| Hotline: 0983.970.780

Về nơi giữ tiếng cười trẻ thơ mỗi dịp trăng rằm

Thứ Hai 16/09/2024 , 14:15 (GMT+7)

Có mặt tại làng Ông Hảo những ngày này, khắp xóm làng tiếng xẻ gỗ, búa đe lọc cọc, tiếng thử trống lách cách, tiếng các bà, các mẹ trò chuyện rôm rả.

Âm thanh làng cổ

Không nhớ đã gắn bó với nghề được bao nhiêu năm rồi, ông Vũ Văn Hởi, 70 tuổi ở làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) chỉ nhớ từ nhỏ, ông đã say mê mùi thơm của gỗ mỗi khi thấy bố mẹ làm trống Trung thu. Tiếng đục đẽo gỗ và mùi sơn mới thoang thoảng đã thôi thúc ông học và lưu giữ nghề làm trống gần nửa cuộc đời.  

Trong căn xưởng nhuốm màu thời gian, ông Hởi kể cho chúng tôi nghe về sự tỉ mỉ, kiên trì để làm ra một chiếc trống hoàn chỉnh. “Đằng sau tiếng tùng, tùng, tùng vang rền đêm Trung thu, chúng tôi phải chuẩn bị cả năm trời. Gỗ bồ đề sau khi mua về phải phơi thật khô dưới nắng. Trước không có máy móc, phải cắt thủ công. Giờ có máy cắt nên tiết kiệm được thời gian nhiều”.

Ông Vũ Văn Hởi đã có nửa cuộc đời gắn bó với nghề làm trống Trung thu. Ảnh: Khánh Linh.

Ông Vũ Văn Hởi đã có nửa cuộc đời gắn bó với nghề làm trống Trung thu. Ảnh: Khánh Linh.

Trải qua công đoạn cắt, tiện, những chiếc trống dần được thành hình rồi đem phơi khô trước khi chuyển tới giai đoạn gắn bưng trống. Đôi bàn tay thuần thục, khóe léo, ánh mắt tập trung cao độ, những người thợ phải mất 20 phút mới hoàn thiện công đoạn bưng trống.

Nếu bưng quá căng, âm trống sẽ mất tiếng vang tròn, nếu bưng quá chùng, âm sẽ yếu và thiếu độ sâu. Những vết chai sần trên đôi bàn tay của những người thợ làm trống là minh chứng thời gian gắn bó với nghề làm trống.

Công đoạn bưng trống rất quan trọng để có được một chiếc trống vang. Ảnh: Khánh Linh.

Công đoạn bưng trống rất quan trọng để có được một chiếc trống vang. Ảnh: Khánh Linh.

Đối với ông Hởi, người làm trống giỏi phải là người có đôi tai tinh tường để phán đoán độ vang, rền. Theo đó, người thợ phải kỹ lưỡng căng trống đến khi âm thanh đạt độ trong nhất định. Người thẩm âm trống không được phép cẩu thả, trống nào không đạt âm phải chỉnh đến khi nào âm chuẩn mới dừng lại.

Trống sau khi bưng xong sẽ được phơi khô, đến độ nhất định trống được phủ lên mình một lớp sơn, những lớp sơn rực rỡ giúp tạo nên hồn riêng của trống.

“Nghề làm trống công đoạn nào cũng gian nan, nhưng gian nan nhất là việc giữa trưa nắng phải ra đường để phơi tang trống, nắng càng to người dân còn mừng vì khi đó tang trống sẽ nhanh khô”, ông Hảo nói.

Làm trống không chỉ giúp mang lại kinh tế cho gia đình ông Hởi, nó còn giúp gia ông gia đình ông thêm gắn kết với nhau hơn. Trong ánh mắt không giấu nổi niềm tự hào, bà Nguyễn Thị Lành vợ ông Hảo chia sẻ. “Tôi và ông Hởi là người cùng làng, từ nhỏ cả hai đều gắn bó với nghề làm trống. Từ ngày nên duyên vợ chồng cả hai quyết định vẫn tiếp tục làm nghề. Làm với sự yêu thích để giữ lấy nghề truyền thống của ông cha, truyền từ đời này sang đời khác”.

Giữ tiếng cười trẻ thơ 

Vừa tất bật đóng hàng để gửi đi cho khách, ông Hởi hồ hởi chia sẻ với chúng tôi về việc trống được gửi đi khắp mọi miền đất nước. “Trống của nhà giờ đi đâu là cũng thấy. Trống có giá thành từ 20.000 – 25.000, mấy chục năm làm trống tôi chưa nhận bất cứ phàn nàn nào”.

Càng về cận những ngày Trung thu, gia đình ông Hởi càng bận rộn, ai cũng đều phải cố gắng hoàn thành nhanh chóng công đoạn của mình để kịp đơn hàng gửi đi trước ngày Trung thu.

Mọi người vẫn truyền tai nhau câu nói, “Trong Tết Trung thu, cho kẹo bánh trẻ con cũng không thích bằng được cho một chiếc trống. Thiếu trống là mất đi hơi thở của đêm trăng rằm”.

Trống sẽ được phủ lên mình một lớp sơn, những lớp sơn rực rỡ giúp tạo nên hồn riêng của trống. Ảnh: Khánh Linh.

Trống sẽ được phủ lên mình một lớp sơn, những lớp sơn rực rỡ giúp tạo nên hồn riêng của trống. Ảnh: Khánh Linh.

Là khách hàng quen thuộc của ông Hởi, bà Lương Thị Hoài (Hà Nội) cho biết. “Năm nào đến vụ mùa Trung thu, tôi cũng nhập hàng từ nhà ông Hởi để bán. Khách hàng mua rất hài lòng với hình thức và âm thanh trống. Nhìn các cháu hứng khởi khi cầm chiếc trống, tôi cũng thấy vui và bao ký ức Trung thu ùa về”.

Hiện nay, tại làng Ông Hảo, chỉ còn vài hộ gia đình vẫn giữ nghề làm trống. Con trai ông Hởi là một trong số ít người trẻ hiếm hoi vẫn tiếp tục theo nghề, với anh Hưng việc theo nghề làm trống như một mối nhân duyên, anh nói. “Nghề làm trống rất vất vả nhưng từ nhỏ tới lớn đã gắn bó với trống, càng lớn càng thôi thúc tôi phải tiếp tục cố gắng giữ nghề. Bây giờ công nghiệp hóa, không còn nhiều người trẻ làm nghề nên tôi càng phải cố gắng phát huy nghề của ông cha”.

Trống được ông Hởi ghi đi khắp nơi trên cả nước. Ảnh: Khánh Linh.

Trống được ông Hởi ghi đi khắp nơi trên cả nước. Ảnh: Khánh Linh.

Việc ông Hởi và những người dân trong làng còn gắn bó với nghề chính là cầu nối để giữ mãi tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ mỗi dịp trăng rằm. Nhờ vậy, hơn nửa thế kỷ trôi qua, những chiếc trống Trung thu của gia đình ông Hởi và người dân làm nghề trong làng vẫn luôn được mọi người tin yêu đón nhận.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vị thế trong các hoạt động văn hóa dân gian dân tộc, những món đồ chơi dân gian tại làng Ông Hảo đang dần để lại dấu ấn riêng. Trong bối cảnh hội nhập, những nghệ nhân của làng nghề làm đồ chơi Trung thu Ông Hảo vẫn giữ hồn bản sắc dân tộc, vẹn nguyên một ý nghĩa.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.