăm thú rừng vừa nhặt hạt dẻ rụng rồi ngồi cùng nhau nướng và thưởng thức hạt dẻ rừng. Hương vị bùi, béo, thơm của hạt dẻ rừng nướng bếp đượm cũng là niềm vui khó quên.
"Tui dành khoảng 5 ha rừng dẻ lớn để làm nhà sàn, phục vụ du khách có nhu cầu và những món ăn đặc sản từ rừng dẻ" - anh Anh chia sẻ thêm.