| Hotline: 0983.970.780

Không để doanh nghiệp 'tiền trảm hậu tấu' trong kiểm dịch động vật

Thứ Tư 15/05/2024 , 14:49 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khẳng định: Không để doanh nghiệp 'tiền trảm hậu tấu' trong kiểm dịch động vật, phải bảo đảm tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về kiểm dịch.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long lưu ý: 'Các doanh nghiệp cần hiểu rõ Luật Thú y và các văn bản pháp luật liên quan'. Ảnh: Hồng Thắm.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long lưu ý: "Các doanh nghiệp cần hiểu rõ Luật Thú y và các văn bản pháp luật liên quan". Ảnh: Hồng Thắm.

Sáng 15/5, tại Hà Nội, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng Phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y cho biết, Thông tư số 04 sẽ có hiệu lực từ ngày 16/5/2024 và có những điểm mới cơ bản.

Đó là, bổ sung chỉ tiêu kiểm dịch đối với nhóm sản phẩm động vật nguy cơ cao, cụ thể: Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh/ướp lạnh/sơ chế của trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh/ướp lạnh/sơ chế của lợn; thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh/ướp lạnh/sơ chế của gia cầm, chim.

Bổ sung chỉ tiêu Salmonella spp., E.coli (chủng O157:H7). Đối với trứng gia cầm tươi, bổ sung chỉ tiêu cúm gia cầm thể độc lực cao, Newcastle. Tổ yến chưa chế biến, bổ sung chỉ tiêu Newcastle.

Thông tư 04 sẽ bãi bỏ quy định về kiểm dịch, đồng thời kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu.

Tăng thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch, xuất khẩu là 180 ngày, nhập khẩu là 60 ngày.

Bỏ quy định bấm thẻ tai, xăm tai đối với lợn vận chuyển trong nước để giết mổ, nuôi thương phẩm. Trường hợp gia súc nhập khẩu đã được đánh dấu hoặc đã có thẻ tai không phải thực hiện đánh dấu lại.

Quy định chủ hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch…

Trả lời băn khoăn về thời hạn chuyển tiếp thực hiện Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT, việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch/An toàn thực phẩm - Health Certificate (H/C) từ phía doanh nghiệp, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho hay, hồ sơ nộp trước ngày 16/5 sẽ thực hiện theo quy định hiện hành, gồm Thông tư 25, 35 và 09. Hồ sơ nộp từ ngày 16/5 sẽ thực hiện kiểm dịch theo Thông tư 04.

Về nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật, ông Long nhấn mạnh, trước khi nhập về Việt Nam, chủ hàng phải gửi một bộ hồ sơ cho Cục Thú y để hướng dẫn hoàn thiện thủ tục. Trước khi có sự hướng dẫn của Cục Thú y, không được phép đưa hàng về, tránh trường hợp hàng không đạt yêu cầu vẫn nhập về dẫn tới bị tái xuất.

“Doanh nghiệp hay tiền trảm hậu tấu, làm khó cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như tự gây rủi ro cho chính mình”, ông Long nói.

Ông Long khẳng định: “Quá trình xây dựng Thông tư đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Theo ông Long, để thực hiện quy định mới này, Việt Nam phải thông báo và lấy ý kiến các nước có xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến nay, các nước đều đồng ý với quy định mới của Việt Nam. Do đó, không có chuyện cơ quan thẩm quyền các nước không nắm được cũng như không kịp tuân thủ quy định mới của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ, các văn bản, thông tư mới ở mức độ nào đó sẽ chưa thỏa mãn được hết các diễn biến ngoài thực tế, cũng như mong đợi, yêu cầu từ tổ chức, cá nhân, vì vậy, trong Thông tư cũng đã có điều khoản rất rõ ràng là trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ NN-PTNT, Cục Thú y để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Kể từ ngày 16/5, tăng thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch, xuất khẩu là 180 ngày, nhập khẩu là 60 ngày. Ảnh: HT.

Kể từ ngày 16/5, tăng thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch, xuất khẩu là 180 ngày, nhập khẩu là 60 ngày. Ảnh: HT.

Ông Long đề nghị, các tổ chức, cá nhân, nhất là những đơn vị liên quan đến nhập khẩu động vật và các sản phẩm động vật, cần nghiên cứu kỹ Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn dưới Luật và các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình, đồng thời giúp lĩnh vực kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất nhập khẩu vào Việt Nam đảm bảo theo đúng quy định, tránh những rủi ro không đáng có.

Ông Long khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiến hành đăng ký thủ tục kiểm dịch trực tuyến, hạn chế tối đa dùng hồ sơ giấy. Thời gian tới,  Cục Thú y sẽ không tiếp nhận hồ sơ giấy nhằm hướng tới sự công khai, minh bạch, hồ sơ đi đến đâu doanh nghiệp biết đến đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Xem thêm
Tây Ninh phát triển bò thịt chất lượng cao: [Bài 1] Nâng tầm vóc, chất lượng nhờ tinh bò ngoại

Nổi tiếng bò thịt, Tây Ninh đã thụ tinh nhân tạo từ giống bò ngoại ưu việt giúp từng bước cải tạo giống, nâng cao tầm vóc, phát triển đàn bò bền vững.

Doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ nông dân sản xuất lúa giảm phát thải

Thông qua hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty TNHH Faeger sẽ hỗ trợ nông dân định lượng giảm phát thải.

Trẻ hóa vùng bưởi già cỗi

Nhiều vườn bưởi bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ của nông dân tỉnh Vĩnh Long đã phục hồi, phát triển tốt, cho năng suất cao nhờ áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.