| Hotline: 0983.970.780

Vật nuôi phụ cho nguồn thu chính

Thứ Tư 09/10/2024 , 08:15 (GMT+7)

HÀ NỘI Trong quá trình nuôi cá anh Nghiêm Văn Liêm đã học được cách biến vật nuôi phụ, không phải cho ăn thành nguồn thu chính, đó là con ốc vặn.

Anh Liêm tung cào bắt ốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Liêm tung cào bắt ốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nghiêm Văn Liêm ở thôn Nội, xã Văn Hoàng (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) có một trang trại nuôi thủy sản rộng 10ha, chia làm 5 ao, phần sản xuất theo mô hình một lúa - một cá, phần theo mô hình chuyên canh cá. Học theo người hàng xóm, năm ngoái anh đã thử nghiệm thả hơn 2 tạ ốc vặn xuống một ao rộng hơn 2ha. Thả giống ốc một lần là có thể thu mãi vì chúng tự sinh sôi, nảy nở.

Một điều thuận lợi là nguồn nước dẫn vào khu thủy sản là nước sông Hồng và những cánh đồng xung quanh không dùng thuốc BVTV nhiều vụ liền. Dù mang tiếng nuôi nhưng anh không biết con ốc vặn ăn gì, tập tính sinh học ra sao vì suốt ngày đêm chúng ở dưới đáy bùn, chẳng bao giờ thấy ngoi lên ăn cỏ, ăn lá cây thủy sinh, ăn bèo như ốc nhồi (ốc bươu đen) hay ốc bươu vàng.

Anh phỏng đoán rằng chúng ăn “màu” là những chất mùn bã hữu cơ nên chủ động bỏ thêm xuống. Năm đầu tiên anh thu hơn 2 tấn ốc vặn, bán mỗi kg 20.000 đồng, được hơn 50 triệu đồng. Năm thứ hai anh thu hơn 5 tấn ốc, bán được hơn 100 triệu đồng.

Ốc vặn có thể thu tỉa bằng cào khi nước to, mỗi ngày được đôi ba tạ, còn dịp cuối năm khi rút cạn nước xuống 10 - 15cm để bắt cá thì dùng cào bắt ốc, mỗi ngày có thể được 5 - 7 tạ. Nếu không có công lao động thì thuê người vào cào, bắt rồi ăn chia theo tỷ lệ 70% chủ, 30% người làm thuê.

Anh Liêm bên chiếc cào bắt ốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Liêm bên chiếc cào bắt ốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lã Văn Duẩn chính là người khởi đầu cho nghề nuôi ốc vặn trong vùng này. Tôi hỏi về nguồn cơn, anh kể con cá nuôi bây giờ chẳng lờ lãi được bao nhiêu, trong khi con ốc vặn đầu tư chẳng đáng bao nhiêu mà lại có giá 20.000 đồng/kg nên 5 năm trước mới quyết định đi sâu vào đối tượng nuôi mới này.

“Bình thường nếu không chú ý đến nuôi, thu ao tự nhiên cũng có vài tạ ốc vặn. Từ khi chú ý vào nuôi ốc vặn tôi chọn loại cá không ăn ốc để thả, loại bỏ hẳn con trắm đen. Tháng giêng, tháng hai ốc vặn đẻ thì đợi tháng tư tôi mới thả cá chép vào bởi lúc đó ốc đã lớn bằng đầu đũa, cá chép khó ăn được, còn trước đó chỉ thả trắm cỏ.

Ốc vặn ăn gì thì tôi chưa biết được nhưng kinh nghiệm cho thấy là nuôi thưa thì sẽ có năng suất, còn môi trường cứ nước sạch, hạn chế dùng kháng sinh, hóa chất, nhất là những loại diệt tạp “máu trắng” thì tuyệt đối không được dùng vì ốc, tôm cũng là loài máu trắng. Ốc vặn ít bị bệnh nhưng có năm bị và tôi chịu, không chữa được, để chúng tự chết rồi tự phục hồi”, anh Duẩn cho biết.

Cận cảnh ốc vặn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh ốc vặn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những lúc ốc được giá, anh Duẩn lại thu vén bằng cào, cứ cào đến đâu, cắm cọc đến đấy để đánh dấu khu vực đã khai thác, mỗi buổi cũng được vài tạ, thu đôi ba triệu đồng, còn cuối năm tát cạn thu tất, ốc to bán 20.000 đồng/kg, ốc nhỡ bán 17 - 18.000 đồng/kg.

Trên diện tích ao rộng 2,5ha mỗi năm anh thu 5 - 6 tấn ốc, tổng được khoảng 100 triệu đồng mà toàn là lãi ròng, còn cá thu 5 - 7 tấn, tổng cũng được hơn 100 triệu đồng nhưng chi phí giống, thức ăn, thuốc đã chiếm quá 2/3 rồi.

Thấy anh Liêm, anh Duẩn nuôi ốc vặn “dễ ăn” quá nên mới đây anh Trần Văn Chung mới học theo thả 2 tạ ốc vặn xuống ao và nhận thấy tốc độ lớn của chúng khá tốt. 

“Ốc vặn trong ruộng lúa - cá rất to, lưỡi (phần thịt ăn được) nhiều và béo hơn hẳn so với ốc ở ngoài sông, hồ. Nuôi ốc vặn thì chỉ được gieo sạ lúa một vụ và thả cá một vụ thôi, đừng có tham. Mới rồi có người sạ lúa vụ xuân, thu lúa, thu cá xong rồi tham sạ thêm một vụ lúa mùa nữa nên phải rút nước đi trong 2 - 3 ngày, gặp đúng thời tiết mùa hè nóng tới 37 - 38 độ C nên ốc vặn chết gần hết. Gây được “chân ốc” khá mất thời gian nhưng một khi đã được rồi thì cứ thế mà thu mãi”, anh Nghiêm Văn Liêm thông tin.

Xem thêm
Sở hữu 500 chồn hương, chủ nuôi ngủ dậy là có tiền

Mô hình nuôi chồn hương sinh sản và bán thương phẩm đang được nông dân Nghệ An xây dựng, dù mới mẻ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.   

260ha diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại do dịch bệnh

An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long là 3 địa phương ghi nhận thiệt hại do dịch bệnh xuất hiện trên các ao nuôi cá tra, chủ yếu là bệnh gan thận mủ, xuất huyết.

Từ cây dược liệu, lão nông giúp cả làng thoát nghèo

BẮC GIANG Trồng cây dược liệu rồi cung cấp cho các công ty dược phẩm trong cả nước, ông Thân Văn Sách trú tại thị xã Việt Yên đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Bình luận mới nhất