Hệ thống thú y cấp xã vẫn còn lỗ hổng
Theo anh Lê Văn Thuận, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), huyện này có tổng đàn bò khoảng 18.000 con, đàn trâu 1.000 con, đàn heo hơn 17.000 con, đàn gà khoảng 110.000 con.
Với đàn gia súc, gia cầm khá lớn là vậy, nhưng lực lượng thú y ở huyện Vĩnh Thạnh rất mỏng, cán bộ thú y cấp huyện chỉ có 2 người, trong khi 9 xã, thị trấn trên địa bàn cũng còn “lỗ hổng” về lực lượng thú y xã.
“Hiện, ở Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh có 9 cán bộ, trong đó chỉ có 2 người là có nghiệp vụ chăn nuôi, thú y, còn lại 7 người thuộc ngành trồng trọt”, anh Lê Văn Thuận cho hay.
Nhiều xã của Vĩnh Thạnh nằm cách rất xa trung tâm huyện, đường đi cách trở, đây là nỗi khổ thường trực của lượng lượng thú y ở huyện miền núi này. Ví như xã Vĩnh Sơn nằm cách trung tâm huyện Vĩnh Thạnh đến 50km đường đèo, xã Vĩnh Kim cũng cách trung tâm huyện đến gần 40km. Các thôn, làng vùng sâu, vùng xa cũng nằm cách rất xa trung tâm xã. Trong khi hệ thống thú y thôn đã không còn hoạt động từ đầu tháng 9/2023 đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm gần 150.000 con của huyện Vĩnh Thạnh trông nhờ cả vào hệ thống thú y xã.
Huyện Vĩnh Thạnh có 9 xã, thị trấn, hiện lực lượng thú y cấp xã ở địa phương này có 9 người, đủ bố trí mỗi xã, thị trấn có 1 cán bộ thú y, người có chuyên môn thấp nhất là trung cấp thú y. Nhìn vào thấy thú y cấp xã ở Vĩnh Thạnh được lấp đầy, thế nhưng vẫn còn lỗ hổng tại xã Vĩnh Hảo, vì cán bộ thú y của xã này thiếu trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ NN-PTNT.
“Lực lượng mỏng là vậy nhưng cũng như những địa phương khác trên địa bàn Bình Định, hàng năm, huyện Vĩnh Thạnh phải nghiêm túc thực hiện công tác tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Vacxin cúm gia cầm thì tiêm liên tục. Còn vacxin lở mồm long móng trên trâu, bò mỗi năm tiêm 2 đợt, vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục và tụ huyết trùng mỗi năm tiêm 1 đợt. Đó là chưa kể những công tác phải thường xuyên theo dõi thực trạng chăn nuôi trên địa bàn để nắm bắt tình hình dịch bệnh”, anh Lê Văn Thuận, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ.
Bị trâu, bò húc, dẫm trọng thương
Theo anh Đinh Đang, cán bộ thú xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), những chặng đường đi tiêm phòng của cán bộ thú y ở đây vất vả đến khó tả. Từ trung tâm xã Vĩnh Kim muốn đến làng O2 nằm trên đỉnh Konhlon phải đi bộ hoặc xe máy cày qua đoạn đường đèo rất cao, dựng đứng, mỗi bước đi “đầu gối chạm ngực”, còn đi làng O3 cũng khó khổ tương tự. Đi làng O3 phải mất 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi, còn đi làng O2 phải mất đúng 1 buổi.
“Đồng bào dân tộc thiểu số ở làng O2 chăn nuôi bò khá nhiều. Khi đi tiêm phòng, cán bộ thú y phải mang trên lưng cái thùng xốp đựng vacxin. Do làng O2 có địa hình chia cắt, nên người chăn nuôi không thể tập trung gia súc về 1 điểm để tiêm phòng được, cán bộ thú y phải mang thùng xốp đựng vacxin đi tiêm hết điểm này đến điểm khác, rất vất vả”, anh Đinh Đang, cán bộ thú xã Vĩnh Kim chia sẻ.
Chuyện kể của anh Trương Trọng Huy, cán bộ thú y xã Vĩnh Sơn nghe càng thấy cám cảnh: Hầu như hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào ở xã Vĩnh Sơn cũng có chăn nuôi bò, nhưng không nuôi trong chuồng trại như người dân đồng bằng, nếu hộ nào có làm chuồng trại chăn nuôi thì cũng sơ sài, chủ yếu chỉ nuôi thả rông. Chỗ nào có bãi đất rộng là những hộ chăn nuôi trong làng thả hết bò vào đó. Muốn tiêm phòng, lực lượng thú y phải lặn lội vào tận trong rừng để tiếp cận với đàn vật nuôi.
Miền núi thường có mưa, nhất là vào cuối năm, thời điểm tiêm phòng vacxin lở mồm long móng đợt 2 hàng năm. Trong khi đường dẫn đến các khu chăn nuôi của bà con đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết là đường mòn len lỏi trong rừng, xe máy đi không được, lực lượng thú y phải đi bộ. Đi bộ trong rừng vào mùa mưa sợ nhất là bị vắt cắn.
Cũng theo anh Huy, gia súc ở miền núi do được nuôi theo kiểu bán hoang dã, ít gần gũi với người nên chất hoang dã trong chúng còn đầy. Những con bò lành tính chủ nuôi còn cột được vào cây rừng để cán bộ thú y tiêm vacxin, những con hung dữ đến cả chủ cũng không dám đến gần, nói chi đến người lạ. Do đó, đến cả anh Huy là cán bộ thú y dày dạn kinh nghiệm mà cũng suýt bị bò húc gãy tay, gãy chân mấy lần, thậm chí có lần bị bò húc trọng thương.
“Những người đã học nghề thú y đều biết cách né tránh bò đá, nhưng những con bò dữ khi mình tiêm nó nhảy vòng tròn dậm gãy chân mình. Hoặc khi cán bộ thú y đang tiêm bê con, bò mẹ bênh con nhào vô húc rất nguy hiểm.
Trước khi về làm thú y xã Vĩnh Sơn tôi làm cho 1 công ty tư nhân. Khi ấy, tôi đang tiêm phòng cho con bò nhập về từ Úc bị nó vẫy vùng, dẫm trúng vùng bụng gây chấn thương nặng, công ty hỗ trợ mấy chục triệu để điều trị. Tôi vốn nặng hơn 60kg mà sau tai nạn ấy chỉ còn hơn 40kg”, anh Trương Trọng Huy kể.