Tiêm phòng để bảo vệ gia đình và hàng xóm
Những ngày cuối tháng 4, các hộ dân có nuôi chó, mèo tại TP. Buôn Ma Thuột nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc tiêm vacxin phòng bệnh dại có thu phí. Khi nhận được thông báo, hầu hết họ đều vui mừng chờ đến lượt để tiêm phòng. Theo những người dân này, việc tiêm phòng bệnh dại là bảo vệ cho chính những người thân trong gia đình và hàng xóm.
Nhận được thông báo về thời gian tiêm vacxin phòng bệnh dại, anh Mai Quốc Hữu, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột chủ động ở nhà chờ cán bộ thú y đến tiêm cho con chó của gia đình. Theo ông Hữu, gia đình nuôi một con chó, để đảm bảo an toàn, năm nào cũng tiêm vacxin phòng bệnh dại.
“Tôi nghe tổ trưởng dân phố báo lịch cán bộ thú y đến tiêm phòng cho chó nên đã bố trí thời gian ở nhà. Nếu mà ai cũng có ý thức tiêm phòng cho chó, mèo thì quá tốt vì chó có ra đường lỡ cắn ai cũng đỡ lo. Tuy nhiên, quan trọng nhất mình phải xích chó lại đừng thả rông để cắn người khác”, ông Hữu nói.
Tương tự, bà Đỗ Thị Sách Mỹ, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột khi thấy đoàn cán bộ tiêm phòng đến đã ôm sẵng con mèo trên tay đứng trước cửa. Theo bà Mỹ, ăn bao nhiêu cũng hết, trong khi tiêm phòng chỉ tốn hơn 20.000 đồng/liều sao lại không làm. Việc này nhằm bảo vệ cho chính bản thân cũng như gia đình.
“Thời gian qua có nhiều trường hợp bị chó nhiễm bệnh cắn sau đó chủ quan không tiêm huyết thanh dẫn đến tử vong. Đến thời điểm tiêm phòng, nếu chưa thấy cơ quan chức năng tổ chức tiêm đại trà, gia đình tôi cũng chủ động liên hệ nhờ cán bộ mua vacxin đến nhà tiêm cho đàn vật nuôi”, bà Mỹ chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Văn, ngụ huyện Cư M’gar thắc mắc: “Mặc dù Chính phủ đã có chế tài xử lý đối với các gia đình nuôi chó thả rông không đeo rọ mõm, nhưng lâu nay không thấy trường hợp nào bị xử lý về vi phạm này”.
Ông Văn cho biết thêm, mới đây trên địa bàn huyện có trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ bị chó cắn, ông đề nghị cấm tuyệt đối việc thả chó nơi công cộng mà không mang xích và đeo rọ mõm.
"Bên cạnh đó, hằng năm ngành thú y địa phương cần có kế hoạch tiêm vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn, việc tiêm phòng phải thực chất, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tiêm phòng”, ông Văn đề xuất.
Vẫn còn tình trạng không hợp tác
Ông Hoàng Anh Dũng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, địa phương đang tiến hành tiêm 7.500 liều vacxin phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn. Sau thời gian triển khai, lực lượng thú y đã tiêm được hơn 6.000 liều. Hiện nay, TP. Buôn Ma Thuột đã có công văn đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cấp thêm 1.600 liều vacxin.
“Để công tác tiêm phòng dại cho chó, mèo năm 2024 đạt kết quả cao, Trạm đã cử cán bộ phối hợp với các xã phường trực tiếp xuống các địa bàn đang tiêm phòng để hỗ trợ cũng như phối hợp triển khai công tác tiêm phòng để đạt kết quả đề ra”, ông Hoàng Anh Dũng cho hay.
Theo ông Dũng, mặc dù là địa bàn thành phố, đa số người dân tiêm phòng dịch vụ đều chấp hành tốt nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều trường hợp không hợp tác.
“Tình trạng chó, mèo thả rông trên địa bàn còn tương đối nhiều. Trạm đã phối hợp với thàn phố ban hành văn bản chủ động triển khai thống kê và cho các hộ đăng ký kê khai số lượng cho mèo cũng như cam kết tiêm phòng đầy đủ. Việc chó mèo thả rông nên công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn.
Thành phố đã thông báo đến từng người dân nhốt chó, mèo để tiêm phòng nhưng nhiều người dân không chấp hành, khi đến phải đợi người dân nên rất lâu. Địa phương cũng chưa tổ chức được điểm tiêm tập trung nên không đáp ứng được kế hoạch của tỉnh đưa ra là đạt trên 70% tổng đàn. Để đẩy nhanh việc tiêm phòng Trạm phải đi từng nhà để vận động người dân tiêm phòng”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Cư M'gar cho biết, địa phương được phân bổ 4.000 liều vacxin dịch vụ, đến nay đã triển khai tiêm hết. Hiện, địa phương đã có công văn đề nghị bố trí thêm 700 liều vacxin dịch vụ.
Theo ông Đức, hiện vacxin dành cho các đối tượng ưu tiên chưa có nên địa phương rất sốt ruột. Vì đối tượng ưu tiên là những trường hợp nuôi chó, mèo lớn của địa phương. Các đối tượng này chưa tiêm phòng cũng ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương.
“Ngoài ra, công tác khai báo nuôi chó của người dân thì nhiều trường hợp không khai báo, không nhốt cho trong nhà. Việc tiêm phòng thì dễ nhưng khó khăn là người dân có bắt được chó hay không. Nhiều trường hợp đến nơi nhưng chủ nhà không bắt được chó phải quay về”, ông Đức thông tin.
Theo Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, vừa qua địa phương phân bố gần 40.000 liều vacxin tiêm phòng dịch vụ chó mèo cho các huyện, thành phố. Với số lượng này, địa phương mới tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo trên toàn tỉnh được khoảng 20%.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, để đạt tỷ lệ 70% tổng đàn chó, mèo được tiêm vacxin phòng dại, trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác đấu thầu mua vacxin cho đối tượng ưu tiên việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là điều then chốt.
“Cơ quan chức năng đã tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của bệnh dại để người dân bắt buộc phải tiêm phòng cho vật nuôi. Đối với chính quyền địa phương, chúng tôi yêu cầu phải có chế tài và bắt buộc người dân thực hiện và phải có cam kết, nếu không tiêm phòng mà xảy ra vật nuôi cắn người thì có chế tài xử lý để kịp thời ngăn chặn bệnh dại”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, đến nay, các địa phương tiêm dịch vụ đã triển khai thực hiện đạt tỷ lệ hơn 70% so với kế hoạch. Đối với vacxin dành cho các đối tượng ưu tiên, địa phương đang thực hiện hồ sơ đấu thầu.
Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk ghi nhận một con chó mắc bệnh dại của hộ tại buôn Bung Tang, xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo. Như vậy, từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk phát hiện và tiêu hủy 19 con chó do mắc bệnh dại và nghi mắc bệnh dại. Địa phương này cũng ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại.